BOT thua lỗ: cần dứt khoát cắt bỏ, không được “cứu” bằng ngân sách!

Trong kiến nghị gởi Chính phủ được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 15/5/2023, Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) đề xuất chi 10.340 tỷ đồng tiền ngân sách để mua lại 5 dự án BOT thua lỗ và mua một phần của 3 dự án BOT khác gặp khó khăn.

Năm dự án đề xuất mua lại là BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đăk Lăk với 745 tỷ đồng và BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng.

Ba dự án nhà nước mua một phần nhưng không quá 49% tổng vốn đầu tư công trình là dự án BOT cầu Thái Hà thuộc Thái Bình, Hà Nam được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách; dự án BOT cầu Việt Trì – Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng và dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng từ ngân sách.

Nhà nước cũng không có ngân sách, mà nếu có đi nữa thì ngân sách phải dùng vào việc khác, chứ không phải dùng để cứu BOT tư nhân. Đây là một đề xuất không những không hợp lý, mà nói thẳng là vô lý.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 16/5 nhận định:

“Đề xuất này hoàn toàn không hợp lý, bởi vì nó xuất phát điểm là một dự án BOT, mà vốn BOT tức là đầu tư bằng vốn tư nhân và được thu phí trong quá trình vận hành. Xuất phát điểm như thế nào, đã được duyệt thì phải làm đúng như thế. Nhà nước thì tôi cho rằng cũng không có ngân sách, mà nếu có đi nữa thì ngân sách phải dùng vào việc khác, chứ không phải dùng để cứu BOT tư nhân. Đây là một đề xuất không những không hợp lý, mà nói thẳng là vô lý.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu tư nhân đã đưa ra một dự án, nhưng không hoàn thành, thì khi đó Bộ GTVT là đại diện cho nhà nước phải làm việc với các khu vực tư nhân để giải quyết. Ông Võ giải thích thêm:

“Bên tư nhân phải đưa ra ý kiến của mình, Nhà nước Việt Nam có chấp nhận hay không, nếu có thua lỗ thì khu vực tư nhân phải chịu, chứ nhà nước không thể có tiền bỏ ra. Tất nhiên người ta có thể để đấy, với lý do không có vốn để bố trí thu phí tiếp. Khi đó Nhà nước sẽ quyết định có dùng vốn ngân sách để đầu tư tiếp hay không. Nếu có, đây sẽ là hoàn toàn đầu tư công, thì vốn tư nhân đã bỏ ra cũng là vốn trong đầu tư công đó.”

bot-trang-bom-700.jpg
Trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai. RFA.

Trước đó vào tháng 5 năm 2020, Bộ Giao thông- Vận tải từng kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí BOT đường bộ theo đúng lộ trình tăng giá đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, để hoàn vốn cho dự án, tránh phát sinh nợ xấu.

Sau đó vào tháng 11 năm 2020, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ – VARSI đã nêu vấn đề mức phí BOT với Chính phủ, cho rằng không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án.

Ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận chuyển ở TP.HCM trả lời RFA khi đó nói rằng, các nhà đầu tư chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận của chính họ chứ không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, của người tiêu dùng. Ông nói thêm:

“Tôi ở Việt Nam nên tôi biết rất rõ tất cả các công trình BOT đều có, gọi là cổ phần, góp vốn của quan chức nhà nước cả. Lúc đầu, thời gian thu phí rồi sau này lấy lý do là dịch bệnh bị thất thu và bị lỗ cùng nhiều lý do khác để đòi tăng thu. Theo nhận thức hiểu biết của tôi thì BOT đều có lợi ích nhóm cả. Tất nhiên, tôi nói theo hiểu biết của mình thôi, chứ còn để có căn cứ và cơ sở đầy đủ thì tôi không trưng ra được.”

Dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ cho các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư, chỉ là một hình thức rút tiền ngân sách, người dân chúng tôi hoàn toàn không đồng ý đề xuất này.
-Bà Huệ Như

Trở lại với đề xuất dùng tiền ngân sách mua lại các dự án BOT thua lỗ mới đây, Bà Huệ Như, một trong những người tiên phong cho phong trào đấu tranh chống BOT ‘bẩn’ ở Thái Bình, hôm 16/5 cho RFA biết ý kiến về đề xuất này:

“Là một công dân có trách nhiệm với đất nước, tôi thấy việc đó hoàn toàn là tham nhũng và lợi ích nhóm. Họ lại tiếp tục bao che cho nhau bằng một hình thức khác, nếu như trước kia không gặp phải sự phản đối của người dân thì họ vẫn tiếp tục bịp người dân thu phí trên các con đường. Nhưng từ khi gặp phải sự phản đối của dân quá gây gắt thì họ phải thu phí không dừng, một số BOT phải gỡ bỏ hay là giảm thu phí, hoặc làm những đường khác cho người dân có đường tránh… làm việc thu hồi vốn của họ chậm lại. Cho nên bây giờ họ lại biến tướng một hình thức khác dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ cho các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư. Đây chỉ là một hình thức rút tiền ngân sách, người dân chúng tôi hoàn toàn không đồng ý đề xuất này.”

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA về các dự án thua lỗ cho rằng không thể bơm thêm vốn ngân sách cho các dự án thua lỗ:

“Vấn đề quan trọng trong các dự án không có hiệu quả là nếu như càng để càng lỗ, năm này qua năm khác thì còn tệ hơn. Cho nên nếu đã không hiệu quả mà cần cho phá sản thì nên cắt một lần đi cho xong. Tức là phải chịu lỗ, trong đó có một việc rất quan trọng là mang ra bán đấu giá, ban đầu theo giá trước đây đã xây dựng, nhưng nếu không ai mua thì cũng phải xem xét những người trả giá thấp để bán.”

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thà đau một lần, nhưng cắt khối ung nhọt khỏi cơ thể thì mới mạnh khỏe. Theo ông Thịnh, có như vậy mới tập trung phát triển kinh tế trong trật tự tốt hơn được.

Related posts