Quốc hội Việt Nam nên bổ sung ưu tiên nội dung gì vào chương trình nghị sự hiện nay và vì sao?

Tin cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam làm việc ngày 11/5/2023 trong phiên họp thứ 23, khóa XV, đã “cho ý kiến” về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và về báo cáo của Chính phủ Việt Nam về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Trước đó, hôm 10/5, trong các nội dung làm việc, cơ quan này có xem xét báo cáo “công tác dân nguyện” của cơ quan Lập pháp do ĐCSVN lãnh đạo này trong tháng Tư vừa qua, với ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện được cổng thông tin Quốc hội Việt Nam dẫn lời, cho biết: “Cử tri và Nhân dân… bày tỏ sự quan tâm và nhất trí cao với chương trình, nội dung Kỳ họp thứ Năm, nhất là nội dung xem xét, cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.”

Hôm thứ ba, Tạp chí Tuyên Giáo, thuộc Ban tuyên Giáo của Trung ương ĐCSVN, dẫn phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam tại phiên khai mạc, cho hay phiên họp thường kỳ này của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội Việt Nam là phiên họp gần nhất để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội nước này mà dự kiến sẽ khai mạc ngày 22/5.

“Dự kiến, phiên họp kéo dài trong 4 ngày làm việc từ 9 – 12/5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5. Về công tác lập pháp, UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án luật và hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội.”

Khi được hỏi nêu bình luận về sự kiện này, hai nhà quan sát thời sự chính trị Việt Nam, nhà báo Trí Minh từ Hà Nội và nhà báo, blogger Võ Văn Tạo từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lần lượt chia sẻ góc nhìn của mình với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, về một số khía cạnh mà các ông quan tâm.

Nhà báo Trí Minh: Nếu được nói một câu ngắn gọn về đâu là nội dung ở phiên họp Thường vụ Quốc hội Việt Nam kỳ này mà tôi quan tâm nhất, thì tôi không ngần ngại xin nói đó là dự án luật Đất đai, bởi vì theo tôi nó ảnh hưởng sâu rộng nhất đến toàn xã hội.

Nhà báo Võ Văn Tạo: Tôi thấy rằng về bỏ phiếu tín nhiệm, chủ trương này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và thực hiện từ nhiều năm rồi, nhưng kết quả chỉ là những con số không ‘0’ tròn trĩnh.

Như chúng ta đều biết, ở hầu hết các nước dân chủ, nơi hệ thống pháp luật tiến bộ được tuân thủ nghiêm túc thì có hình thức “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để loại bỏ quan chức bất tài, không đáp ứng mong đợi của đa số công chúng cử tri, thông qua các đại biểu thực sự của họ. Nhưng ở Việt Nam lại đề ra ba mức khá hài hước là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Đã vậy, việc bỏ phiếu lại được thực hiện bởi các đại biểu Quốc hội – những ông, bà nghị viên do Đảng lựa chọn, trong một cơ chế thông tin bị kiểm soát nghiêm ngặt, đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên, họ buộc phải phục tùng chóp bu đảng (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TW) nơi đưa ra hướng dẫn, gợi ý, thì làm sao mà chân thực, hiệu quả, công bằng, công khai, khách quan, dân chủ cho được.

000_NP281.jpg
Người dân xã Đồng Tâm, Hà Nội đổ đất chặn đường trong vụ việc “bắt giữ hàng chục CSCĐ, quan chức” vì tranh chấp đất đai với chính quyền. Ảnh: STR / AFP

Sửa luật đất đai cho đúng và hợp thời đại là “mấu chốt”

RFA: Về nội dung liên quan sửa đổi pháp luật Việt Nam về đất đai (hay Luật Đất đai), có người nói một nội dung chính yếu, căn bản nhất đã không được hay bị tránh né đề cập, theo các ông, nếu có vấn đề đó, thì đó là nội dung gì và tại sao, quan điểm riêng của các ông thế nào?

Nhà báo Trí Minh: Theo tôi, đó là vấn đề tư hữu đất đai. Vì đây là vấn đề cốt lõi của Chủ nghĩa Cộng sản, đó là vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất (là đất đai). Ngày xưa, khi Chủ nghĩa Cộng sản mới hình thành và trong thời ‘hoàng kim’, các nhà nước cộng sản đều trải qua giai đoạn đấu tranh và thủ tiêu giai cấp địa chủ, tức là những người sở hữu đất đai nhiều nhất, có giá trị thặng dư về đất đai. Sau khi chế độ cộng sản nguyên bản sụp đổ, chế độ cộng sản phiên bản sau đã tự điều chỉnh theo mô hình Trung Quốc, trở nên ôn hòa hơn, không còn tiêu diệt địa chủ nữa, nhưng Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu đất đai dưới vỏ bọc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện.

Nếu bây giờ người ta cho phép sở hữu tư nhân về đất đai thì chính là đã quay lại quan điểm trước khi Chủ nghĩa Cộng sản (cụ thể hơn là Quốc tế Cộng sản III) đã hình thành. Điều đó có thể làm mất chính danh của nhà nước cộng sản và có thể làm giảm đi tính chuyên chế trong khả năng năng cưỡng chế thu hồi đất đai trong một số trường hợp. Đó là lý do mà theo tôi họ kiên quyết không nhắc tới vấn đề này. 

Nhà báo Võ Văn Tạo: Vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai, như tôi thấy, gây bất bình trong nhân dân, gây xáo trộn đời sống xã hội và an ninh trật tự đã được nhiều trí thức, thậm chí nhiều quan chức nghỉ hưu và đương chức của Đảng CSVN đều đã chỉ ra là cần phải vứt bỏ cái “khuôn thước” “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” từ thời Lê-nin, Stalin áp đặt cho các quốc gia do các đảng cộng sản độc quyền cai trị.

Những người có hiểu biết về lĩnh vực này đều cho rằng cái “khuôn thước” ấy tước đoạt quyền tư hữu tài sản quan trọng nhất của nhân dân mà các nước văn minh, tiến bộ và cường thịnh đều tôn trọng. Nó kìm hãm tiềm năng sản xuất, kinh doanh của toàn xã hội, nhưng lại làm giàu nhanh chóng cho quan chức nhà nước và gian thương đi đêm cùng giới chức, tạo ra ngày càng đông đảo đạo quân “dân oan” trên khắp ba miền của cả nước.

Lâu nay Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn biện bạch rằng nếu phá bỏ cái “khuôn thước” ấy thì e “chệch hướng XHCN”, nhà nước khó chủ động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô. Nhưng đảng CSVN lại không tự hỏi: tại sao và điều gì làm Liên Xô và Đông Âu từ bỏ CNXH, nếu đó không phải là cách thức quản lý, điều hành kinh tế của hệ thống cầm quyền cộng sản làm kinh tế các quốc gia này ngày càng tụt hậu, kéo theo đời sống xã hội rối loạn? Và rằng tại các nước phi cộng sản, đất đai không “sở hữu toàn dân” mà sao cơ sở hạ tầng liên quan đất đai của họ đâu thua kém các nước cộng sản?

Còn “đầu tàu” kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thì sao?

RFA: Có ý kiến trong một số giới đang quan ngại rằng đầu tàu kinh tế của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh đang gặp vấn đề và có thể kéo theo là khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung, mà không riêng gì với chỉ riêng chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo các ông Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có việc xem xét thí điểm xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, có thể giúp giải quyết rốt ráo vấn đề của “đầu tàu” kinh tế, thương mại này của cả nước hay không, hay vẫn còn điều gì khác về cơ chế, hoặc cách làm mà nên được quan tâm, ưu tiên; nếu có thì đó là gì?

Nhà báo Trí Minh: Vấn đề của TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là do cơ chế thu ngân sách về Trung ương, họ đã bị nộp lại quá nhiều, cỡ 82% mà như chính lãnh đạo thành phố này từng phát biểu rằng TPHCM kiếm được 100 đồng thì (vẫn) chuyển về Trung ương 82 đồng. Cho nên theo tôi TP Hồ Chí Minh ít có cơ hội tái đầu tư. Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh không có một cơ chế đặc thù cho một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế. Nên đó là vấn đề gây ách tắc cho thành phố này. 

Nhà báo Võ Văn Tạo: Kinh nghiệm từ 1975 đến nay cho thấy, TP. Hồ Chí Minh càng thoát xa cái “vòng kim cô” quản lý, định hướng phát triển kinh tế xã hội xơ cứng, tập trung quyền lực của trung ương thì đời sống dân sinh càng “dễ thở”. Thực tiễn năng động, sáng tạo của TP. HCM khá hiệu quả. Mặt khác, tôi chưa thấy ông tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp, hay thủ tướng Nhật, Đức nào đi kinh lý các địa phương lại lớn giọng “dạy đời” địa phương phải phát huy lĩnh vực này, ngành nghề kia… như các chóp bu ở Ba Đình. Các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng hồi đương chức rất hay “dạy đời” kiểu như vậy. Và kết quả KT-XH sau 10 năm cầm quyền, khi hai ông hạ cánh như thế nào, chúng ta đều đã rõ.

Nhân đây, tôi cho rằng cần tính đến yếu tố cạnh tranh trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Bangkok, Tokyo, Đài Loan… khi nêu tham vọng trở thành trung tâm tài chính, ngõ hầu vực lại vai trò đầu tàu của TP. HCM trong nền kinh tế cả nước. Hầu hết quan chức chủ chốt ở Trung ương và TP Hồ Chí Minh đều phải có bằng “cao cấp chính trị” (Mác-Lê) chứ không phải tại các đại học uy tín trên thế giới, tôi không nghĩ như thế thì họ lại có thể đưa kinh tế Việt Nam nhanh chóng theo kịp các nước tiên tiến, giàu mạnh được.

Ưu tiên nào cần đưa vào chương trình nghị sự?

RFA: Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Việt Nam dịp này nên quan tâm đưa vào chương trình nghị sự vấn đề, nội dung nào khác nữa, mà theo các ông là ưu tiên và vì sao?

Nhà báo Trí Minh: Theo tôi vấn đề cần bàn thảo sớm là luật Thuế Bất động sản (đánh thuế lũy tiến cho sở hữu Bất động sản), thậm chí có cả thuế thừa kế, như ở các nước phát triển đã làm. Luật này sẽ ngăn cản việc đầu cơ Bất động sản và hành vi mà trong dân gian người ta vẫn gọi là “hy sinh đời bố củng cố đời con” của nhiều đại gia và quan chức, một điều có hại cho xã hội lâu nay.

Nhà báo Võ Văn Tạo: Còn theo tôi trước mắt, Thường vụ Quốc hội Việt Nam nên bàn bạc, tìm hướng thoát cho tình trạng trì trệ, bế tắc như quan chức ngành, địa phương sợ thành “củi” mà án binh bất động, không dám nghĩ dám làm, tìm biện pháp hữu hiệu vượt khó cho các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản đang gặp khó khăn, tạo mạnh công ăn việc làm, nâng cấp quan hệ, đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao thiết thực với Hoa Kỳ và các cường quốc kinh tế – dân chủ…

Trên đây là ý kiến của hai nhà quan sát chính trị từ Việt Nam, còn truyền thông chính thống nhà nước Việt Nam hôm thứ Ba tường trình phiên họp của UBTV Quốc hội Việt Nam, cho hay:

“Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi),” tờ báo thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam hôm thứ Tư cho biết thêm chi tiết.

Related posts