Ngắm cảnh bằng trực thăng: liệu ai còn muốn đi?

“Tôi cũng lo sợ, giả sử ra ngoài đấy (Hạ Long) mà chưa có vụ đấy (rớt trực thăng) thì mình còn thích lên máy bay tham quan, nhưng mà có vụ này rồi thì thôi dừng lại không đi.”

“Trong trường hợp tôi trước đây chưa bị (tai nạn trực thăng) có thể tôi thích đi, nhưng đã bị rồi thì tôi xem lại thế nào chứ đi mà nguy hiểm quá. Cũng ảnh hưởng chứ sao không được, cái này sự cố mà.

Ai cũng nói bình thường nhưng khi rớt rồi thì biết chuyến mình đi có rớt nữa không?”

Vừa rồi là chia sẻ của hai người dân Đà Nẵng nói với phóng viên RFA sau vụ máy bay trực thăng tham quan vịnh Hạ Long bị phát nổ và rơi vào ngày 5/4 vừa qua.

Trong ngày 6/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, được truyền thông Nhà nước dẫn lời về biện pháp tạm dừng dịch vụ du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng cho đến khi có thông báo mới.

Quyết định vừa nêu được nói không chỉ áp dụng riêng cho trực thăng tại Vịnh Hạ Long mà cho cả các tour trực thăng ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu – Côn Đảo.

Trong trường hợp tôi trước đây chưa bị (tai nạn trực thăng) có thể tôi thích đi, nhưng đã bị rồi thì tôi xem lại thế nào chứ đi mà nguy hiểm quá. 

Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ online ngày 6/4 cũng cho biết đã đề nghị đơn vị khai thác tour trực thăng ‘check-in’ Đà Nẵng trên cao tạm dừng hoạt động bay quanh thành phố để rà soát lại sau tai nạn ở vịnh Hạ Long.

Tuy vậy, khi trao đổi với RFA, nhiều người dân dự đoán rằng việc tạm dựng này có thể sẽ phải sớm kết thúc:

“Không nên dừng vì thực ra tai nạn máy bay trực thăng không phải là nhiều. Cái này do lý do nào đó người ta sẽ nói ra vì người ta đã lấy được hộp đen rồi thì sẽ biết được lý do làm sao.

Trực thăng tôi đi rồi và tôi cũng biết nó là phương tiện rất đảm bảo, không vấn đề gì.”

“Vấn đề đó cũng không nói trước được, họ đi rất nhiều máy bay nhưng vấn đề đó (rớt máy bay) chẳng qua là rủi ro thôi chứ đâu phải cứ đi máy bay là xảy ra vấn đề đó. Tất nhiên có một ít ảnh hưởng đến (du lịch).”

“Chuyện ở Đà Nẵng có dừng hay không tôi không dám nói, người ta vẫn tuyên truyền vì đó là một mảng thu nhập.

Đã nguy hiểm thì chỗ nào cũng nguy hiểm, chỉ có mình muốn thưởng thức thì mình đi. Chuyện đó xui rủi ai nói được, mỗi người mỗi quan điểm.

Nếu nhìn góc độ tôi thì cái này rất hiếm, trên đời này có những chuyện xảy ra, không thể nói đi ở dưới đất an toàn hết được. Xe cộ vẫn bị, nếu tính ra xác suất ít hơn, nhưng lên trời mình thấy họ rớt mình ớn.”

01.jpg

Mặc dù vậy, những người dân này đồng thời cũng cho rằng việc tạm dừng trực thăng tham quan tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch tại Đà Nẵng:

“Du lịch bằng máy bay trực thăng không có mấy người đi. Cụ thể tôi theo dõi thấy Đà Nẵng có chuyện này lâu rồi nhưng gần như không hấp dẫn người ta.”

“Ít nhiều những người đi du lịch có thể họ đi nhưng máy bay họ hạn chế, vẫn đi vì đi dưới đất có gì mà sợ. Có tiền thì đi nhưng có cái đi máy bay họ phải xem lại. Họ sợ.”

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Đà Nẵng luôn là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Tuy chính phủ Hà Nội đã mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có những chương trình khuyến khích du lịch nhưng theo quan sát của người dân địa phương, ngành du lịch tại đây đến nay vẫn chưa thể phục hồi như trước:

Từ hồi dịch tới giờ giảm rất nhiều, hồi xưa khách sạn từ đầu đường bật sáng trưng hết, giờ tối thui thế này, hồi xưa đông đen đỏ hết.

Có nhiều vấn đề phải làm. Vấn đề thứ nhất là hoạt động của mình bị gián đoạn, giờ để tái lại thì nhân lực thiếu, phụ thuộc nhiều điều kiện hoàn cảnh kinh tế chưa cho phép người ta ăn chơi, du lịch nhiều.

Không nên dừng vì thực ra tai nạn máy bay trực thăng không phải là nhiều.

Theo tin từ truyền thông nhà nước, máy bay trực thăng Bell 505 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở bốn du khách Đà Nẵng đi ngắm cảnh theo lộ trình đảo Tuần Châu – đảo Đầu Gỗ – hòn Gà Chọi – đảo Titop – vịnh Bái Tử Long – đảo Rều – đảo Tuần Châu.

Sau khi máy bay rơi vào lúc 17 giờ 06 phút ngày 5/4/2023, lực lượng chức đã tìm thấy thi thể của bốn người gồm cả phi công và hộp đen của máy bay trong chiều cùng ngày. Riêng thi thể của người khách cuối cùng được tìm thấy vào ngày 7/4.

Theo Cục Hàng không, máy bay gặp tai nạn được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt, còn phi công đã có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026.

Hiện việc điều tra sẽ được thực hiện theo Điều 106 Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Related posts