Liên tiếp những năm qua, tin tức và hình ảnh về những vụ bạo lực học đường được truyền thông Nhà nước loan tải khá dày đặc. Đơn cử như những vụ: “một nữ sinh trung học cơ sở ở Nghệ An bị lôi vào nhà vệ sinh đánh và lột đồ quay clip”; “một nam sinh trung học phổ thông ở Long An bị bạn đánh tử vong”; “một nữ sinh trung học cơ sở ở Huế bị bạn đánh tét đầu vì không mua nước uống dùm bạn”… Mới đây là thông tin một nữ sinh trung học ở Nghệ An tự tử, nghi do bị bạo lực học đường.
Để giải quyết tình trạng này, một số trường tiểu học, trung học đã thay đổi cách dạy môn đạo đức với mục đích được nói là giúp trẻ thay đổi nhận thức về bạo lực, dạy trẻ cách tha thứ, biết yêu thương. Để phòng chống bạo lực học đường, có trường tổ chức phòng tư vấn tâm lý, có trường đề nghị nên có thêm những tiết học về sự nhân bản.
Một số chuyện gia về giáo dục cho rằng, giáo dục về bạo lực học đường phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ và liên tục đến khi trưởng thành. Với tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học trò hiện nay, chỉ nhà trường đổi cách giáo dục thôi thì không thay đổi được gì.
Con người được hình thành trong cái chế độ cộng sản này chỉ là ‘con’ chứ không thành ‘người’. Bây giờ phải thay đổi thể chế thì mới bàn đến chuyện giáo dục được. Có một chuyện mà tuy không nói công khai những nhiều người cảm thấy. Đó là họ chỉ muốn giáo dục con người thành ‘con’ mà không thành ‘người’ để dễ điều khiển. – Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 4 tháng 5 năm 2023:
“Giáo dục con người nó có ba giai đoạn. Thứ nhất là lúc còn bé thì giáo dục là từ bố mẹ và gia đình. Lớn lên là giáo dục của nhà trường và lớn nữa là giáo dục của xã hội. Trong đó, giáo dục của người cầm quyền là rất quan trọng. Ở nước mình hiện nay thì tôi nghĩ, cả 3 khâu giáo dục đó đều hỏng cả.
Cha mẹ thì ít có giáo dục con cho đến nơi đến chốn. Phần lớn thời gian là kiếm tiền. Thứ hai là nhà trường thì rất là tệ. Nhà trường hiện nay không ra cái gì cả, bởi vì mục đích của nhà trường đáng lẽ là phải dạy cho trẻ nên người thì cái giáo dục của cộng sản hiện nay lại giáo dục để làm công cụ của chế độ. Rồi lớn lên khi trưởng thành thì giáo dục của xã hội, của chính quyền này thì họ mất hết cả cái văn hóa ưu việt của dân tộc. Họ đưa ra một cái thứ văn hóa nô dịch, giáo dục con người để làm công cụ của chính trị thôi.
Con người được hình thành trong cái chế độ cộng sản này chỉ là ‘con’ chứ không thành ‘người’. Bây giờ phải thay đổi thể chế thì mới bàn đến chuyện giáo dục được. Có một chuyện mà tuy không nói công khai những nhiều người cảm thấy. Đó là họ chỉ muốn giáo dục con người thành ‘con’ mà không thành ‘người’ để dễ điều khiển. Khi thành người thì họ khó điều khiển vì có trí tuệ, có lương tâm. Thấy những cái sai trái là người ta phản ứng, cho nên nhà cầm quyền mà ác tâm thì họ chỉ muốn dừng lại ở chế độ ‘con’ thôi. Do đó không góp ý gì được cả, bởi chủ trương, mục đích của họ là giáo dục sao cho dễ cai trị.”
Để góp phần giải quyết tình trạng bạo lực học đường, tháng 4 năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng trực thuộc và giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên yêu cầu nhà trường thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời yêu cầu nhà trường ký kết với công an địa phương về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.
Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, bạo lực học đường do rất nhiều nguyên nhân, không thể liệt kê hết được. Nếu chỉ dùng những môn học lý thuyết như môn Giáo dục công dân thì không thể giải quyết được. Thầy Khoa nói:
“Trên thực tế thì môn Giáo dục công dân, môn Đạo đức nói chung ở các cấp học ở Việt Nam đều có, đều đang triển khai. Nó cũng không ít tiết mà thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Thế nhưng bạo lực học đường trong thời gian qua vẫn cứ bùng phát. Đạo đức học sinh vẫn những vấn đề nghiêm trọng. Nó có rất nhiều nguyên nhân mà một mình ngành giáo dục có tăng số tiết đạo đức lên cũng không giải quyết được.
Đầu tiên là các cháu học sinh bắt chước những cái xấu, những cái bạo lực ở trên phim ảnh. Cái thứ hai là bắt chước sự áp bức, bạo lực ở các phương diện khác do người thân, do thầy cô gây ra.
Đặc biệt, giáo viên cấp tiểu học và mầm non thường có những bạo lực tinh thần với trẻ em bằng rất nhiều cách mà báo chí đã phản ánh nhiều rồi. Một nguyên nhân khác là cách giải quyết của các cơ quan chức năng chỉ là xuê xoa, không đủ mạnh.”
Không chỉ học sinh đánh nhau, môi trường giáo dục mới đây vẩn đục khi chứng kiến thầy giáo đánh nhau. Theo tin từ truyền thông nhà nước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy ở tỉnh Quảng Bình đã đánh Thầy Hiệu phó ngay sân trường đến nỗi phải vào bệnh viện điều trị.
Đặc biệt, giáo viên cấp tiểu học và mầm non thường có những bạo lực tinh thần với trẻ em bằng rất nhiều cách mà báo chí đã phản ánh nhiều rồi. Một nguyên nhân khác là cách giải quyết của các cơ quan chức năng chỉ là xuê xoa, không đủ mạnh. – thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Những vụ bạo lực học đường không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần cho những người liên quan, làm mất hình ảnh thời học sinh tươi đẹp mà lẽ ra mỗi học sinh đều được sở hữu. Có lẽ chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường lại là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội, của các cấp chính quyền những năm qua.
Chẳng hạn như Nghị định số 80/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, về các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường, biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường; hay Thông tư số 38/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo cũng được ban hành với Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường.
Dù có nhiều văn bản chỉ đạo và hô hào đưa ra, tình trạng bạo lực học đường trong thực tế không giảm mà tăng như thông tin vừa nêu trong phần trình bày vừa rồi.