Công an tỉnh Đắk Lắk nói chỉ mời hai thầy truyền đạo và một tín đồ Tin Lành lên trụ sở làm việc về an ninh trật tự, tuy nhiên một nhà hoạt động cho rằng công an đã bắt cóc họ ngay giữa đường khi đang đi công chuyện.
Theo ông Y Quynh Buon Dap, người sáng lập và điều hành tổ chức Người Thượng Vì Công lý, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, ba người đều ở xã Ea Bhok, gồm thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Ako Emong, thầy truyền đạo Y Broc Bya (hay còn gọi là Ama Rody) và tín đồ Y Gruih Niê thuộc Hội thánh Tin lành tư gia độc lập buôn Ea Khit.
Ông Y Quynh, người đang tị nạn chính trị ở Thái Lan, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào đầu giờ chiều ngày 01/6:
“Trong ngày hôm nay (01/6), theo thông tin từ điểm nhóm buôn Ea Khit và buôn Ako Emong thì có ba người bị công an huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk áp giải vào lúc 6 giờ sáng nay.”
Dẫn nguồn tin từ một nhân chứng đi cùng những người bị bắt, ông Y Quỳnh Buon Dap cho biết có khoảng 10 công an đi trên xe màu đen bắt cóc thầy truyền đạo Y Bhuar Bdap và tín đồ Y Gruih Niê khi họ đang trên đường đi cầu nguyện ở buôn Kpung, xã Hòa Hiệp.
Trong khi đó, thầy truyền đạo Y Broc Bya bị bắt khi đang trên đường đi làm ruộng cùng vợ.
Phóng viên sau đó gọi điện cho Công an huyện Cư Kuin, người trực máy không nêu danh tính cho biết ba người nêu trên được công an tỉnh mời lên làm việc về an ninh trật tự ở địa phương, tuy nhiên ông này không cho biết buổi làm việc sẽ kéo dài trong bao lâu, rồi đột nhiên ngắt máy.
Theo ông Y Quynh Buon Dap, việc “bắt cóc” ba người theo đạo Tin Lành hôm nay nằm trong chiến dịch trấn áp các nhóm tôn giáo không đăng ký ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian gần đây, đỉnh điểm là việc bắt giữ hai người của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ là thầy truyền đạo Y Kreek Buonya vào đầu tháng tháng tư với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và thầy truyền đạo Nay Y Blang vào giữa tháng 5 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
“Đây là tình hình căng thẳng nhất từ trước tới nay đối với Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như Hội thánh Tin Lành Độc lập và các hội thành khác liên quan như Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.
Họ muốn ngăn chặn hết những hội thánh độc lập cũng như Hội thánh Tin lành Đấng Christ.”
Ông cho biết có thể ba người bị công an tra khảo về việc việc kết nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý, tham gia vào các lớp học trực tuyến về luật Việt Nam và luật nhân quyền quốc tế cũng như cách đăng ký sinh hoạt tôn giáo.
Ở xã Ea Bhok, Hội thánh Tin lành tư gia độc lập chỉ có khoảng 30 tín đồ còn Hội thánh Truyền giảng Phúc âm có 10 tín đồ nhưng có kết nối với Tổng hội ở Sài Gòn, ông Y Quynh Buon Dap cho biết.
Hội thánh Tin lành tư gia độc lập nhiều lần nộp đơn lên chính quyền huyện Cư Kuin để đề nghị hướng dẫn đăng ký sinh hoạt nhưng chính quyền địa phương không trả lời, ông cho hay.
Trong cùng ngày, tổ chức Người Thượng vì Công lý ra tuyên cáo bày tỏ sự lo ngại về vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Tây Nguyên và kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền theo dõi chặt tình hình đàn áp tự do tôn giáo ở khu vực này.
Theo Phúc trình về tự do tôn giáo 2022 mới công bố gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong bốn năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam không công nhận nhóm tôn giáo mới nào cho dù có nhiều nhóm xin đăng ký hoạt động. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hà Nội cải thiện các chính sách đăng ký bằng cách làm cho thống nhất và minh bạch hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Ngoại trưởng Anthony Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Trong nhiều năm gần đây, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vi phạm tự do tôn giáo (CPC).