Việt – Pháp: ông Macron đi qua ngõ mà chẳng vào Hà Nội là thiệt thòi…

Quá chú mục để thuyết phục ông Tập gọi điện thoại cho Zelensky, thúc giục Tổng thống Ukraine nghe theo “kiến nghị hòa bình” của Trung Quốc? Hay là do quá tập trung để kêu gọi Âu châu nâng cao “quyền tự chủ chiến lược”, nên từ TP. Quảng Châu, Macron vội vã trở lại Bắc Kinh quay về Pháp, để đối phó với “cơn lũ” biểu tình đang làm rung chuyển đại quốc. Không ghé qua Hà Nội, Macron bỏ mất một cơ hội…

______

Trong ngày đầu ở Bắc Kinh (6/4), Tổng thống Pháp Macron được chào đón trên thảm đỏ với những nghi lễ hào nhoáng của một chuyến thăm cấp nhà nước. Chuyến công du lần này được xem là một phần nỗ lực hiện thực hóa tham vọng của ông Macron: đưa Paris vào bàn đàm phán với các cường quốc trong một thế giới mà ở đó Bắc Kinh đang nổi lên với tư cách trọng tài của các cuộc xung đột toàn cầu. Ngay ngày hôm sau 7/4, hai nhà lãnh đạo có bữa tiệc tối thân mật mà không đeo cà vạt ở Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm chính thức tại Bắc Kinh. Còn hôm thứ sáu, ông Tập đã cùng ông Macron đến thành phố Quảng Châu, cùng thư giãn trong một khu vườn và thưởng lãm trà Tàu. Ông Tập hiếm khi cùng lãnh đạo nước ngoài rời thủ đô Bắc Kinh, hay chiêu đãi ăn tối trong hai ngày liên tiếp. (1)

Tổng thống Pháp có nghĩ đến Việt Nam?

Chắc là không! Mặc dầu chỉ cần hai giờ bay, từ Quảng Châu, chuyên cơ của Tổng thống có thể đáp xuống sân bay Nội Bài. Nhưng do ông quá bận những việc lớn đã nói ở trên, nên ông phải vội “quay xe”. Trước đó, tại buổi tiếp Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp Olivier Becht chiều 1/3/2023, Thủ tướng Chính đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và của cá nhân Thủ tướng đến lãnh đạo cấp cao Pháp. Ông Chính đồng thời bày tỏ mong muốn sớm đón Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne sang thăm Việt Nam trong năm 2023 này, nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính như “rơi xuống ao bèo”. Trong quan hệ với nước Pháp, Việt Nam chắc là còn muốn nhiều chuyện nữa. Từ đầu tháng 3, chắc biết trước được lịch trình của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi tiếp Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp Olivier Becht, đã giải bày nguyện vọng muốn mời Macron ghé Việt Nam.

Sao ông Chính không nhắc thêm là để kỷ niệm 10 năm ký “Đối tác Chiến lược” (ĐTCL) với “mẫu quốc” nữa nhỉ? Kể ra cũng thật mỉa mai, quan hệ với Đại Pháp đã được nâng lên “category” loại hai cách đây những 10 năm, cao hơn hẳn bang giao với Hoa Kỳ một bậc – vốn đang ngoi ngóp ở “hạng” ba (!?). Nhưng than ôi, cả Việt lẫn Mỹ vốn là dân thực dụng “có mấu”, đâu có “care” cái tên gọi, vẫn cứ thúc đẩy ầm ầm quan hệ song phương. Hãy xem chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, chỉ của Ngoại trưởng thôi mà truyền thông các cỡ, từ “lề đảng” đến “lề dân”, cứ rổn rảng như là chuyên cơ của Tổng thống Biden sắp hạ cánh xuống Nội Bài đến nơi rồi. Thế mới biết dân ta “háo Mỹ” đến mức nào! Mỗi cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Trọng mà Việt Nam cũng phải nhắc đi nhắc lại đến năm lần bảy lượt mà người Mỹ vẫn đủng đỉnh. Ông Ngoại trưởng sang, tiếng là thăm ba ngày, nhưng thật ra ông chỉ hoạt động trong có một ngày, còn thì đi ăn “cơm bụi” (Tay Cầm), nghe nhạc Jazz. Ông đã tự “selfie” với sinh nhật của mình.

Trở lại với buổi tiếp Bộ trưởng Brecht, Thủ tướng Chính khẳng định chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ “Đối tác Chiến lược” (ĐTCL) với Pháp – đất nước được cho là có nhiều mối “lương duyên” với Việt Nam thông qua các gắn kết về lịch sử, văn hóa, con người và quan hệ chính trị, kinh tế, giáo dục… Người đứng đầu Chính phủ kế đó đề nghị Pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông thủy sản. Thủ tướng cũng đề nghị Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để tạo thuận lợi cho quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước. Để đáp ứng lợi ích người tiêu dùng Pháp và EU cũng như bảo đảm sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động trong ngành ngư nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Pháp thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam (2). Chao ôi, thôi thì qua ngõ không vào nhà cũng được, nhưng tiếng là đối tác chiến lược mà có hai nguyện vọng “nóng bỏng” nhất hiện nay của Việt Nam, mà “mẫu quốc” cũng chưa ngó ngàng tới là sao?

Về phần mình, Bộ trưởng Olivier Becht cho biết các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước, trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Nhà ga Hà Nội. Ông Brecht khẳng định Pháp sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như ứng phó chống biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông đô thị, y tế, năng lượng, hàng không, chính phủ điện tử. Bộ trưởng Pháp Olivier Becht cũng đánh giá cao vai trò cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Ông cho biết đây là cầu nối quan trọng giữa hai nước và khẳng định Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước này. Chuyến công du nằm trong khuôn khổ các hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

000_33CT8WP.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron uống trà ở Quảng Đông hôm 7/4/2023. AFP

Macron có nên sang Hà Nội tham khảo?

Chắc dàn lãnh đạo Ba Đình cũng phải thông cảm với ông Macron. Kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Macron nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64 đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối, trong nhiều tháng qua. Các phương tiện truyền thông đều “đồng ca”: đa số dân Pháp bất bình, phản đối kế hoạch cải tổ này. Giới công đoàn, phe đối lập (cánh tả, cực tả, cực hữu) dồn dập cảnh báo “khủng hoảng chế độ”, “khủng hoảng dân chủ”… Tuy nhiên, báo kinh tế Les Echos, một trong những tờ báo lớn, có uy tín của Pháp, vẫn đăng những ý kiến trái chiều. Làm thế nào để hiểu được nỗi bực bội gia tăng trong một bộ phận phong trào xã hội? Nếu chỉ vì tính cách cá nhân Tổng thống Macron, bị coi là cao ngạo, quá tự tin, ít đồng cảm thì cũng không đủ để giải thích sự oán giận của một phần dân Pháp.

Nếu ghé qua Hà Nội từ chuyến thăm Bắc Kinh của mình, Macron chắc sẽ phát hiện ra khá nhiều điều “tuyệt vời” về người dân chúng tôi, nhưng không biết những người dân Pháp nghĩ gì về các đồng loại của họ ở Việt Nam? Đại bộ phận dân chúng tôi vẫn như đàn cừu trên đồng cỏ khô. Có một số tiếng nói của các nhà văn, nhà báo phản đối các vụ đàn áp các nhà báo và blogger tự do nhưng con số này đếm được trên bàn tay, là thiểu số ít ỏi trên mấy chục triệu con người trưởng thành. Trước và sau chuyến thăm được chờ đợi cả năm nay của ông Ngoại trưởng Mỹ, dẫu thế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 13/4 vẫn lên án việc xử tù nhà báo Nguyễn Lân Thắng, đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền”. Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 13/4 lên án bản án sáu năm tù đối với Nguyễn Lân Thắng: “Bản án nặng dành cho nhà báo Nguyễn Lân Thắng là một sự xúc phạm và phải được đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện… Việt Nam phải ngừng đối xử với các nhà báo độc lập như kẻ thù của nhà nước”. Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) hôm 14/4 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Thắng và “chấm dứt cuộc bức hại đang diễn ra đối với các nhà báo ở Việt Nam”. “IFJ kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Thắng và đảm bảo trả tự do ngay lập tức cho ông. Việc chính quyền Hà Nội bịt miệng báo chí độc lập và phản biện là không thể chấp nhận được và đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với tự do báo chí và tự do ngôn luận”, thông cáo của IFJ viết thế (3)

Trở lại chuyến thăm của Bộ trưởng Olivier Becht, ông này nói sẽ vinh danh những thành tựu lớn mà các doanh trong lĩnh vực y tế, đã có mặt tại Việt Nam 70 năm nay và tạo ra hơn 1.000 việc làm. Bộ trưởng sẽ không quên khoảng 8.000 công dân Pháp của chúng tôi đang định cư tại Việt Nam, những người đã trải qua thử thách nặng nề vì đại dịch COVID-19. Đặc biệt, ông sẽ gặp gỡ các vị đại diện lãnh sự đã được bầu của chúng tôi, đại diện các hiệp hội của Pháp, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục của trường trung học Pháp tại Hà Nội (4). “Nhưng tại sao không thấy ngài Bộ trưởng Brecht học tập Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (khi gặp Toàn quyền Úc), yêu cầu chính quyền Hà Nội giúp xử lý những người Pháp biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Macron nếu họ chạy sang Việt Nam? Không ghé qua Hà Nội, Tổng thống Macron đã bỏ mất một cơ hội để “học tập” lãnh đạo Việt Nam cách kìm kẹp dân chúng, làm sao cho đừng để khi tiếp xúc với dân, lại có những cuộc tụ tập khua xoong nồi phản đối ầm ầm như trên đất Paris vào những ngày này.

__________

Tham khảo:

1. https://www.reuters.com/world/with-lavish-treatment-macron-chinas-xi-woos-france-counter-us-2023-04-07/

2. https://tuoitre.vn/viet-nam-muon-don-tong-thong-phap-emmanuel-macron-trong-nam-2023-20230301220436371.htm 

3. https://www.voatiengviet.com/a/them-nhieu-to-chuc-len-an-viet-nam-xu-tu-nha-bao-nguyen-lan-thang/7050276.html

4. https://tuoitre.vn/viet-phap-huong-den-tuong-lai-chung-202303010346295.htm 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts