Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) hôm 11/6 cho biết đã có Quyết định điều chỉnh kéo dài thêm thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đến ngày 6/11/2023 thay vì 31/3/2021 như đã được phê duyệt trước đó.
Vì sao Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoạt động vận chuyển hành khách từ tháng 11 năm 2021, nay lại phải gia hạn thời gian hoàn tất dự án?
Ông Trí, sinh sống tại Hà Nội, hôm 14/6 nói với RFA ý kiến của mình về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông:
“Bất kỳ một dự án nào kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch ban đầu, cũng là vi phạm. Thời gian kéo dài càng lâu thì mức độ vi phạm càng lớn. Riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông chúng ta đều thấy rõ mức độ vi phạm rất nghiêm trọng. Xin nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, cụ thể về mặt thời gian nó đã bị kéo dài từ 5 năm thành 15 năm, mà chưa chắc đã xong. Còn về vốn đầu tư tăng từ 8.770 tỷ đồng, thành hơn 18.000 tỷ, tức là tăng hơn hai lần là một con số khủng khiếp.”
Bất kỳ một dự án nào kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch ban đầu, cũng là vi phạm. Thời gian kéo dài càng lâu thì mức độ vi phạm càng lớn.
-Ông Trí
Theo ông Trí, việc kéo dài thời gian dự án trong khi dự án đã được đưa vào vận hành khai thác hơn một năm, tức là có hàng chục, hàng trăm ngàn lượt khách đi lại trên các tuyến đường này… làm cho ông nảy sinh nghi ngờ về sự hoàn chỉnh và mức độ an toàn trong vận hành khai thác dự án này. Ông Trí nói tiếp:
“Nội dung bài báo nhà nước đã nêu rất rõ, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn thiếu vật tư, phụ kiện dự phòng, thiếu phương tiện chuyên ngành, vẫn chưa đánh giá hết mức an toàn của hệ thống tín hiệu, chưa hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước. Tóm lại là vẫn còn ngổn ngang, dang dở và rõ ràng là một người bình thường, tôi không thể cảm thấy yên tâm khi ngồi đi trên chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông.”
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 14/6 nhận định với RFA:
“Từ rất lâu, ai cũng thấy là dự án này bị kẹt trong tay các nhà thầu Trung Quốc. Họ làm cái bẫy và đưa Việt Nam vào đó để kiếm tiền. Việt Nam giờ đối mặt với hai lựa chọn: nếu bỏ nhà thầu này thì các trang thiết bị để sửa chửa, tu bổ cho hệ thống sẽ gặp nhiều khó khăn; còn nếu tiếp tục với nhà thầu này thì Việt Nam sẽ tiếp tục cống nộp tiền cho họ. Những người đã ký và thúc đẩy cho chọn lựa đầu tư này phải chịu trách nhiệm.
Đã đến lúc Việt Nam nên thiết lập một nhóm chuyên gia hoặc hợp đồng với một công ty tư nhân để họ chịu trách nhiệm chuyển giao quy trình quản lý và vận hành, đồng thời xem xét việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này.”
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Dù vẫn còn vướng nhiều bê bối, nhưng Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chính thức đưa vào vận chuyển hành khách từ ngày 6/11/2021.
Bộ GTVT là chủ đầu tư của dự án này, trong 15 thực hiện dự án đã trải qua 5 đời bộ trưởng, nhưng đến nay chưa vị lãnh đạo nào của Bộ GTVT bị điều tra, truy tố, xét xử… do có những sai phạm liên quan đến dự án này.
-Ông Trí
Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 8/6/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, cho biết sau 19 tháng vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Đường sắt Hà Nội đã khẳng định với truyền thông nhà nước trong cùng ngày là số tiền 100 tỷ chưa phải là lợi nhuận. Ông Trí cho biết thêm ý kiến về việc này:
“Bộ GTVT là chủ đầu tư của dự án này, trong 15 thực hiện dự án đã trải qua 5 đời bộ trưởng, nhưng đến nay chưa vị lãnh đạo nào của Bộ GTVT bị điều tra, truy tố, xét xử… do có những sai phạm liên quan đến dự án này. Nếu nhìn các bộ khác như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ KHCN, thậm chí Bộ Công an… sẽ thấy các bộ đó đã đều có những vị Bộ trưởng, Thứ trưởng bị điều tra, truy tố, xét xử, bắt bỏ tù… bởi những sai phạm trong một số dự án nhà nước. Như vậy sẽ thấy trường hợp của Bộ GTVT rất là khác biệt, bất thường.”
Ông Trí còn cho biết rất phẫn nộ khi Bộ trưởng Bộ GTVT đăng đàn trước Quốc hội đã đưa ra một thông tin sai sự thật cho rằng Đường sắt Cát linh – Hà Đông đã có lãi. Trong khi thực chất dự án này vẫn đang lỗ và UBND thành phố Hà Nội vẫn phải đang trợ giá cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/6, nhận định:
“Đây là một đường sắt ngắn, chất lượng cũng không tốt. Có ý kiến cho rằng một đoạn đường sắt đô thị ngắn như thế, mà so với đường sắt mà Trung Quốc đã xây dựng nối Trung Quốc với Vientiane bên Lào thì thấy một trời một vực. Chính vì vậy nhiều câu hỏi đặt ra tại sao nó cứ chập chững như thế và tiêu tốn của ngân sách một khoảng tiền rất lớn. Mà cho đến nay vẫn chi phí tiếp chứ chưa nhìn thấy hiệu quả của việc vận hành đường sắt này cho sự phát triển của Hà Nội.”
Theo ông Võ, bây giờ Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lùi lại thời hạn nữa thì chắc chắn sự tốn kém cho ngân sách sẽ tăng lên và hiệu quả của việc vận hành chắc chắn cũng chưa đạt được cái mong muốn của một đoạn đường sắt đô thị ngắn như vậy.