Quốc Hội “nên thảo luận” hậu quả của chiến dịch “Đốt lò” đối với nền kinh tế: TSKH Nguyễn Quang A.

Tình hình kinh tế – xã hội bốn tháng đầu năm “tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức” từ quý IV năm 2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý một chỉ đạt 3,32%, “mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa” và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Thực tế này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% là “rất khó khăn”. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động “giảm 2%” so với cùng kỳ năm trước, trong khi số “doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25%” và xu hướng này có thể “diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới” (1).

“Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài” (2). Đó là một thuộc nhiều vấn đề trong bức tranh tổng thể được cho là khá xám màu của nền kinh tế Việt Nam mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam, ông Vũ Hồng Thanh vừa thừa nhận và chỉ ra trong báo cáo thẩm tra kinh tế – xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, trình bày trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa 15 tại Hà Nội hôm 22/5/2023, như báo mạng VnExpress và Thanh Niên Online hôm thứ Hai đưa tin.

Và “Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn, dẫn tới bất động sản “đóng băng”. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu. Nền kinh tế thực sự rất khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng, theo ông Vũ Hồng Thanh, là khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng âm 0,4% trong quý đầu năm. Bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IPP ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%. Số liệu tiêu thụ điện bốn tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ, cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm…”, vẫn theo VnExpress, báo mạng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam, cho biết thêm.

nguyen quang a.jpeg
TSKH Nguyễn Quang A

Đốt lò làm triệt tiêu sự ‘năng nổ, dám nghĩ, dám làm’

Đánh giá về một phần hiện trạng cùng nguyên nhân của tình trạng kinh tế được coi là đình đốn, khó khăn hiện nay của Việt Nam, từ góc nhìn độc lập, trên quan điểm riêng của mình, cũng từ Hà Nội, hôm thứ Hai, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể) đưa ra một vài nhận định với Đài Á Châu Tự Do, mà theo đó có ba khía cạnh được ông coi là hậu quả không được lường trước:

“Trong những lúc khó khăn, ở nhiều nước hay có chính sách thúc đẩy, hay gọi theo cách khác là ‘kích cầu’ cũng được; tức nhà nước đổ tiền vào đầu tư, song nhà nước đổ tiền như thế rồi mà suốt quý I năm nay và cho đến hết tháng 5/2023 này, tỷ lệ giải ngân gọi là vốn đầu tư công rất là thấp. Tại sao?

Người ta phải hỏi như vậy, cái đấy là cái tự mình làm được, bởi vì vốn, ngân sách của nhà nước là có rồi, vậy mà chi đầu tư công không chi được. Vậy có thể nói rằng bộ máy rất là kém. Đầu tư công này thường chậm, nhưng tôi chưa thấy năm nào chậm như năm nay. Vậy thì phải hỏi tại sao năm nay lại chậm như thế?

Có thể suy đoán một vài chuyện, và chuyện thứ nhất là do đốt lò tùy tiện, “tùm lum, tà la”, ông Chủ tịch nước bị hạ bệ, hai ông Phó Thủ tướng thực sự là bị cho nghỉ, thôi việc, nhưng hiểu theo đúng nghĩa cũng có nghĩa là bị hạ bệ, rồi mấy ông Bộ trưởng, Thứ trưởng khác vào tù. Cái đó liệu có ảnh hưởng tới các quan chức từ Chủ tịch nước xuống không? Tôi nghĩ rằng chắc chắn là ảnh hưởng.”

Theo ông Nguyễn Quang A, điều này có tác động về mặt tâm lý và tới hành vi của cán bộ, quan chức quản lý, lãnh đạo trong toàn bộ máy nhà nước, chính quyền, như ông phân tích tiếp:

“Và cái đó làm cho người nào cũng phải cẩn thận hơn, thận trọng hơn theo lối là nếu không, nhỡ ra bị cho vào lò thì sao? Cái đó làm cho đội ngũ những người ra quyết định làm quyết định chậm hơn, đưa ra quyết định cẩn trọng hơn là cần thiết, dẫn đến việc họ bảo: thôi, có những cái gì năng nổ, thì bớt năng nổ đi, mà như thế, chuyện quyết định nhanh nhạy cho kịp tình huống, chuyện sáng tạo hay là năng nổ sẽ bớt đi, thay vào đó an toàn là trên hết.

Tôi nghĩ tâm lý như thế ở trong đội ngũ lãnh đạo từ thấp đến cao chắc chắn là có và cũng không ngạc nhiên gì khi từ ông Tổng Bí thư đến nhiều ông lãnh đạo cấp cao khác cũng nói, mà báo chí cũng kêu ca ầm ầm, bảo rằng những người nọ, người kia rụt rè, không dám làm, chần chừ này nọ kia khác, điều ấy chính là sự công nhận của bản thân các ông lãnh đạo ấy rằng chuyện đốt lò gây hậu quả rất lớn đến hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tất nhiên không ai dám nói toẹt ra nhưng tôi nói, nhưng nghe giọng điệu của họ thì có thể kết luận rõ ràng rằng họ thú nhận như vậy.”

Vừa không hiểu tâm lý doanh nghiệp vừa mắc ‘sai lầm chính trị’

Theo TSKH Nguyễn Quang A, chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” mà như ông nói ở trên là đã được tiến hành tùy tiện, đã phạm phải thêm một sai lầm khác cho thấy những người chủ trương đã không có kiến thức và hiểu biết về tâm lý của giới đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời phạm sai lầm ‘chính trị’ mà có thể hiểu là vừa gây hại cho nền kinh tế quốc dân vừa tự gây hại về chính trị, ông nói:

“Đấy là một chuyện, còn chuyện thứ hai là các vụ án đó đánh vào rất nhiều doanh nghiệp nữa, từ AIC group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, rồi đến Vạn Thịnh Phát, rồi FLC, đến rất nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn khác, tôi thử hỏi làm như vậy, các doanh nghiệp khác nghĩ gì, các ông chủ tư nhân khác nghĩ gì?

Câu trả lời là tìm cách chuồn thôi, tìm cách thoái vốn, tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài, tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Chuyện đó ai hiểu tâm lý của các ông chủ tư bản, thì thấy rằng chuyện ấy là chuyện rất dễ hiểu.

Tôi nghĩ rằng việc chống tham nhũng rất cần, song phải chống ở cái gốc, nhưng cái ấy khó làm. Nhưng nếu đánh tùm lum, tà la, sẽ có mặt trái của nó… khi người dân thấy hệ thống chính quyền này sao mà thối nát đến như vậy, và người dân thêm mất niềm tin vào chính quyền. Niềm tin này là một tài sản thường rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Người nào không chú ý và làm hủy hoại niềm tin ấy, thì có thể làm hại đến sự phát triển kinh tế.

Như vậy, có thể việc chống tham nhũng là một việc rất tốt, nhưng nó lại có hậu quả là nếu làm tùy tiện, thái quá bất cập, đã làm suy giảm lòng tin của người dân vào chính quyền, và theo tôi đấy là một hậu quả chính trị không lường trước của nhóm chủ trương “đốt lò”. Tôi cho rằng ở Việt Nam, khi vạch ra chính sách ấy, người ta đã không để ý đến những hậu quả xấu mà, bất lường.”

Và để minh họa cho nhận định này của mình, TSKH Nguyễn Quang A đưa ra một số ví dụ:

“Đó như là giới doanh nhân có thể sợ hãi, họ nhụt chí, họ nghĩ rằng: à, nó nuôi béo mình, mà béo rồi thì sẽ bị thịt, vậy trước khi nó thịt mình, thì mình phải chạy!

Hệ quả là gì? Doanh nhân sẽ bớt làm ăn to đi, làm vừa vừa thôi, nếu đã làm to rồi, thì tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài.

Còn quan chức thì sao? Họ chần chừ, lưỡng lự trong việc ra quyết định. Đấy là những hậu quả của việc cứ ra tay mà không tính toán sâu xa, không lường trước hết.

Rồi dân thì sao? Dân không tin vào chính quyền nữa, như trên tôi nói. Và đó là những hậu quả của một chính sách mà ban đầu nghe có vẻ rất là hay, nhưng giải quyết thực ra là không giải quyết đến gốc rễ của vấn đề, và tôi chắc chắn rằng ít nhất ba hậu quả trên của ‘Đốt lò’ đã có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Còn cụ thể sự ảnh hưởng ấy ra sao, nhiều thế nào, có thể phải cần những nghiên cứu kỹ lưỡng để đo lường, đánh giá xem bao nhiều phần trăm, hay mức độ nặng nhẹ ra sao, nhưng những ý tưởng như thế là chắc chắn có, tức là có phần tác động.

Và tôi không hiểu là Quốc hội Việt Nam sẽ có đề cập đến những vấn đề ấy không, hoặc là họ có nghĩ ra được biện pháp nào để giải quyết không, theo tôi đó là một bài toán khó với họ.”

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nhà phân tích kinh tế, chính trị và thời sự từ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện Chính sách độc lập (IDS đã tự giải thể) nêu nhận định với RFA Tiếng Việt từ Hà Nội, mời quý vị đón theo dõi phần tiếp theo của ý kiến này, theo đó nhà quan sát nêu gợi ý về hướng giải bài toán trên tới ‘tận gốc rễ’ vấn đề ra sao, và cần làm gì ưu tiên để cho nền kinh tế của Việt Nam thực chất được phát triển một cách hiệu quả, lành mạnh và bền vững.

Tham khảo:

Related posts