Công an Đắk Lắk đề nghị truy tố giảng viên Đặng Đăng Phước

Công an tỉnh Đắk Lắk kết thúc giai đoạn điều tra đối với giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước sau bảy tháng với cáo buộc “Tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát tỉnh với đề nghị truy tố nhà hoạt động nhân quyền này.

Ông Phước, 60 tuổi, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, bị bắt ngày 08/09/2022 vì những hoạt động ôn hoà nhằm bảo vệ nhân quyền và chỉ trích nhà nước độc đảng trong nhiều vấn đề xã hội.

Bà Lê Thị Hà, vợ ông Phước cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết gia đình đã thuê hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Lê Xuân Anh Phú để bào chữa. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại mới có luật sư Phú gặp thân chủ. Bà Hà hôm 18/4 nói:

Ngày 11/4, luật sư Phú báo vụ án của anh Phước đã kết thúc giai đoạn điều tra, luật sư Phú đã tiếp cận hồ sơ và gặp anh Phước chiều cùng ngày. Kết luận điều tra là (cáo buộc- PV) nằm ở Khoản 1 Điều 117, là án từ 5 năm đến 12 năm tù.”

Bà Hà cho biết, trong buổi làm việc đầu tiên với thân chủ, luật sư Phú khẳng định với đại diện của Viện Kiểm sát, rằng ông Phước là một người thầy đúng mực, luôn giúp đỡ mọi người, và những gì ông làm là đúng với trách nhiệm, lương tâm của một con người.

Luật sư Lê Xuân Anh Phú, trong tin nhắn với RFA cho hay ông Phước có nguyện vọng được chuyển tội danh từ Điều 117 sang Điều 331, tuy nhiên phía Viện kiểm sát khó thay đổi quan điểm.

Theo Bộ luật Hình sự, Điều 331 quy định tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” có mức án từ hai năm đến bảy năm tù giam.

Không như trong các vụ án an ninh khác, bà Hà trong giai đoạn điều tra được gặp chồng mình vài lần trong trại tạm giam của công an tỉnh.

Theo kết luận điều tra của Công an Đắk Lắk, ông Phước bị cho là “có hành vi viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân… gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”

Các bài viết mà kết luận nêu tên đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…

Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999…

Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hạt nhiều bài hát với nội dung gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người bất đồng chính kiến, nhẹ dạ để “diễn biến hoà bình.”

Các bài hát mà phía công an nêu tên gồm có “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh, “Chúng đi buôn” và “Con đường Việt Nam.” Tuy nhiên, phía công an không xác định được cụ thể thông tin cá nhân của nhạc sĩ Tuấn Khanh để điều tra về bài hát được cho là của ông.

Related posts