Ở phần cuối, GS Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm riêng về con đường xây dựng một Việt Nam thống nhất nhưng tôn trọng sự khác biệt và nuôi dưỡng sự đa dạng.
RFA : Đất đai là vấn đề lớn của Việt Nam nói chung, không chỉ với người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng khác. Đất đai là cơ sở kinh tế cho những thực hành bản sắc xã hội và tinh thần của họ. Vậy liệu còn khả năng phục hồi những điều đó không?
Nguyễn Văn Huy : Vấn đề là ở Việt Nam đất đai truyền thống của người bản địa không còn. Sau năm 1975 thì toàn thể đất đai của Việt Nam Cộng Hòa bị quốc hữu hóa, hoặc chỉ còn một phần, không đủ để cách luân phiên theo từng khoảnh ruộng theo cách nông nghiệp tự nhiên. Sau khi Hà Nội chấp nhận kinh tế thị trường đến nay thì đất đai đã bị phân lô hết cả. Bằng nhiều cơ chế và quy trình khác nhau, giờ đây rừng Tây Nguyên không còn như trước và phần lớn đất đai ở Tây Nguyên đều do người Kinh chiếm hữu, nhiều nhất là quân đội.
Trên Tây Nguyên, chúng ta nên thực hành nông nghiệp tự nhiên theo cách hiện đại, tức là khôi phục và làm mới phương thức canh tác nông nghiệp tự nhiên của người bản địa. Nế được như vậy cũng là thực hành xu hướng cah tác mới mà các nền nông nghiệp “hữu cơ” ở các nước tiên tiến đã bắt đầu từ lâu, gọi là “bio”.
Nhưng muốn làm như vậy thì phải trả lại đất đai, rừng núi cho người bản địa Tây Nguyên. Việc trả lại đất chỉ là vấn đề kĩ thuật. Chúng ta có thể mua lại đất, rừng để trả lại cho họ, hoặc kêu gọi sự hiến tặng đất, nếu được. Nếu có các chuyên gia kĩ trị trong chính phủ thì công tác này có thể làm được nhanh hơn. Khi nào Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ thực thụ, chúng ta sẽ có những định chế chuyên ngành về việc nâng cao mức sống của người bản địa để các bên có thể thương lượng bình đẳng, phải có sự thành tâm tôn trọng quyền lợi của các nhóm yếu thế, ttxc những vấn đề này có thể dàn xếp được trong tương lai.
Để làm được những điều đó thì điều quan trọng nhất không phải là “khai hóa” người bản địa mà là khai hóa những cấp lãnh đạo quốc gia ngày hôm nay và cho mai sau. Phải có những chương trình giảng dạy bao dung để giới lãnh đạo hiểu được, dung thông được văn hóa của người khác, từ đó họ có chính sách đúng đắn dựa trên chính sự hiểu biết và tinh thần dung thông văn hóa này.
Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
RFA : Việt Nam chỉ có 54 dân tộc, trong khi đó Indonesia có hơn một ngàn sắc tộc bản địa khác nhau. Trên quốc huy của nước này có khắc câu nói nổi tiếng, như một phương châm quốc gia, “Bhinneka Tunggal Ika”, nghĩa là “nhiều, nhưng là một”, và được họ dịch sang tiếng Anh là “Unity in Diversity” (“Thống nhất trong Đa dạng”). Theo họ, nền tảng của sự thống nhất quốc gia không phải là sự thống trị tuyệt đối của một bản sắc nào đó mà là sự đa dạng của các bản sắc khác nhau. Về mặt ngôn từ thì Việt Nam không xa lạ với điều này, nhưng thực tế, về mặt tâm lý xã hội và chính trị, chúng ta đã từng bao giờ thực hành được điều đó chưa ?
Nguyễn Văn Huy : Cách làm đó từng được thực thi thời Đệ nhị của Việt Nam Cộng Hòa. Thời đó người ta có chính sách Cải cách Điền địa, tương tự như Cải cách Ruộng đất ở Bắc Việt nhưng họ làm văn minh hơn. Việt Nam Cộng Hòa mua lại đất, hoặc đề nghị hiến tặng nếu có, rồi chia lại cho dân cày. Chính sách Cải cách Điền đại được thực thi khắp cả miền Nam Việt Nam, trong đó với người bản địa Tây Nguyên thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa không can thiệp vào quyền sở hữu đất đai cổ truyền của họ, ngược lại chính quyền miền Nam giúp họ bảo tục phong tục canh tác nông nghiệp tự nhiên kế thừa từ truyền thống. Mặt khác, chế độ Việt Nam Cộng Hòa chọn người trong các buôn làng và các sắc tộc đưa xuống đồng bằng để đào tạo ngắn hạn. Mục đích là để những người này có một tinh thần quốc gia, tức là họ thấy được họ có một tổ quốc là đất nước Việt Nam, khi tốt nghiệp họ sẽ trở về phát triển vùng đất của họ thì đó cũng là cách phát triển tổ quốc chung. Cách làm này vừa để hài hòa giữa nhu cầu phát triển địa phương của người bản địa nhưng cũng vừa để ngăn ngừa tinh thần cát cứ thành quốc gia hay lãnh địa riêng.
Việt Nam ngày nay có những nhóm hơi quá khích về mặt sắc tộc, khi họ muốn thành lập những vùng tự trị theo cái nghĩa là họ độc lập về mặt chính trị. Điều này đã lỗi thời rồi. Barcelona là một vùng đất của người Catalan vừa có nền văn hóa lâu đời vừa la một vunf đát phát triển nhất Tây Ban Nha, nhưng khi họ biểu quyết tách khỏi Tây Ban Nha để thành lập một quốc gia riêng thì ả Ban lãnh đạo và dân chúng Barcelona bị Tây Ban Nha và Liên Hiệp Châu Âu lên án và phủ nhận. Tôi nghĩ những cấp lãnh đạo cũng người sắc tộc hay người bản địa ở Việt Nam nên suy nghĩ lại. Nếu cứ tiếp tục điều này thì họ sẽ không được sự ủng hộ của người Việt Nam. Ngay cả những người dân chủ thực sự ở Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận có những nhóm mưu toan tách ra thành một nước riêng, hoặc thấp hơn thì tự trị về mặt chính trị để dẫn đến bất ổn về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Không quốc gia nào chấp nhận tạo ra cơ sở để cho các quốc gia khác can thiệp vào, hỗ trợ để tách ra và lập quốc riêng.
Con đường đúng là phải vừa tôn trọng bản sắc, xã hội và quyền lợi kinh tế của người bản địa, vừa phát triển tinh thần cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam chung.
RFA: Vậy bước đi đầu tiên để Việt Nam có thể “thống nhất trong đa dạng” là gì ?
Nguyễn Văn Huy : Điều đầu tiên phải làm là định nghĩa lại về khái niệm đất nước “Việt Nam”. Nước Việt Nam không phải là một chủng tộc, người Kinh. Đất nước Việt Nam của chúng ta phải là một dự án tương lai chung. Trong đó, mỗi chúng ta hãy cùng nhau đầu tư trí tuệ vào một dự án chính trị dân chủ đa nguyên chung, nghĩa là phải xây dựng một dự án đẹp. Tất cả những ai đồng ý với dự án đó thì đều có thể trở thành công dân Việt Nam nếu muốn.
Cũng giống như chúng ta đến Mỹ hay Pháp, chúng ta không phải là người bản địa, nhưng chúng ta cùng chia sẻ một dự án chung là cùng xây dựng và bảo vệ một quốc gia dân chủ thì chúng ta có thể trở thành công dân Mỹ hay công dân Úc, Pháp, Đức… Cộng đồng người Mỹ, người Pháp gốc Việt thực tế đã có những đóng góp to lớn cho trong những dự án chung của quốc gia đã tiếp cư họ. Đó là cách sinh sống tự nhiên giữa con người với nhau. Nếu chúng ta có tinh thần đó, người bản địa Tây Nguyên có thể có những đóng góp rất tích cực cho chế độ Việt Nam mình.
Tôi thấy ngày nay có nhiều người thanh niên người bản địa Tây Nguyên đạt được những thành tích quốc tế và đem lại vinh dự cho Việt Nam như cô H’Hen Niê là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 và sau đó vào nhóm Top 5 Hoa Hậu Hoàn vũ 2018. Khi thực hiện những dự án môi trường, hay đi ra thế giới thực hiện các hoạt động văn hóa quốc tế, cô ấy vẫn nói mình là người Việt Nam, nhưng trong nước nhiều nơi vẫn nói cô ấy là người Rhađê, tức là coi cô ấy chỉ đại diện cho một dân tộc thiểu số. Tôi thấy đó là một sự xúc phạm. Trong khi đó ở Mỹ có rất nhiều nhóm cộng đồng nhỏ khác nhau và những nhân tài Mỹ thuộc các nhóm sắc tộc nhỏ ấy vẫn được gọi là người Mỹ.
RFA : Có những trở ngại nào cần vượt qua để Việt Nam có thể phát triển mạnh được tinh thần bao dung như họ, để tinh thần này chiếm vị thế áp đảo trong xã hội ?
Nguyễn Văn Huy : Tôi xin nói một chút từ góc độ dân tộc học, nhân chủng học. Người Kinh chúng ta có thói quen tổ chức xã hội một cách độc đoán theo kiểu Trung Quốc, từ đó chúng ta nhiễm tinh thần độc đoán từ cách tổ chức xã hội đó.
Các xã hội ở vùng Đông Dương có hai cách tổ chức theo hai mô hình Trung Hoa và Ấn Độ. Người Kinh theo cách tổ chức của Trung Hoa, nghĩa là tập trung. Trong không gian hạn hẹp của cộng đồng đó chỉ có mình ta, có văn hóa của ta là nổi bật, tiến hóa cao hơn những nhòm dân cư khác, do đó phải cai trị hay loại trừ những nhóm khác. Ví dụ thời xưa ở nông thôn Bắc Bộ, cùng là người Kinh nhưng người làng này sang làng khác sống đã bị coi là dân “ngụ cư” tức là người di cư từ bên ngoài đến rồi. Về chính trị quốc gia thì chúng ta theo mô hình Trung Quốc, tức là cái gì cũng phải tập trung và trung ương quyết định.
Trong khi đó xã hội người bản địa ở phía nam của Việt Nam thì giống với các tổ chức xã hội của người Ấn Độ, truyền thống hơn và đa nguyên hơn. Người Ấn Độ trước đây tổ chức xã hội theo cách tản quyền, đa quyền. Họ di cư đến Đông Nam Á, họ không xung đột với ai hết và dễ dàng kết hợp với người bản địa để tạo dựng những quốc gia mới và có thể sống chung với nhau. Các quốc gia nhỏ có thể kết hợp với nhau thành những quốc gia lớn hơn, theo kiểu liên lập. Ngày nay nhiều nước vẫn tổ chức theo cách đó, như Malaysia là sự kết hợp của các tiểu vương quốc trước đây với hình thức liên bang, Indonesia là một nước với hơn một ngàn dân tộc bản địa khác nhau cùng sinh sống dù chính trị tập quyền mạnh hơn. Họ rất đa dạng và cũng giống hầu hết các nơi khác là trải qua bạo lực trong lịch sử nhưng giờ đây họ tìm thấy được sự đồng thuận để cùng nhau xây dựng một tổ quốc chung.
Tất cả chúng ta đều là anh em nên phải làm sao tìm lại anh em, cùng nhau xây dựng lại tình huynh đệ để cùng chia sẻ một tương lai chung, xây dựng một đất nước chung, dân chủ hơn. Việt Nam chúng ta cũng cần đồng lòng tìm một quan niệm chung về đất nước mình như một dự án chung, mà tất cả các bên đều thấy mình là một phần được công nhận của nó, dù bản sắc rất khác nhau.
Tôn trọng sự khác biệt vốn không phải là truyền thống của chúng ta. Nhưng đứng trước thực tế nước ta là một quốc gia đa chủng thì chúng ta cần học được tinh thần đa nguyên để tạo ra không gian sinh tồn mà những người ngày hôm nay có thể chấp nhận được và các thế hệ mai sau sẽ rất hài lòng.
RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Văn Huy đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Phần 1: “Người bản địa”: từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm “người bản địa” ở Việt Nam
Phần 2: GS. Nguyễn Văn Huy: Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historically-vietnam-has-indigenous-people-07042023172730.html
Phần 3: Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết
Phần 4: Ứng xử với người bản địa : Hãy xem Việt Nam như một dự án chung
Phần 5: Tái định nghĩa Việt Nam: một tổ quốc, nhưng cho các bản sắc khác nhau