Blogger Nguyễn Lân Thắng bị kết án sáu năm tù giam trong phiên xử kín

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự do các hoạt động phản biện ôn hòa trên mạng xã hội.

Phiên toà xử kín bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 1 giờ 20 chiều ngày thứ tư (12/4). Chỉ có vợ ông là nhà báo Lê Bích Vượng cùng với bốn luật sư được vào phòng xử án. 

Nhiều thân nhân, bạn bè và giới hoạt động phải quan sát phiên toà từ khu vực phía xa trong khi một số người bất đồng chính kiến và thân nhân của tù nhân lương tâm bị quản thúc tại gia hoặc bị an ninh địa phương bám sát khi đi ra ngoài trong thời gian diễn ra phiên toà.

Nhà báo tự do Hiếu Bá Linh ở Đức, người quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, bình luận với RFA về kết quả phiên toà hôm nay như sau:

“Với tội danh tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam theo khoản 1 (Điều 117 của Bộ luật Hình sự- PV) thì khung hình phạt của nó là từ năm năm đến 12 năm tù. Phiên toà hôm nay xử ông Nguyễn Lân Thắng chỉ có sáu năm tù thì rõ ràng tương đối nhẹ.

Nhưng mà thật ra, dẫu cho một ngày tù đối với một người yêu nước như Nguyễn Lân Thắng vẫn là một ngày tù oan ức, một ngày tù bất công.”

Ông cho rằng vì muốn tránh bị bẽ mặt nên Nhà nước Việt Nam đã đem ông Nguyễn Lân Thắng ra xử kín vì ông vô tội và xuất thân từ một đại gia đình có đóng góp nhiều cho chế độ. Việc xử kín là một bất công khác đối với nhà hoạt động người Hà Nội, nhà báo kỳ cựu này nói.

Toà án Hà Nội kết tội ông Nguyễn Lân Thắng chỉ bốn ngày sau khi lực lượng an ninh của tỉnh Đắk Lắk bắt giữ thầy truyền đạo Y Krếch Byă, người đứng đầu nhóm tôn giáo Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Bình luận về hai sự kiện nhân quyền trên và hai chuyến thăm Việt Nam trong tuần này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cùng phái đoàn Thượng nghị sĩ-Dân biểu Hoa Kỳ, ông Hiếu Bá Linh cho rằng nhân quyền không phải là ưu tiên hàng đầu của Washington trong quan hệ với Hà Nội vào thời điểm này. Ông giải thích:

“Hoa Kỳ hiện nay đang rất quan tâm đến chuyện nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam để mà đối trọng với Trung Quốc, hay là nói mạnh hơn là bao vây Trung Quốc. Thành thử Hoa Kỳ đang đặt ra vấn đề đó quan trọng nhất, một chiến lược của Hoa Kỳ.”

Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2021, ông Joe Biden nhấn mạnh cam kết bảo vệ nhân quyền trên bình diện thế giới, tương tự như giai đoạn tranh cử khi ông hứa sẽ “chống tham nhũng, bảo vệ trước chủ nghĩa độc đoán, và thúc đẩy nhân quyền”.

Phóng viên có liên lạc với luật sư Lê Đình Việt, một trong bốn luật sư của ông Nguyễn Lân Thắng, để lấy thông tin từ phiên toà, tuy nhiên ông từ chối với lý do không được phép cung cấp thông tin về phiên toà kín.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Lân Thắng bị cho là “tàng trữ” một số cuốn sách có nội dung “chống nhà nước,” trong đó có hai cuốn “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực” của nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang bị cầm tù với bản án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông cũng bị cho là tham gia vào nhiều buổi hội luận bàn tròn của BBC có nội dung “chống phá” hoặc “bôi xấu” Nhà nước Việt Nam và đăng tải 12 video lên mạng xã hội Facebook và Youtube có nội dung “xuyên tạc” chế độ.

Trong hai ngày trước phiên toà, ba tổ chức quốc tế là Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Lân Thắng và các nhà hoạt động cùng nhà báo, những người đang bị giam cầm chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà.

Theo CPJ, cho đến thời điểm 01/12/2022, Việt Nam giam giữ 21 nhà báo vì các hoạt động báo chí của họ. Con số này không kể ông Nguyễn Lân Thắng vì khi đó tổ chức có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) này chưa có thông tin rõ ràng về trường hợp của ông.

Related posts