Việc Việt Nam liên tục bắt giữ các nhà hoạt động môi trường đến mức truyền thông chính thống của chính phủ một nước lâu nay khá ‘hữu nghị’ với Việt Nam ở Liên minh châu Âu là CHLB Đức phải lên tiếng là một “giọt nước đã tràn ly”, theo một nhà quan sát thời sự, chính trị và môi trường Việt Nam từ châu Âu.
Trang mạng Deutsche Welle, kênh truyền thông công cộng của CHLB Đức, trong chuyên mục riêng về châu Á, mới đây đã đăng đặc biệt một bài viết tới 7.238 từ, nêu quan điểm rằng Chính phủ của nhà nước cộng sản Việt Nam từng nói rằng họ muốn đạt được một nền kinh tế có phát thải carbon ở ngưỡng bằng không (zero) vào năm 2050, thế nhưng họ cũng bỏ tù những người kêu gọi cải cách nhanh hơn, trong đó một số trường hợp nổi bật được nhắc đến tên như là các ông, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bạch, Bạch Hùng Dương, và Ngụy Thị Khanh, và đặt câu hỏi trong tựa đề của bài viết rằng “Có phải Việt Nam đang quay lưng với những lời hứa về môi trường?”
Trong một diễn biến độc lập, sau bài báo trên chừng bốn ngày, hôm 10/6/2023, nhà hoạt động trẻ hàng đầu thế giới về môi trường, đề cử giải Nobel nhiều năm gần đây (từ 2020, 2021, 2022…), GretaThunberg cũng đã lên tiếng về Anh hùng Khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt giam vì cáo buộc “trốn thuế” và cho rằng đây là một trường hợp là nạn nhân của bắt bớ có động cơ ‘chính trị’ và là một trong những nạn nhân của một cuộc ‘đàn áp’ liên quan môi trường.
Bình luận các diễn biến này từ CHLB Đức trên quan điểm riêng, hôm 11/6/2023, kỹ sư, nhà báo Nguyễn Xuân Thọ, người cũng là một nhà quan sát về môi trường tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Điều này cho thấy người châu Âu và người Đức bắt đầu cảm thấy phong trào môi trường ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, tôi lấy ví dụ trước đây chỉ có những đài báo cánh tả ở Đức đăng tin thôi, nhưng bây giờ đài DW (Deutsche Welle) là một đài báo công cộng mà đã đăng tin như vậy, thì chứng tỏ sự khó chịu của chính quyền cũng như xã hội Đức đối với những gì đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay đã trở lên rất lớn.”
Bài báo của tác giả David Hutt dẫn lời của Ben Swanton, đồng Giám đốc của Dự án 88 thu thập dữ liệu về nhân quyền ở Việt Nam, cho biết có “bằng chứng rõ ràng” rằng các vụ kiện chống lại năm nhà hoạt động môi trường nói trên, mà gần nhất là trường hợp bắt bà Hoàng Thị Minh Hồng, CEO của tổ chức phi chính phủ về môi trường Change, là động thái “có động cơ chính trị và được thiết kế để hình sự hóa hoạt động khí hậu bằng cách sử dụng các cáo buộc sai trái về thuế, hay là trốn thuế.”
Ben Swanton được bài báo trên DW dẫn lời nói thêm rằng “một phần là vấn đề quyền lực…, các nhà bảo vệ môi trường đã biến các nhóm phi lợi nhuận riêng lẻ của họ thành các liên minh vận động quyền lực, khiến họ xung đột với chính phủ độc đảng. Những nhà hoạt động này đã tìm ra cách tổ chức trong hệ thống để định hình chính sách của nhà nước. Đó là một cây cầu quá xa đối với Đảng Cộng sản.”
Vẫn theo bài báo trên của DW, nhiều người trong số những người bị bỏ tù trong những năm gần đây là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, một liên minh vận động chính sách của một số tổ chức phi chính phủ đã bị buộc phải ngừng hoạt động vào năm ngoái.
“Trong quá khứ, Đảng Cộng sản đã phá vỡ mọi nỗ lực của các nhà hoạt động nhằm hình thành các liên minh tập trung và có cấu trúc theo thứ bậc của các nhà vận động. Khối 8406 và Hội Anh em Dân chủ, hai liên minh ủng hộ dân chủ, đã bị nghiền nát trong vòng vài tháng sau khi thành lập. Đảng cầm quyền muốn các nhà hoạt động tiếp tục bị ‘tán’ nhỏ và do đó ít đe dọa hơn,” tác giả David Hutt của bài viết tới trên 7.000 chữ đăng nổi bật trong chuyên mục Châu Á của DW nhận định.
Vì sao có sự bất cập?
Bình luận về bài viết trên mạng DW của CHLB Đức đặt dấu hỏi liệu đã có những dấu hiệu trái chiều và có thể là mâu thuẫn với chính quyền Việt Nam, khi một mặt Chính phủ tuyên bố và cam kết thúc đẩy cải thiện môi trường, sinh thái, một mặt lại bắt giữ nhiều nhà hoạt động, tiếng nói, người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ về môi trường, sinh thái, nhà báo Nguyễn Xuân Thọ nói:
“Ở Việt Nam, kể cả các đường lối chính trị, cũng như các đường lối kinh tế đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và quyết định; và họ (chính quyền) cũng có những cân nhắc để vừa đạt được những thành quả về chính trị, về kinh tế, nhưng điều tối quan trọng là không được sao nhãng sự lãnh đạo của ĐCSVN.
Cho nên cho dù quyết định về kinh tế hay về gì đi nữa, lúc nào việc đảm bảo quyền lãnh đạo của ĐCSVN cũng là tối thượng. Vì vậy, kể cả trong việc mở cửa cho các hoạt động xã hội của các phong trào môi trường, tôi nghĩ rằng có những lo ngại trong đó rằng những phong trào môi trường (phát triển) đến một lúc nào đó có thể ảnh hưởng đến sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự bất cập trong những chính sách môi trường, cũng như trong những lời hứa của họ với cộng đồng quốc tế.”
Vẫn theo bài báo của Deutsche Welle, vào tháng 12/2022, Liên minh Châu Âu (EU), cũng như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đã cam kết cung cấp khoản tài trợ trị giá 15,5 tỷ Mỹ kim thông qua một kênh là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng để giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon.
“Các nhóm nhân quyền đã viết thư cho Brussels yêu cầu họ ngừng cung cấp số tiền này cho đến khi chính phủ Việt Nam ngừng bỏ tù các nhà môi trường và cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Họ nên nói với Hà Nội “không có gì chắc chắn rằng những nguồn tài chính đó sẽ không được cung cấp cho đến khi bốn nhà bảo vệ môi trường được trả tự do vô điều kiện… EU nên nghiêm túc trong việc thúc ép Chính phủ Việt Nam biến các cam kết về quyền thành cải cách thực sự. Sẽ không phải là một cuộc đối thoại về quyền nếu các quan chức Việt Nam chỉ làm các động tác giả đò, bày tỏ thái độ vô vị và chờ đợi cuộc họp kết thúc,” Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), được Deutsche Welle, trích lời nói.
Và vẫn theo kênh truyền thông công cộng của Đức, các nhóm vận động hành lang nhân quyền cũng đã kêu gọi EU sử dụng phiên đối thoại song phương thường kỳ với Việt Nam, hôm 9/6/2023 để yêu cầu Hà Nội có sự thay đổi ‘ngay lập tức’. Chính phủ Việt Nam, vẫn theo DW, đã cam kết thực hiện nhiều cải cách khi ký kết hiệp định thương mại tự do với EU vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động và vận động quốc tế cho biết tình hình nhân quyền đã thực sự trở nên ‘tồi tệ hơn’ kể từ khi hiệp định đó có hiệu lực.
Nhóm lợi ích, thực chất là ‘mafia’ đang lũng đoạn?
Khi được hỏi, liệu có việc một số thế lực nào đó, như có bộ phận trong công luận và giới quan sát tại Việt Nam đặt vấn đề, đang muốn trục lợi từ việc vừa làm chậm bước chân của Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ và chủ động sang năng lượng xanh, trong khi tiếp tục hưởng lợi từ các dự án, công nghệ khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất từ các công nghệ dựa trên công nghệ năng lượng cũ, rẻ, nhưng được cho là ‘độc hại’ cho môi trường, mà họ đang hưởng lợi, hay là không, trong lúc lại có thể thấy nhiều ‘đối thủ’ ngăn bước họ là các nhà hoạt động, những tiếng nói về môi trường, sinh thái phải ‘vào tù’, và công luận thì im tiếng, kỹ sư, nhà báo Nguyễn Xuân Thọ đáp:
“Mâu thuẫn giữa các nhóm hoạt động môi trường với các nhóm lợi ích kinh tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác cũng như thế, nhưng vấn đề khác nhau nằm ở chỗ ở nhiều nước khác, tự do ngôn luận, cũng như hệ thống pháp luật của họ hoạt động tương đối hoàn chỉnh, cho nên các giới kinh tế, các tập đoàn tư bản lũng đoạn không đủ sức để khuynh đảo, để phá hoại các phong trào môi trường.
Ở Việt Nam, điều đó đang còn rất khiếm khuyết, kể cả hệ thống pháp luật’ cũng như nền tự do báo chí, mà do tự do ngôn luận ở Việt Nam không có. Cho nên việc các tổ chức kinh tế lũng đoạn nhà nước, cũng như các tổ chức người ta gọi là ‘nhóm lợi ích’, mà thực ra đây là những tổ chức ‘mafia’, những tổ chức này vẫn có thể thao túng bộ máy pháp luật ở Việt Nam để đàn áp các phong trào môi trường. Tôi nghĩ chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra…
Tiện đây, về vấn đề sinh thái, môi trường ở Việt Nam, một đề tài rất rộng, tôi cũng có dịp đi nhiều, thấy nhiều ở Việt Nam, tôi thấy vấn đề này rất phức tạp, mà chúng ta không thể đề cập hết trong một câu chuyện. Nhưng tôi chỉ nêu một vấn đề…, đó là để môi trường, sinh thái lành mạnh, phải xuất phát từ sự thay đổi, mà chính sách này không phải chỉ là chính sách về môi trường, mà là sự thay đổi cả một nền chính trị, cả một chính sách xã hội, để làm sao vận dụng, vận động được tri thức của toàn dân, của toàn xã hội, trong việc xây dựng và bảo vệ trên đất nước.
Chứ nếu chúng ta chỉ trông chờ vào những biện pháp như hiện nay, rồi trông chờ vào sự lên án, lên tiếng của các tổ chức quốc tế này kia, thì tôi nghĩ là rất khó đối với hoàn cảnh môi trường hiện nay ở Việt Nam, mà đang lâm vào một tình trạng bế tắc, mà như chúng ta biết, chẳng hạn tình trạng nắng nóng, hồ nước thì cạn, điện thì không có, người dân thì kêu trời, kêu đất, trong khi có người chỉ chăm chăm vào làm mấy cái dự án thủy điện đó thôi…, trong khi Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng khác nhưng những người hiểu được vấn đề thì lại không được phép nói.”
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, đây là một vấn đề mà Việt Nam cần hành động, để làm cho phong trào môi trường và ý thức môi trường ở trong nước của Việt Nam được nâng cao, ông nói thêm:
“Ý thức đó phải được nâng cao đến mức mà toàn xã hội thấy rằng không thể nào có thể chấp nhận hiện trạng như thế này nữa, còn nếu bây giờ mọi người chẳng hạn chỉ ngồi đó kêu ca, rồi chờ cho nhà nước cấp điện cho, thì còn lâu chúng ta mới thoát được khỏi cảnh nạn này.”
Trở lại với việc công luận quốc tế, trong đó có Deutsche Welle, kênh truyền thông công cộng của nhà nước Đức, vừa phải lên tiếng quan ngại về việc các nhà hoạt động môi trường hàng đầu đã và đang bị bắt giữ và đối xử ra sao ở Việt Nam, trong lúc Chính phủ lại ‘cam kết đẩy mạnh’ các chuyển đổi được kỳ vọng là đem lại tiến bộ nhanh về môi trường, sinh thái, nhà báo, kỹ sư và nhà quan sát môi trường Việt Nam từ CHLB Đức nói thêm với RFA Tiếng Việt, tiếp tục trên quan điểm riêng:
“Xưa nay báo chí, truyền thông Đức không đăng những chuyện này về Việt Nam không có nghĩa là họ ‘khách quan’ với Việt Nam, mà tôi nghĩ truyền thông Đức cũng muốn dựa vào một phần đường hướng của chính phủ Đức, mà chính phủ Đức luôn muốn bắt tay với Chính phủ Việt Nam, để cân bằng lại những ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, cho nên người ta đã nhẹ nhàng hơn trong việc phê phán những sai trái xảy ra ở Việt Nam.
Chứ còn thực ra mà nói vai trò của truyền thông là phải phê phán chính xác và nặng nề những vấn đề sai trái, dù ở Đức hay là ở Việt Nam, nếu như họ chưa làm được việc đó xưa nay ở Việt Nam, mà bây giờ họ mới nói, thì chứng tỏ rằng bây giờ những giọt nước đã làm tràn ly,” – kỹ sư, nhà báo Nguyễn Xuân Thọ, người từng có thời gian làm việc nhiều năm tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trước đây, nhà quan sát thời sự, chính trị và môi trường Việt Nam, nói với RFA Tiếng Việt từ thành phố Cologne.