Hôm 10 tháng 4, 2023, tại Washington DC, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã họp báo trực tuyến về chuyến công du sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken tới Việt Nam và Nhật Bản.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink cho biết tại Hà Nội, Bộ trưởng Antony Blinken sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao tại Việt Nam để tiếp tục tạo đà cho cuộc điện đàm của Tổng thống Biden với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào hôm 29/3/2023.
Ông Daniel Kritenbrink cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ động thổ xây dựng khuôn viên Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đây là dự án trị giá 1,2 tỉ USD trên khu đất có tổng diện tích 3,2 hecta, đã được hai nước đồng thuận trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam năm 2021.
Trao đổi với RFA, TS. Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson cho rằng lý do của chuyến thăm của ông Antony Blinken được cho là để kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước Việt Mỹ. Nhưng theo ông Nagao, nếu mục đích của chuyến thăm chỉ là một hoạt động kỷ niệm thì nghe không hợp lý. Mục đích thực sự của chuyến thăm, theo ông Nagao, có thể là ba vấn đề: tiếp xúc với lãnh đạo mới của Việt Nam, hợp tác an ninh và thúc đẩy thương mại.
TS. Nagao Satoru cho rằng việc Ngoại trưởng Antony Blinken tiếp xúc với ban lãnh đạo mới của Việt Nam là một lý do quan trọng, bởi vì gần đây, Việt Nam có sự thay đổi lãnh đạo thượng tầng. Ông Nagao nhận định: bởi vì quan hệ Việt-Mỹ đã tiến triển tốt đẹp dưới thời lãnh đạo cũ, Bộ trưởng Blinken do đó cũng muốn kết nối lại với lãnh đạo mới của Việt Nam, để duy trì mối quan hệ đã có.
Hợp tác trong khung khổ Ấn Độ – Thái Bình Dương Mở và Tự do
Tại cuộc họp báo hôm 10/4/2023, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink cho rằng hai nước Việt Mỹ sẽ luôn có sự trao đổi mạnh mẽ về các lợi ích và giá trị chung, cũng như một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương “mà cả hai chúng ta muốn sống.” Ông đưa ra định nghĩa: “Đó là một khu vực tự do và cởi mở, nơi tất cả các nước lớn và nhỏ đều chơi theo luật như nhau, nơi nước lớn không bắt nạt nước nhỏ, nơi các nước thương mại tự do nhưng cũng công bằng, và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.” Theo ông Daniel J. Kritenbrink, các nhà lãnh đạo của cả Hà Nội và Washington đều đồng thuận với nhau về những vấn đề đó.
Giới quan sát cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có liên quan mật thiết đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Mở và Tự do. Trong lịch trình công du châu Á của mình từ 14 đến 18 tháng 4, 2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4 trước khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G-7 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 16-18/4/2023. Nhật Bản được coi là nước tạo ra khái niệm chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” hiện do Hoa Kỳ và các đồng minh lớn dẫn đầu.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink nói rằng “Việt Nam là một đối tác tin cậy ở Tiểu vùng sông Mekong, một nhà lãnh đạo trong ASEAN và là thành viên quan trọng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, chúng ta đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trên thực tế, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của chúng ta.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng quan hệ an ninh Việt Mỹ đã phát triển khá đáng kể, bằng chứng là các chuyến thăm của tàu hải quân, Hoa Kỳ viện trợ lớn cho cả quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển, và các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam để giúp nước này bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình và góp phần vào sự ổn định của khu vực Đông Nam Á. Mở rộng quan hệ “giao lưu nhân dân” với việc hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ cũng sẽ là một ưu tiên trong tương lai.
Trao đổi với RFA về mục đích thúc đẩy hợp tác an ninh với Việt Nam của chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, TS. Nagao Satoru đặt chuyến thăm này trong toàn bộ lịch trình của ông Blinken và chỉ ra rằng chuyến thăm Việt Nam được kết hợp với chuyến thăm Vương quốc Anh, Ireland và Nhật Bản. Như vậy, trong chuyến công du này, ông Blinken đang thăm các nước đối tác thân thiện với Hoa Kỳ và có xung đột lợi ích với Trung Quốc. Đặc biệt, chuyến thăm Nhật Bản của ông sẽ diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam. Mỹ mong muốn kết nối hợp tác Mỹ-Việt-Nhật trong chuyến đi của mình.
Hợp tác an ninh, trấn an đối tác?
Cũng về vấn đề hợp tác an ninh, cả TS. Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson và ông Greg Poling ở Trung tâm CSIS đều trao đổi với RFA rằng chuyến thăm ông Blinken có mục đích trấn an Việt Nam và các nước Đông Nam Á về cam kết của Hoa Kỳ với khu vực, trong bối cảnh cường quốc số một thế giới đang phải trợ giúp Ukraine bảo vệ nền độc lập của mình trước cuộc xâm lăng của Nga.
TS. Nagao phân tích rằng ở phía Châu Âu, Hoa Kỳ hiện đang huy động nhiều nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực quân sự và nguồn lực ngoại giao như nhân lực, thời gian, tài sản…, để chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Vì vậy, hiện nay, ở phía Châu Á, nếu Trung Quốc leo thang gây căng thẳng quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ phải xử lý cả hai mặt trận. Các nước Đông Nam Á lo ngại rằng nếu tình huống này xảy ra, Hoa Kỳ phản ứng sẽ khó khăn hơn. Và vì vậy, theo TS. Nagao, các chuyến thăm của Hoa Kỳ đến khu vực này nhằm giải thích một cách hợp lý cho các nước như Việt Nam và Nhật Bản rằng nước Mỹ có đủ năng lực để đối mặt với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi vẫn đồng thời đối mặt với Nga ở Châu Âu. Ông Nagao nhận xét: “Trên thực tế, Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác với cả Việt Nam và Nhật Bản để tăng cường răn đe đối với Trung Quốc.”
Tương tự như vậy, trả lời câu hỏi của RFA về mối quan hệ giữa việc Việt Nam được Nhật Bản mời đến quan sát Hội nghị Thượng đỉnh G-7 và Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Việt Nam trước khi đến Nhật Bản dự G-7, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho rằng hai sự kiện không liên quan trực tiếp với nhau. Lý do của chuyến thăm phần nhiều là, theo ông Greg Poling, do hai bên đang tìm kiếm động lực để nâng cấp quan hệ. Hoạt động này của ông Blinken nằm trong chuỗi các hoạt động tìm cách nâng cấp quan hệ bao gồm cuộc gọi giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Trọng, và việc ông Trọng chấp nhận lời mời đến thăm Washington. Ông Greg Poling nói:
“Tôi hy vọng rằng cả hai bên sẽ nhân chuyến thăm của ông Blinken mà cố gắng củng cố các chi tiết của chuyến thăm đó, cũng như chuyến thăm đối ứng có thể có tới Việt Nam của Tổng thống Biden. Đây là những cam kết ở cấp lãnh đạo, rất cần thiết để chính thức nâng mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược.”
Ông Greg Poling cũng chỉ ra những quan ngại về khả năng của Hoa Kỳ như ông Nagao Satoru đã phân tích:
“Việt Nam đã do dự trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ mặc dù mối quan hệ này mang tính chiến lược một cách hiệu quả, vì họ lo ngại sự trả đũa từ Trung Quốc, và họ không được thuyết phục một cách chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ mang lại đủ lợi ích một cách đáng tin cậy, để vượt qua bất kỳ đòn giáng trả kinh tế và ngoại giao nào, mà họ có thể nhận lấy từ Bắc Kinh. Hoa Kỳ đang nỗ lực thuyết phục Việt Nam rằng mình cam kết mang lại lợi ích về mặt ngoại giao, kinh tế, quân sự và quan hệ giữa nhân dân và nhân dân hai nước.”
Nhiều nhà quan sát từ lâu đã nói về nhu cầu thay đổi nguồn cung vũ khí Nga của Việt Nam do kết quả của cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong cuộc họp báo hôm 10/4 cũng khẳng định nước này “sẽ vì lợi ích của Việt Nam và cũng sẽ tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, bao gồm cả CAATSA, để các đối tác như Việt Nam có thể đa dạng hóa việc mua sắm quốc phòng của họ từ những nguồn bên ngoài Nga”.
CAATSA là “Đạo luật Chống lại Đối thủ của Hoa Kỳ” (The Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act) được Thượng viện nước này thông qua vào ngày 27 tháng 7 năm 2017, thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Bắc Triều Tiên và Nga. Các quốc gia buôn bán vũ khí với Nga cũng sẽ bị trừng phạt. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã điều trần trước Quốc Hội năm 2018, đề nghị “nương tay” những nước thân thiện với Hoa Kỳ như Việt Nam và Ấn Độ do lịch sử các nước này phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí Nga khiến họ không thể “thoát Nga” về mặt vũ khí trong một sớm một chiều.
Vấn đề nhân quyền phủ bóng quan hệ Việt Mỹ
Trao đổi với báo giới, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink cũng nói rằng quan hệ hai nước không phải chỉ có những thuật lợi mà vẫn còn một số vướng mắc. Ông tin rằng hai bên sẽ trao đổi với nhau về vấn đề nhân quyền. Bức tranh nhân quyền ở Việt Nam, theo vị đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một mặt “đã có một số tiến bộ quan trọng,” và mặt khác “cũng có một số lo ngại đáng kể” liên quan đến quyền tự do ngôn luận tự do tôn giáo của người dân.
Ông Daniel J. Kritenbrink khẳng định chắc chắn vấn đề nhân quyền sẽ là một lĩnh vực Bộ trưởng Antony Blinken sẽ thảo luận khi đến thăm Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng nước Mỹ chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Nhưng với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Hoa Kỳ “mong muốn Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền của mình.”
Sau khi nhắc lại các trường hợp mà báo giới quốc tế nêu ra trong trong buổi họp báo, trong đó có trường hợp bà Phạm Đoan Trang được Bộ Ngoại giao Hoa kỳ trao Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế năm 2022, ông Daniel J. Kritenbrink, từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 2017 đến 2021, nói rằng “nhìn từ kinh nghiệm bản thân tại Việt Nam, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng lợi ích của Hoa Kỳ là hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, nhưng tất nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam và tất cả các nước sẽ mạnh hơn, thịnh vượng hơn và an ninh hơn khi Việt Nam cũng đảm bảo các quyền cơ bản của công dân.”
Một số nhà quan sát tin rằng chuyến thăm chính thức của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tới Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 7 năm 2023. Vị đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại buổi họp báo hôm 10/4/2023 nhấn mạnh: “bất kể người ta gán cho mối quan hệ Việt Mỹ những nhãn hiệu nào đi nữa thì chắc chắn rằng mối quan hệ đối tác mà hai nước đã xây dựng là mạnh mẽ, cực kỳ đa dạng và có phạm vi rộng lớn. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khu vực và Hoa Kỳ rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ này.”