“Khi nghĩ tới bảo tàng, mọi người thường nghĩ tới những tòa nhà rất lớn, những góc trưng bày cũng rất lớn có ánh sáng, có người hướng dẫn rất đầy đủ, chúng tôi hoàn toàn không có những thứ đó, nhưng lại có một thứ khác giúp khởi đầu,” một luật gia, nhà hoạt động và nhà báo, và đồng thời là nhà sưu tập di sản Việt Nam Cộng Hòa từ hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975 được đánh dấu và tưởng niệm.
“Dự án Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi không phải khởi đầu với một triệu Mỹ kim hay là với mười triệu Mỹ kim hay bởi một tòa nhà hoành tráng nào cả, mà nó khởi đầu chính bằng vài trăm cuốn sách thời Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi sưu tập được và nó khởi đầu chỉ bằng vài ngàn đô-la, mà một vài người bạn trong nhóm của Luật Khoa Tạp Chí của chúng tôi và một số Mạnh Thường Quân, cùng một số anh chị ở hải ngoại đóng góp, để chúng tôi có thể mua được những cuốn sách này, và đấy là khởi đầu của chúng tôi,” luật gia Trịnh Hữu Long, đồng Sáng lập viên, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí và người sáng lập một phông lưu trữ hay một thư viện sách thời Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại, nói với RFA Tiếng Việt hôm 27/4/2023.
“Thư viện sách Việt Nam Cộng Hòa này của chúng tôi đang đặt tại trụ sở của Luật Khoa Tạp Chí tại Đài Bắc, Đài Loan và thư viện này nằm trong khuôn viên của Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan, một trong những trường có thể nói là hàng đầu về chính trị học ở Đài Loan.”
Về dự án thành lập Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa, mà khởi đầu bằng thư viện trên, ông Trịnh Hữu Long chia sẻ:
“Chúng tôi đã làm việc với Đại học này để họ có thể trợ giúp chúng tôi về kỹ thuật, về cơ sở hạ tầng, về cách bảo quản sách, về cách quản lý một thư viện, và đó là khởi đầu.”
Những hiện vật nào sẽ được thu thập và trưng bày?
Khi được hỏi dự án Bảo tàng sẽ quan tâm thu thập và trưng bày những hiện vật nào, ông Trịnh Hữu Long nói:
“Chúng tôi nhắm tới một số hiện vật, hiện nay chúng tôi ưu tiên những hiện vật có thể tái hiện nền chính trị và pháp lý của Việt Nam Cộng Hòa và một điều nữa là chúng tôi muốn thu thập những hiện vật về thuyền nhân Việt Nam.
Thuyền nhân Việt Nam là một chương sử gắn với Việt Nam Cộng Hòa và là một chương sử rất đau thương, chúng tôi muốn thu thập những hiện vật liên quan đến vấn đề này để giúp công chúng có thể nắm được một thảm kịch rất gần với chúng ta ngày nay.
Về Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi mong muốn thu thập và trưng bày một số hiện vật chẳng hạn như một số lá cờ, những đồng tiền, các hiện vật tái hiện khung cảnh, cũng như cách thức hoạt động của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, từ cơ quan lập pháp, tư pháp, cho đến hành pháp, trong đó có những hiện vật gì, hình ảnh gì, chúng tôi rất muốn thu thập được những thứ như thế.
Chúng tôi cũng mong muốn thu thập và trưng bày những hiện vật liên quan Chiến tranh Việt Nam, những ‘tàn tích’ mà có thể là một số loại vũ khí mà một số nơi vẫn còn lưu giữ được, tuy đó chưa phải là trọng tâm mà chúng tôi ưu tiên, so với điều mà chúng tôi đang mong muốn tìm hiểu là cách thức vận hành của nền chính trị và pháp lý của Việt Nam Cộng Hòa, và tất cả những gì có thể giúp chúng ta hình dung được về khung cảnh chính trị, về cách thức nền pháp lý vận hành, chúng tôi mong muốn có được những hiện vật đó.
Với những ai đang lưu trữ những hình ảnh, những tư liệu về thời kỳ đó, có thể liên lạc với chúng tôi, để chúng tôi tư vấn cách gửi cho chúng tôi tới văn phòng của chúng tôi ở Đài Bắc, mà địa chỉ chúng tôi cũng đã có để ở trên Website rồi, tuy nhiên với những ai muốn gửi cho chúng tôi những tư liệu, hiện vật đó, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cách gửi.
Nó sẽ tốn một ít thời gian, một ít kinh phí và với một số hiện vật dễ vỡ chẳng hạn, sẽ cần một số cách thức đóng gói, vận chuyển sao đó cho được cẩn thận, và đó là một số phương cách rất đơn giản mà chúng tôi hiện đang nghĩ tới.”
Những cuốn sách được thu thập đến nay như thế nào?
Khi được hỏi về cách thức mà những cuốn sách cũ từ thời Việt Nam Cộng Hòa đã tìm được đường tới với Thư viện của Luật khoa Tạp chí, mà theo ông Trịnh Hữu Long sẽ trở một thành thành tố cốt lõi để phát triển dự án Bảo tàng về di sản nói trên, luật gia và nhà sưu tầm này nói:
“Thú thật là 300 cuốn sách được thu thập từ nhiều nguồn, và những nguồn này có thể được thu thập từ trong nước, cũng như từ ngoài nước, nhưng hầu hết từ trong nước và hiện nay quý vị cũng có thể thấy ở Việt Nam cũng có một số diễn đàn, một số trang mạng có bán lại những đầu sách cũ này.
Họ là những người sưu tầm, những người yêu thích sách vở, yêu thích lịch sử, họ thu thập lại những cuốn sách đó và họ bán lại trên diễn đàn mạng, và chúng tôi cứ lần theo những thông tin đó, chúng tôi cóp nhặt dần. Những cuốn sách ấy hiện nay không hẳn là bị cấm ở Việt Nam, nhưng không được chính thức lưu trữ trong các thư viện, hay không được bán trong các nhà sách chính thống, mà đây là những sách vở do những cá nhân thu thập, do những người buôn bán một cách nhỏ lẻ tiến hành.
Từ năm 2014 đến nay cũng gần 10 năm, chúng tôi tích góp dần thì được ngần ấy sách, vì số sách này tương đối đắt, sách hiếm, sách “cổ” cho nên có thể lên tới vài trăm Mỹ kim một cuốn. Trong kho sách của chúng tôi đa số là những cuốn sách về luật, về chính trị, mà quý vị có thể tìm thấy chẳng hạn những văn bản luật của Việt Nam Cộng Hòa như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, hình luật, Bộ luật Thương mại v.v…, chúng tôi còn có những bộ luật cổ hơn mà xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ở đây, quý vị cũng có thể tìm thấy những tập san của Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có ghi các quyết định xét xử, các bản án, mà đã được xét xử thời kỳ đó, đấy là một nguồn tư liệu mà tôi nghĩ với những ai nghiên cứu về luật, thì đó là vô giá.
Ngoài ra, quý vị cũng có thể tìm thấy những cuốn sách về luật và chính trị học do Đại học Luật khoa Sài Gòn và Học viện Hành chánh Quốc gia Sài Gòn xuất bản trong thời kỳ đó, mà quý vị có thể tìm thấy những tên tuổi của những học giả rất nổi tiếng, ví dụ Vũ Văn Mẫu, hay Nguyễn Văn Bông, hay là Vũ Quốc Thông, có thể nói đó là những đại thụ trong nền chính trị học và luật học của nước ta (Việt Nam) trong lịch sử.
Về nội dung, đó là những cuốn sách rất có giá trị về mặt chuyên môn, về mặt tri thức, vì thứ nhất được viết một cách không có kiểm duyệt, các Giáo sư thời đó viết không có kiểm duyệt, thứ hai nữa là họ có bề dày về tri thức rất vững chắc, để có thể nắm bắt được các xu hướng tư tưởng trên thế giới và truyền đạt lại cho người Việt Nam thông qua những giáo trình đó.”
Ông Trịnh Hữu Long cho biết ông và các đồng nghiệp trong dự án Thư viện và Bảo tàng đã và đang tiến hành số hóa các cuốn sách và tư liệu, và đối với dự án Bảo tàng sẽ được xây dựng trong tương lai, ông cũng sẽ áp dụng những công nghệ mới, trong đó có công nghệ ảo trong trưng bày, giới thiệu tư liệu, hiện vật, và trong quá trình xây dựng, vận hành dự án, sẽ quan tâm những hợp tác, hỗ trợ từ chuyên môn cho tới nguồn lực.
Cần hợp tác hỗ trợ gì và khi nào Bảo tàng khai trương?
Về khía cạnh tìm kiếm sự giúp đỡ về các nguồn lực, trong đó có vấn đề thu thập hiện vận, ông Trịnh Hữu Long nói:
“Một trong những khó khăn của chúng tôi hiện nay là vấn đề nguồn kinh phí để có thể mua thêm được sách, để có thể thu thập thêm những hiện vật, để có phòng ốc trưng bày và lưu trữ những cuốn sách và những hiện vật.
Đó là những gì chúng tôi đang xúc tiến và chúng tôi rất mong muốn rằng quý khán, thính giả người Việt Nam ở khắp nơi, trong nước và ngoài nước, không những là những ai trăn trở về Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là những người tò mò về lịch sử Việt Nam, những người mong muốn có một cái nhìn chân thực về lịch sử Việt Nam, mong muốn đi tìm tri thức pháp lý, tri thức chính trị, mong muốn đi tìm những câu trả lời cho tương lai chính trị của Việt Nam, có thể góp tay cùng với chúng tôi bằng nhiều cách.
Quý vị có thể đóng góp bằng tài chính, quý vị có thể đóng góp bằng hiện vật, bằng sách vở, hoặc làm một tình nguyện viên cho chúng tôi để dần dần thu thập sách vở và hiện vật để xây dựng nên Bảo tàng này.
Chúng tôi không muốn đại ngôn, hay nói lớn về dự án này, vì nó còn đang là một nỗ lực khiêm tốn, tuy nhiên tham vọng của chúng tôi là một tham vọng lớn, tham vọng của chúng tôi là có một kho dữ liệu rất đồ sộ, nếu không muốn nói là kho dữ liệu lớn nhất về Việt Nam Cộng Hòa mà có thể có được, mà điều ấy cần rất nhiều nỗ lực…
Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều bạn, nhiều cô, chú, bác, anh, chị em ở khắp nơi chung tay với chúng tôi, để xây dựng nên Bảo tàng này và nó được kỳ vọng sẽ là một dự án có thể tạo ra những thay đổi cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cũng như về Việt Nam Cộng Hòa…”
Khi được hỏi khi nào thì Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa sẽ được khai trương để công chúng quan tâm có thể tiếp cận, ông Trịnh Hữu Long, người chủ trì dự án đáp:
“Về Thư viện tại Đài Bắc, hiện nay chúng tôi đã tiếp nhận một số học giả, một số bạn sinh viên quan tâm tới nghiên cứu.
Chính thức ra, chúng tôi còn gặp một số hạn chế về điều kiện, không gian để có thể mở cửa, tiếp khách, tuy nhiên thư viện số hóa với những cuốn sách này, chúng tôi sẽ công bố rất sớm, và có lẽ trong năm nay, chúng tôi sẽ công bố thư viện này. Và đó sẽ là nỗ lực đầu tiên mang Thư viện này đến với công chúng.
Còn với dự án lớn hơn là dự án Bảo tàng di sản Việt Nam Cộng Hòa mà trong đó không chỉ có sách, mà còn có các hiện vật, chúng tôi mong muốn có thể khai trương dự án này vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, đó là vào tháng tư năm 2025.
Nửa thế kỷ trôi qua, đó là lúc người Việt Nam sẽ cần những nỗ lực cực kỳ bài bản, nghiêm túc, chuyên nghiệp, và với tinh thần cầu thị, nhìn nhận về lịch sử, chúng tôi mong muốn 50 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam là thời điểm chúng tôi có thể công bố Bảo tàng này và từ đó chúng ta có thể bắt đầu những nỗ lực tiếp theo trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh qua việc tìm hiểu về Việt Nam Cộng Hòa và trong việc học hỏi từ Việt Nam Cộng Hòa, cho quá trình kiến tạo một quốc gia dân chủ trong tương lai; 50 năm là thời điểm rất xa rồi và chúng ta cần phải bắt đầu những nỗ lực như vậy.
“Và tháng tư năm 2025, chúng tôi hy vọng sẽ gặp được nhiều khán, thính giả của Đài RFA tại Đài Bắc để chúng ta có thể bắt đầu mở cửa, khai trương Bảo tàng này về di sản Việt Nam Cộng Hòa” – luật gia, nhà hoạt động, nhà sưu tầm tư liệu về Việt Nam Cộng Hòa, ông Trịnh Hữu Long chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng.