Phức tạp hóa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, vì sao?

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hôm 30/5, vấn đề “lấy phiếu tín nhiệm” tiếp tục được nêu lên. Cụ thể, Trưởng ban Công tác đại biểu – Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp không tự từ chức, thì sẽ “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí từ Hà nội nói với RFA hôm 31/5:

“Rõ ràng việc bỏ phiếu tín nhiệm trường hợp 2/3 tín nhiệm thấp không từ chức cũng chỉ để giải quyết hậu quả của sự bất hợp lý, thiếu đúng đắn. Việc giải thích quanh co về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau như thế nào cũng chỉ là ‘vụng chèo khéo chống’ để khỏa lấp cho sự bất hợp lý và thiếu đúng đắn đó. Cho nên theo tôi, nếu chỉ dùng hai lựa chọn tín nhiệm và không tín nhiệm, kèm theo một quy định cụ thể nếu chỉ đạt 1/3 hay 50% tín nhiệm thì phải từ chức, nếu không sẽ bị miễn nhiệm… thì rất khả thi và hợp lý hơn.”

Rõ ràng việc bỏ phiếu tín nhiệm trường hợp 2/3 tín nhiệm thấp không từ chức cũng chỉ để giải quyết hậu quả của sự bất hợp lý, thiếu đúng đắn.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Cũng tại kỳ họp Quốc hội hôm 30/5, về hai khái niệm “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”, bà Nguyễn Thị Thanh giải thích thêm rằng, việc “bỏ phiếu tín nhiệm” là hệ quả của “lấy phiếu tín nhiệm” với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp, và thực chất là miễn nhiệm.

Theo truyền thông Nhà nước, một số ĐBQH lo ngại khi “lấy phiếu tín nhiệm” kết quả thấp, nhưng tới khi “bỏ phiếu” lại tín nhiệm cao. Với lo ngại này, bà Thanh cho rằng ba nhiệm kỳ vừa qua chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 31/5, nhận định:

“Tôi khẳng định tiếng Việt không có tín nhiệm cao thấp trung bình gì cả, mà chỉ có tín nhiệm và mất tín nhiệm thôi. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thấy được hậu quả của việc này đã dẫn đến hệ lụy, đó là tiếp tục bóp méo tiếng Việt bằng khái niệm lấy phiếu và bỏ phiếu. Hầu như ai cũng biết chuyện bỏ phiếu là hình ảnh người ta lấy lá phiếu bỏ vào trong thùng phiếu… bây giờ họ đặt ra ‘lấy phiếu’ là một việc, ‘bỏ phiếu’ lại là một việc khác nữa…”

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính quyền Việt Nam không thấy được hậu quả khi làm phức tạp thêm vấn đề chống tham nhũng, vốn dĩ đã rất phức tạp, nên mới giải thích thế nào là “lấy phiếu”, thế nào là “bỏ phiếu”. Ông Già cho rằng có thể tiếng Việt của người quản lý kém, nhưng kém tới mức như thế thì Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng đó là một sự bịp bợm tiếng Việt.

000_33FT9YK.jpg
Ảnh minh họa: Kỳ họp quốc hội hôm 22/5/2023. AFP.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hôm 30/5 cũng đã có ý kiến lo ngại về việc kê khai tài sản ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm… Phó Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã dẫn chứng: “Nhiệm kỳ trước có những người kê khai hàng chục bất động sản, thu nhập hàng tỷ mỗi năm cũng không có vấn đề gì cả”.

Việc người có nhiều tài sản không sợ bị ảnh hưởng kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng chỉ là bề nổi. Vì vấn đề tài sản không phải là nhiều hay ít mà là có minh bạch hay không? Có hợp pháp hay không? Ông Trí giải thích:

“Một người bị đem ra bỏ phiếu, có thể chỉ có một ngôi nhà nhưng có được từ tham nhũng, thì rõ ràng người ấy không xứng đáng. Ngược lại, một người có thể có hàng chục ngôi nhà và nhiều tài sản khác, nhưng tất cả đều được họ làm ra một cách minh bạch, tuân thủ pháp luật… thì hoàn toàn không có gì để mà không tín nhiệm. Thế nhưng ý kiến của ĐBQH nêu ra chỉ đề cập đến số lượng, mà không đề cập đến tính rõ ràng, minh bạch… bởi vì hiện nay ở Việt Nam chưa có một cơ chế về việc thẩm tra xác minh tài sản của cán bộ của quan chức.

Chính vì vậy theo ông Trí, cơ quan chức năng chỉ có thể giải thích một cách định tính, không rõ ràng… Ông Trí cho rằng, việc xác minh không quá khó, chỉ cần kiểm tra sổ đóng đảng phí, xem 1% thu nhập đóng đảng phí có khớp với tài sản không? Hay cơ quan thuế có thể kiểm tra số thuế thu nhập đã nộp từ trước đến nay so với số tài sản đang có. Ông Trí nói tiếp:

“Việc này không phải mình tôi đề cập, mà nhiều người đề cập từ lâu rồi, nhưng họ không làm… Bởi vì nếu họ làm sẽ lộ ra 99% các quan chức của Việt Nam có tài sản bất minh. Thế cho nên cuối cùng về mặt quy định, về mặt thực hiện tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, kê khai tài sản…  tuyên truyền quảng cáo rất nhiều, nhưng không đạt một tí hiệu quả nào như mong muốn.”

Họ bảo rằng cứ kê khai trung thực, dù có hàng chục bất động sản hàng trăm tỷ gì đó thì cũng không sao. Tôi cho rằng đây là kế ‘điệu hổ ly sơn’, mà ngay cả những đảng viên cao cấp lâu năm của đảng CSVN cũng không tin, chứ đừng nói đến người dân chúng tôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Còn nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng:

“Họ bảo rằng cứ kê khai trung thực, dù có hàng chục bất động sản hàng trăm tỷ gì đó thì cũng không sao. Tôi cho rằng đây là kế ‘điệu hổ ly sơn’, mà ngay cả những đảng viên cao cấp lâu năm của đảng CSVN cũng không tin, chứ đừng nói đến người dân chúng tôi. Tóm lại việc Quốc hội đang bàn phản ánh tâm trạng bất an của tất cả các đảng viên đảng CSVN. Qua việc này có thể nói là hầu hết tất cả những người tham nhũng là những người có chức có quyền, bởi vì nếu không có lợi thì việc gì họ phải băn khoăn, tính tới tính lui từ chức, rõ ràng có chức họ mới có khả năng tham nhũng.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, chính những cán bộ này đã tự phơi bày, tố cáo chế độ hiện nay là một chế độ tham nhũng, dựa trên sự tham nhũng mà tồn tại.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013. Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XI vào năm 2015, Đảng CSVN cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm được lập lại tại các Hội nghị Trung ương và tại Quốc hội.

Related posts