Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây cho biết, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm. Trong số này, 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cảnh báo tình trạng lao động mất việc vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và trong tháng 6, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho người lao động nghỉ việc.
Theo thống kê của Bộ này, số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), Thành phố Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người). Lao động mất việc làm cũng chủ yếu trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử…
Lý do được đưa ra là do khó khăn trong tìm kiếm hợp đồng ở thị trường nước ngoài.
Theo VOV, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương trong các tháng qua cũng đang phải đối mặt với việc thiếu đơn đặt hàng và phải cho công nhân nghỉ việc. Hiện nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương chỉ có khoảng 40-50% đơn hàng sản xuất, kéo theo thu nhập của công nhân giảm sút, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trong năm tháng đầu năm 2023, Bình Dương có hơn 80.000 lao động mất việc, ngừng việc, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong đó, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ có số lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản; sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử. Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.
Dự báo về tình hình thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết điều này còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế – xã hội. Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ còn chịu tác động của tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…