Sau một thời gian không còn là tiêu điểm dư luận, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em chìm khá sâu trong sự quan tâm của các phụ huynh. Nhiều người yên tâm với những kiến thức đã trang bị cho con cái và chính mình từ năm, bảy năm trước; họ không ngờ rằng nay đã khác xưa. Những kẻ tội phạm bây giờ biết kiềm chế để không sử dụng bạo lực, thay vào đó chúng dụ dỗ với rất nhiều mánh khóe “ngọt ngào” để con mồi tự sập bẫy.
Một sự thật khác là có những người có sở thích quan hệ tình dục với trẻ em một cách tự nhiên. Đó có thể bất kể là ai: người thân, người hướng dẫn như thầy giáo, thậm chí tu sĩ… Là nhu cầu bản năng nên nếu có điều kiện thuận lợi (như tiếp xúc gần với nhiều trẻ em, trẻ em bị phụ thuộc vào mình…), nó rất dễ bùng phát, bất chấp vị trí xã hội, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật của người ấy. Người vi phạm biết rõ hành vi của mình là sai với pháp luật và đạo đức, biết rõ sẽ đối mặt với nhục nhã và án tù nếu bị phát hiện, hơn thế cả gia đình của mình đều có thể bị chỉ trỏ, chế giễu, cô lập… nhưng trong không ít trường hợp, họ không thể dừng hành vi của mình lại.
Cách đây khoảng năm bảy năm, một thầy giáo cấp hai bị bắt vì có hành vi mơn trớn cơ thể của một số học sinh nam trong trường. Thầy giáo này đã tính đến chuyện tự tử vì mất hết danh dự. Nhưng điều đáng suy nghĩ là thầy giáo này rất được phụ huynh và học sinh yêu mến, vì dạy giỏi và rất giàu trách nhiệm.
Có lẽ vì hành vi tính dục mang tính bản năng cực kỳ mạnh mẽ, và những ai có sở thích tính dục lạ thường, thậm chí gây hại cho cộng đồng thì càng không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tính dục của mình. Do đó, càng bị đè nén, giấu kín thì nó càng khao khát và chực chờ trỗi dậy.
Thủ phạm ấu dâm không phải là con quái vật
Nhưng đã đến lúc cần chấm dứt lối suy nghĩ một chiều rằng những người xâm hại tình dục trẻ em đều là những con quái vật. Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng có vô số sở thích tính dục trên đời này chứ không chỉ là nam với nữ/nam với nam/ nữ với nữ … như một số nhóm đã trở thành phổ biến, hoặc ít nhất là được thừa nhận. Những sở thích tính dục cho dù cực kỳ đặc biệt đi nữa nhưng không gây hại cho cộng đồng sẽ chỉ là chuyện riêng của người trong cuộc. Còn những sở thích gây hại như ấu dâm thì phải bị bài trừ. Nhưng ngoại trừ khía cạnh đó, kẻ từng có xu hướng hoặc hành vi ấu dâm vẫn có thể là một người rất tốt, thậm chí nêu gương cho cộng đồng ở những mặt khác.
Chúng tôi từng làm khảo sát giấu tên với một nhóm người bộc lộ rằng họ từng có hành vi/quan hệ tính dục với trẻ em. Không ít người trong đó cho biết họ không thể hiểu nổi chính mình khi thực hiện những hành vi đó, và sau khi tỉnh ra, họ vô cùng tự khinh bỉ và căm ghét bản thân.
Các yếu tố sinh lý và tâm lý đặc biệt ở người có xu hướng ấu dâm cần được nghiên cứu và xem xét một cách khoa học và khách quan. Từ đó mới có thể có các biện pháp phòng ngừa và trừng phạt phù hợp, thích đáng nhưng không cực đoan.
Ở Việt Nam, cho đến nay tuy báo chí từng lên tiếng rất nhiều về nạn ấu dâm, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào về sinh lý, tâm lý, hoàn cảnh sống, môi trường..v.v của họ. Vì vậy việc chống xâm hại tình dục vẫn rất thô sơ và phiến diện.
Truyền thông và phụ huynh ra sức dọa dẫm, tô vẽ kẻ ấu dâm như những con quỷ kinh khủng. Nhưng con quỷ rất dễ nhận ra vì có sừng và đi đến đâu phun khói đến đó, còn trên thực tế, kẻ ấu dâm có thể rất đáng tin cậy. Họ có thể là bất cứ ai: ông nội, ông ngoại, cha đẻ, bố dượng, chú bác, cậu, bạn bè, người quen, hàng xóm của gia đình, anh em họ, thầy giáo, huấn luyện viên, thậm chí tu sĩ các tôn giáo. Như đã nói, thủ phạm thường dùng sự quen biết, tin cậy và tình cảm sẵn có, cộng thêm lời hứa hẹn giúp đỡ, tặng quà, thậm chí dùng thuốc kích dục để lừa trẻ em “tự nguyện” đồng tình tham gia vào hành vi tình dục. Làm sao một đứa trẻ có đủ kiến thức và sự tỉnh táo để nhận ra nguy cơ trong những sự âu yếm, chiều chuộng?
Trẻ sống trong gia đình thường hay bị dụ dỗ kiểu này. Do tin cậy, chúng đã bị tước đi khả năng phòng ngừa từ xa.
Những cái bẫy vô tình từ chính nạn nhân
Mà việc phòng ngừa mới là quan trọng nhất. Phòng ngừa cả từ người có nguy cơ là thủ phạm do sở hữu xu hướng thích quan hệ tình dục với trẻ em bằng cách ngăn chặn các môi trường, hoàn cảnh có thể gây kích thích. Ví dụ không để trẻ tiếp xúc một mình với người lớn khác giới; luôn phải có mặt người khác. Với trẻ trong lứa tuổi dậy thì, ngoài việc trang bị kiến thức nhận biết và tự bảo vệ khi có nguy cơ, cần phải dạy trẻ cách ăn mặc kín đáo và cẩn trọng trong hành vi.
Ông bà xưa lấy vợ lấy chồng rất sớm, nhưng luôn nghiêm khắc trong quan hệ cha mẹ-con cái, bao gồm các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Người Trung Quốc có câu “Con gái tránh cha, con trai tránh mẹ”. Người Việt cổ có câu “Con gái 13 tuổi không ngủ với cha, con trai 13 tuổi không ngủ với mẹ”. Đó là để tránh những sự gần gũi thái quá khi con cái bắt đầu dậy thì, bắt đầu tò mò về tính dục nhưng chưa đủ kiến thức để hiểu. Cũng là để không điều kiện cho các phản ứng tính dục nhiều khi hoàn toàn thuộc về bản năng. Nhất là khi người đàn ông đã say mèm.
Với điều kiện dinh dưỡng hiện nay, trẻ gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nảy nở về cơ thể. Nhưng chúng tôi gặp nhiều cha mẹ thoải mái cho con mặc quần short ngắn bó sát vừa chấm mông, áo thun cũng bó sát cổ rộng, sinh hoạt chung với cha mẹ, anh em trai, người thân là đàn ông ở trong nhà cũng như ra đường. Cơ thể bé gái gần như hiện lên lồ lộ trong những bộ đồ như vậy. Có lần chúng tôi chứng kiến một bé gái 14 tuổi mặc bộ đồ kiểu này sau khi tắm, người vẫn còn ướt nước, áo quần dính sát vào người rồi đi ra đường mua quà. Bé đi qua một đám thanh niên choai choai tụ tập trong quán bên đường, lập tức một tràng tiếng huýt sáo và nhiều ánh mắt ngắm nghía từ đầu đến chân đuổi theo. Chúng tôi lưu ý điều này với mẹ bé. Bà chỉ cười xòa, nói “Đâu có gì, ở đây đứa nào cũng mặc vậy cho mát. Nó con nít mà!”.
Cha mẹ thường chủ quan cho rằng con mình còn trẻ con nên không thể gợi lên cảm xúc tính dục nơi người khác. Nhưng đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết.
Chưa kể trong bối cảnh xã hội hiện tại, sự tiếp xúc qua internet rất dễ dàng. Tiếp thu thông tin ồ ạt nhưng không chọn lọc, không có người hướng dẫn đã khiến không ít đứa trẻ nảy sinh tâm lý hưởng lạc và lối suy nghĩ sai lầm rằng tự mình trao đổi/bán thân xác của mình thì không có tội. Đây là một phần nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dụ dỗ vào hành vi tình dục khi còn ở tuổi trẻ em.
Dựng hàng rào cộng đồng
Do tính chất phức tạp của tội phạm ấu dâm, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu nhiều hình thức trừng phạt người có sở thích ấu dâm trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm tâm sinh lý của họ. Ví dụ bắt họ đeo vòng điện tử ở chân; vòng này sẽ phát tiếng kêu khi người đeo vòng đến gần trẻ em quá phạm vi cho phép. Ngoài ra còn có biện pháp thiến hóa học, áp dụng với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em nhiều lần. Họ được cho uống hoặc tiêm thuốc để giảm nội tiết tố nam khiến không còn ham muốn tình dục.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc năm 2013 trên 38 bệnh nhân (đều là tội phạm tình dục) cho thấy việc thiến hóa học dẫn đến giảm “tần suất và cường độ của những suy nghĩ về tình dục” và “tần suất thủ dâm”. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận liệu điều này có dẫn đến giảm tỷ lệ tái phạm hay không.
Tòa án và pháp luật hiện tại của Việt Nam chỉ đang xử lý được phần ngọn của tội phạm. Tức chỉ xét xử, bắt tù kẻ ấu dâm khi hành vi bị phát hiện. Nhưng nếu chính nạn nhân trẻ em lại đồng tình và giấu giếm vụ việc (nhiều vụ bị giấu trong tận vài năm), thì cực kỳ khó phát hiện. Thậm chí ở không ít trường hợp, việc phát hiện, bắt tù thủ phạm còn gây ra bức xúc phẫn nộ ở nạn nhân, vì đứa trẻ xem thủ phạm là người yêu.
Nhưng nói cho cùng, dẫu xã hội biến đổi đến mức nào thì phụ huynh vẫn là tấm gương và là người gần gũi nhất với con cháu. Chính phụ huynh là người có thể dạy dỗ và giám sát con cháu mình tốt nhất để tránh nạn xâm hại tình dục. Hãy tìm mọi cách gần gũi với con cháu, trang bị kiến thức đúng đắn để trò chuyện và dạy con, cũng như dành thời giờ thích đáng để quan sát và làm bạn với con.
Ngoài ra, có những biện pháp khác rất hiệu quả như tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Các khu trọ, các tòa nhà chung cư ở thành phố hay các xóm làng ở ngoại ô, vùng nông thôn miền núi… đều có thể lập ra các thỏa ước giám sát chung. Người lớn bất kể là ai đều có thể quan sát nhằm giúp đỡ trẻ khi chúng chơi ở nơi công cộng, khi chúng ở nhà một mình, hoặc cho chúng các biện pháp trợ giúp cần thiết. Hệ thống camera công cộng được giám sát thường xuyên cũng có thể khiến kẻ có ý đồ xấu chùn tay.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.