Cơ chế miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và báo chí nhà nước đăng tải hôm 13/4/2023.
Theo dự thảo này, Hội đồng Nhân dân TPHCM sẽ là cơ quan quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt… được hưởng các ưu đãi tùy theo trình độ, năng lực và yêu cầu công việc…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển khoa học công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ là khâu đột phá cho TPHCM thời gian tới. Vì vậy phải khuyến khích và ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài đến làm việc.
Giảm thuế để thu hút nhân tài chỉ là một chính sách tạo ra một góc ưu đãi, chứ nó hoàn toàn không phải một cách thức để thu hút nhân tài.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Liệu miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm có đủ hấp dẫn người tài đến làm việc? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/4 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Giảm thuế để thu hút nhân tài chỉ là một chính sách tạo ra một góc ưu đãi, chứ nó hoàn toàn không phải một cách thức để thu hút nhân tài. Bởi vì người ta còn rất muốn có nhiều điều kiện sống khác như tạo thuận lợi cho những người mong muốn làm việc lâu dài. Ngoài ra cũng còn một việc nữa mà ở Việt Nam rất quan trọng, đó là môi trường làm việc sao cho người tài cảm thấy được thoải mái tự do sáng tạo, được tự do làm việc, kích thích tư duy…”
Theo ông Võ, dù TPHCM và một số địa phương đã áp dụng chính sách thu hút nhân tài bằng lương cao, nhưng số lượng người sau khi đi học nước ngoài về nước vẫn không cao:
“Chính vì vậy những người học tập có chất xám hướng trở về Việt Nam cũng không nhiều, người ta vẫn mong muốn định cư ở nước ngoài sau khi học thành tài. Việt Nam cũng có chính sách vĩ mô để tạo điều kiện thu hút nhân tài người nước ngoài đến làm việc, nhưng với chính sách mà pháp luật khập khiển thì cũng không thành công. Chính vì vậy, một môi trường chung mà những người có năng lực cần là phải có sự ổn định một cách toàn diện để người ta có thể làm việc, phát huy được chất xám của họ.”
Việc thu hút nhân tài được TPHCM bắt đầu thí điểm từ năm 2014. Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá khi đó là không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới. Theo quyết định 17, chính sách thu hút nhân tài khi đó cũng áp dụng mức hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí tùy vị trí; hỗ trợ kinh phí thuê nhà… Ngoài ra, cứ mỗi đề tài nghiên cứu được công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó.
Dù đã nhiều lần TPHCM kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài, nhưng khi trả lời báo nhà nước hôm 28/4/2022, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trong ba năm TPHCM chỉ thu hút được 5 nhân tài.
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm được cho là chỉ làm thu nhập của chuyên gia tăng thêm một phần, chẳng khác dùng chính sách tăng lương đã thất bại trong việc thu hút nhân tài.
Giảm thuế thu nhập là không đủ, ở Việt Nam có những cái liên quan đến thể chế chứ không phải là chuyện dùng tiền giải quyết.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Khi trả lời RFA hôm 14/4/2023 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:
“Giảm thuế thu nhập là không đủ, ở Việt Nam có những cái liên quan đến thể chế chứ không phải là chuyện dùng tiền giải quyết. Ngay cả nếu giải quyết bằng tiền thì nguồn lực của Việt Nam cũng không đủ. Ở Việt Nam việc thu hút nhân tài phần lớn là ngành có tính chất kĩ thuật, chứ còn những ngành liên quan đến xã hội thường rất khó. Vì chuyện gỡ bỏ những khúc mắc về mặt xã hội hiện nay là vấn đề rất lớn, cần phải cởi mở từ lãnh đạo cao nhất, chứ không phải trông cậy được vào chuyên gia. Chuyên gia nói hay đến mấy mà trên không nghe thì cũng vậy thôi, mà nói đến ngưỡng nào đó thì người ta có thể gắng cho hết tội này đến tội kia.”
Theo ông Dũng, ngay cả nhân tài về mặt kỹ thuật thì việc quan trọng nhất là có trọng dụng họ không, có cơ chế để sáng kiến của họ được ứng dụng hay không? Ông Dũng cho rằng tiền chỉ là một phần của vấn đề, và Việt Nam không có được những quyết định có tính chất đột phá. Ông nêu ví dụ:
“Ở Trung Quốc chẳng hạn, người ta thu hút khá thành công những nhân tài về khoa học kỹ thuật. Họ chấp chấp nhận trả tiền lương không thua kém so với đồng lương người đó nhận được khi ở nước ngoài. Việt Nam khó lòng chấp nhận như vậy, còn giảm thuế thu nhập tính ra không bao nhiêu, trong lúc đồng lương không được thay đổi một cách căn bản theo tiệm cận của thế giới. Tiền thuế theo số đó giảm cũng không nhiều, cũng đỡ cho người ta một tí, nhưng không đủ sức để níu kéo người ta.”
Phó Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập này nếu chỉ dừng lại ngang đó, mà không thấy giảm thuế chỉ là một phần của vấn đề, thì chắc chắn sẽ thất bại.
Vào tháng 6 năm 2022, TPHCM cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ nhiều chính sách thu hút người tài. Đơn củ như đề xuất cần đa dạng loại hình hỗ trợ người tài như áp dụng một lần hỗ trợ ban đầu; phụ cấp tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại…
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này vào tháng 6 năm 2022 cho rằng, vấn đề không phải chỉ là lương tiền thuần túy. Mà đòi hỏi phải thay đổi về mức tín nhiệm đối với người tài nói chung. Theo ông Hưng, nếu người tài không được chọn lựa một cách đúng đắn và không để cho họ quyền thực thi để có thể hành động, thì mọi ưu đãi đưa ra sẽ không có sức hấp dẫn.
Ngoài ra theo ông Hưng, muốn thu hút nhân tài cần phải cho họ tinh thần thoải mái, tinh thần tôn trọng dân chủ, có nghĩa là phải tôn trọng cái đúng, khuyến khích được lòng tin yêu, khuyến khích được sự tin tưởng… thì người làm việc mới có thể thích thú mà làm việc tại Việt Nam.