Năm đó tụi tôi thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong thì gần như bước liền vào kỳ thi đại học.
Học sinh thời đó hầu hết còn ngây thơ, chỉ rất ít đứa có cha mẹ là trí thức hoặc giàu kinh nghiệm thì mới quan tâm và biết cách cùng con định hướng nghề nghiệp sau này. Số còn lại, chỉ là lớn lên ai cũng đi học thì mình đi học, học hết lớp này thì lên lớp khác, hết phổ thông thì đến đại học, ai cũng như vậy thì mình cũng thế. Còn học đại học gì, có phù hợp với mình không, có tương lai nghề nghiệp chắc chắn không, thì hầu như chẳng mấy đứa trẻ tìm hiểu, tự hỏi được.
Gia đình chúng tôi cũng vậy. Hồi ấy đi học miễn phí, gia đình chỉ tốn tiền sách vở bút mực, còn áo quần mặc đi học cũng có gì mặc nấy, chưa (bị bắt) mặc đồng phục như sau này. Kinh tế thị trường chỉ mới vừa manh nha, hầu hết xã hội đều đang còn ở giai đoạn bao cấp. Nhìn qua, kinh tế nhà ai cũng sàn sàn như nhau, không mấy người vượt trội. Mà nếu vượt trội thì cũng chẳng dám để cho bên ngoài biết.
Thành thử vào trường, con nhà nghèo con nhà giàu gì cũng na ná như nhau. Đứa nào gia cảnh khá nhất cũng chỉ hơn bạn ở bộ quần áo may bằng vải đắt tiền hơn, hay cái đồng hồ điện tử đeo tay. Tôi nhớ năm lớp chín, có cô bạn cùng lớp cha mẹ làm kinh doanh, nhà rất khá. Hôm ấy cô ấy đi học mặc chiếc áo trắng vải rất đẹp, may cầu kỳ và chiếc quần xanh đen bằng nhung mịn, đi cả sandal. Con gái cả lớp mặc dù học giỏi hơn, có bạn xinh hơn cô ấy, nhưng đứa nào cũng thầm nhìn cô ấy thèm thuồng. Chúng tôi chỉ ăn mặc hết sức bình thường, sơ mi quần tây truyền thống, mang dép. Thời ấy nhà nào có sandal mang thường là có người nhà ở nước ngoài gởi về, thuộc loại khá lắm.
Năm cuối cấp, nhà trường cũng bày đặt tổ chức hướng nghiệp cho học sinh. Sáng chủ nhật, đáng lẽ tụi học trò được ngủ nướng thêm mấy tiếng cho đã cái tuổi đang lớn thì phải ôm tập tới trường học hướng nghiệp. Tui nói thiệt là “học” đó, vì bên trên thầy hướng nghiệp đứng ra nói thao thao bất tuyệt về nghề nghiệp gì gì đó, dưới này cả đám lớp 12 xếp lớp ngồi trong sân trường mạnh đứa nào thích làm gì thì làm.
Thành phố chúng tôi ven biển, kinh tế chính lúc đó là xuất khẩu hải sản. Mà thầy hướng nghiệp hôm thì giảng giải nghề nông, hôm giảng giải mạch điện… Thực sự chẳng phải hướng nghiệp, vì có đứa nào hiểu mô tê mình đang được nghe cái gì, được tìm hiểu và phân tích sở trường, thế mạnh của mình. Có khi chính thầy cũng chẳng hiểu rõ hướng nghiệp cho học sinh là làm những gì, mà chỉ nói theo đúng hướng dẫn của Sở, của Bộ…
Nhưng học trò cũng ngáo như thầy, nên vẫn cứ đội nắng ngồi dưới sân trường ghi ghi chép chép, để còn làm bài thi môn hướng nghiệp.
Tôi học hành khá dễ dàng, nếu những môn yêu thích hoặc quyết định dành thời gian cho nó thì điểm tối đa không phải khó cầu.
Một đời học sinh hồi ấy có ba lần thi tốt nghiệp chuyển cấp, một lần từ cấp một lên cấp hai, một lần từ cấp hai lên cấp ba và lần quan trọng nhất là lần thi tốt nghiệp cấp ba.
Năm tôi học hết tiểu học thì có quy định mới là không phải thi chuyển cấp, nên cả khóa chúng tôi đều không phải thi.
Năm thi chuyển cấp từ cấp hai lên cấp ba thì tôi được tuyển thẳng vào trường vì thành tích thi học sinh giỏi, nên trong khi các bạn dành mùa hè học và thi với không ít lo lắng thì tôi về quê nội chơi suốt mấy tháng hè.
Nên chỉ có lần thi tốt nghiệp cấp ba này là tôi phải trải qua.
Nhưng chung quanh, bạn bè mỗi đứa một tâm trạng.
Đám học giỏi nhất trường dĩ nhiên không coi kỳ thi tốt nghiệp là gì. Những đứa được cha mẹ hướng dẫn kỹ lưỡng nhất đã học xong toàn bộ chương trình các môn thi đại học mà chúng chọn vào năm lớp 11. Toàn bộ năm lớp 12 chỉ là đối phó trên trường, chúng tập trung luyện thi đại học, giải đề với các thầy cô luyện thi có tiếng nhất. Thi đậu đại học mới là cái đích lớn lao quyết định nhất, còn kỳ thi tốt nghiệp không phải là cái ải cao với chúng. Đến ngày thì đi thi thôi.
Nhưng đám học trung bình/trung bình yếu thì lo xoắn ruột.
Thời đó không có nhiều nghề nghiệp ở thị trường tự do. Học sinh ra trường đều phải chọn một trong hai cách: học trường nghề, gồm Cao đẳng hoặc Trung cấp, học khoảng ba năm, tốt nghiệp sớm, có nghề nghiệp, đi làm ở các cơ quan nhà nước cao thấp lớn nhỏ. Thứ hai là học Đại học, thi khó hơn, nghề nghiệp và tương lai cũng chẳng rõ có hơn gì đám học cao đẳng trung cấp ra không nhưng rõ ràng là oách hơn!
Những đứa học giỏi nhất tất nhiên chẳng đứa nào chọn cao đẳng trung cấp. Cứ phải đại học, bắt buộc phải đại học, tất nhiên là đại học, cứ như đại học là phổ thông cấp bốn vậy, học xong cấp ba thì tất nhiên là lên cấp bốn học tiếp thế thôi. Còn học gì, xong cấp bốn thì có cấp năm không, hay phải ra trường? Mà ra trường là làm gì thì cũng không mấy đứa hiểu rõ. Nói chung cứ học giỏi thì phải đại học, thế thôi, cứ như thiên kinh địa nghĩa vậy.
Nhìn lại hồi ấy, cả một xã hội ngố ngố ngây ngây như thế, cả một đám cha mẹ ngố, thầy cô giáo ngố, học sinh tất nhiên là ngố nhất.
Nhưng ngố mấy cũng hiểu sự thật là: muốn sống muốn chết, cứ phải tốt nghiệp phổ thông trung học đã. Có cái bằng tốt nghiệp thì mới có tư cách thi tiếp, đại học, cao đẳng, trung cấp, hay đi xin việc ở phường, đều phải vậy. À hồi đó hay có vụ học sinh tốt nghiệp cấp ba xong thì xin vào làm việc ở phường, đã được gọi là có văn hóa khá cao, được giao nhiều việc. Người nào chịu khó và cầu tiến, làm vài năm chắc chân thì xin đi học đại học hệ chuyên tu hay tại chức, thi rất dễ hoặc không cần thi, chỉ cần được cơ quan cử đi học, trong khi đi học vẫn có lương. Vài năm tốt nghiệp, xem như vinh quy bái tổ về chỗ làm cũ, nhất định lên chức.
Quay lại chuyện thi tốt nghiệp.
Vì nó là cửa ải sống chết nhất định phải qua, nên không khí mùa thi tốt nghiệp thực sự căng thẳng.
Trên lớp thầy cô đã dạy rút tiết để hoàn thành môn học sớm, để tranh thủ thời gian còn lại ôn tập cho học sinh.
Các nhóm học thêm tăng giờ học. Thầy cô đoán đề, cho học sinh tập giải đề các năm trước và các dạng bài tập thường được ra đề.
Học sinh mặt hốc hác bơ phờ, lo lắng hiện rõ trong mắt.
Cha mẹ dồn mua thức ăn tẩm bổ cho con, nấu chè cháo cho chúng ăn khuya lấy sức ngồi học. Hầu như đứa nào cũng được ăn chè đậu đỏ, còn chuối thì nhất định cắt trong khẩu phần từ lâu (Thành ngữ tiếng Việt có câu Trượt vỏ chuối-TG).
Cũng không đứa nào dám nhông nhông đi chơi bất chấp nắng mưa nữa, sợ bị cảm cúm, ho sốt đột ngột trong ngày thi.
Thường ngày khi làm bài thi học kỳ, đứa nọ còn chỉ điểm hay quăng giấy nháp, đọc đáp án cho đứa kia chép bài. Thi tốt nghiệp thì không đứa nào dám, dù vẫn có lòng với bạn (ahihi). Bị giám thị bắt cho bạn copy, hay đi copy bài bạn thì cả đôi bị 0 điểm, thậm chí bị đình chỉ thi. Tương lai như hũ mắm liền!
Rồi ngày thi tốt nghiệp cũng tới. Đứa nào ngày thường nhố nhăng bất cần đời bao nhiêu, hôm đó cũng bất giác vô cùng nghiêm túc.
Cha mẹ tôi không phải lo về chuyện học hành của con cái, bản thân tôi cũng không bị áp lực thi cử, thi thì cứ tự đạp xe đến trường thi như mọi ngày đi học. Nhưng chắc không ít cha mẹ hôm đấy đã xin nghỉ làm hoặc đến trễ để tự mình đưa con đến trường cho thật chắc bụng, tự tay kiểm tra đồ đoàn bút thước của con lần cuối trước khi nó bước qua cổng trường, và chắp tay cầu nguyện khi cánh cổng trường đã khép, sân trường vắng tanh, và tiếng trống báo giờ thi bắt đầu nổi lên thùng thùng.
Bàn thờ nhiều gia đình trong những ngày ấy khói hương nghi ngút hơn hẳn ngày thường.
Thời bao cấp, khi mọi chuyện đều dựa vào lý lịch, học giỏi chưa chắc được nhận vào đại học hay có chỗ làm tốt, thì người ta tin vào số mệnh, hồng phúc của tổ tiên nhiều lắm.
Học sinh vào thi, có đứa phát sốt, ho, đau bụng, nhức đầu. Áp lực của cả gia đình dòng họ và 12 năm học hành chất hết lên vai một đứa 18 tuổi.
Những ngày sau, áp lực vẫn chưa giảm cho đến khi có kết quả thi. Hầu hết đậu, nhưng không ít đứa rớt. Tập thể dục dưới sân, cả trường vừa vung tay đá chân vừa thầm thì, đưa mắt cho nhau thương cảm, tránh nói đến điểm và dự tính tương lai trước đứa bạn xui xẻo.
Những đứa đó sẽ phải chờ một năm. Năm sau thi tốt nghiệp lại với lớp đàn em, tư cách thí sinh tự do.
Những đứa khác tiếp tục ôn luyện dưới áp lực cực độ suốt một hai tháng nữa cho kỳ thi đại học, cao đẳng, trung cấp.
Trưởng thành nhìn lại, đó là quãng thời gian kinh khủng, căng thẳng như tên đã lên cung. Tưởng như tương lai sáng tươi hay tối tăm, làm ông này bà nọ vẻ vang rỡ ràng hay lủi thủi suốt đời làm cu li kiếm ăn từng bữa đều phụ thuộc vào hai ngày thi tốt nghiệp ấy.
Nhìn lại một lần nữa, mới thấy suy nghĩ đó ấu trĩ làm sao!
Có đứa bạn tôi, hôm làm lễ tốt nghiệp đại học xong, bưng ngay chồng giáo trình tiếng Nga ra bỏ vào chậu, mang ra cửa phòng ký túc xá ngồi đốt từng quyển một. Lửa bốc lên lem lém, nó vừa đốt vừa nguyền rủa cái môn ngoại ngữ khó nhằn mà chẳng dùng được. Thầy cô đi ngang qua nghĩ gì, nó chẳng cần biết. Tốt nghiệp rồi, chẳng bao giờ còn phải học hành nữa, tự do muôn năm!
Có biết đâu rằng sau này trên đường đời, sẽ có biết bao nhiêu lần chúng ta mơ ước được trở lại cái thời chỉ cần ăn no rồi đi học đó. Cứ tưởng tốt nghiệp là tự do, nhưng tất cả đều nhầm. Chúng ta chỉ lao vào cuộc học hành khác, khắc nghiệt đến nỗi mỗi kỳ thi hỏng đều phải trả bằng tiền bạc, sức khỏe, tuổi trẻ, nước mắt, tình thân, sự hồn nhiên, niềm tin… bằng từng thứ từng thứ một tạo nên cuộc đời của chúng ta. Có khi bằng máu!
Sau này, cuộc đời không có kỳ thi tốt nghiệp nào, nhưng mỗi giây mỗi phút chúng ta đều phải ráng sức mà học, nghiến răng mà học, học lỏm, học lén, năn nỉ người khác dạy mình chỉ một mẩu kiến thức, và ai làm điều đó một cách vô tư thì ta mang ơn họ suốt đời.
Những bạn học trên sân trường ngày đó của tôi, có đứa rớt tốt nghiệp, cũng không thi lại để lấy cái bằng cấp ba nữa. Nó về nhà, làm lụng cùng cha mẹ, rồi lấy chồng sớm là một anh làm nghề lao động chân tay nghèo. Nhà vợ nghèo, nhà chồng cũng nghèo, nhưng vợ chồng thuận hòa, cả nhà đều cần kiệm và siêng năng. Nó có con sớm, rồi ở nhà lo chăm con, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa cho cha mẹ và chồng đi làm.
Trong khi những đứa bạn khác đứa thì đi du học, ở nước ngoài nhiều năm đằng đẵng, đứa đi xa học đại học, tết với hè mới về nghỉ, gặp nhau vừa quen vừa lạ, nhưng đều còn thanh xuân phơi phới thì nó đã thành mẹ sề hai con. Lam lũ, già trước tuổi, cuộc sống chỉ loanh quanh với bếp núc và đám con nheo nhóc. Nó không muốn gặp những đứa bạn đi học đại học vì nhìn lại mình thấy tủi quá.
Nhưng chẳng ai ngờ, cái tài bếp núc của mẹ chồng dạy lại cho nó, sau này nhờ thêm vài ngọn gió đông đã khiến vợ chồng nó có lòng tin mở quán nhậu tại nhà. Khách ban đầu chỉ là người quen, sau do hai mẹ con nó nấu ăn ngon quá và thật thà dùng nguyên liệu tươi ngon, giá mềm, dần dần một đồn mười, trở thành quán ăn thuộc loại PHẢI ĐẾN của địa phương.
Cứ thế, quán thành nhà hàng. Nhà hàng mở thêm chi nhánh 1, 2, 3. Sau vài chục năm lam lũ quần quật, vợ chồng nó thành ông bà chủ, giàu ngất, mặt mày sáng trưng. Có lẽ rút kinh nghiệm từ đời cha mẹ, có mấy đứa con nó cho đi du học hết.
Thì không phải cứ đi du học là thành tài năng, nhưng dù sao đi một ngày đàng học một sàng khôn, bọn trẻ được ra thế giới đã là có vốn sống và tầm nhìn hơn hẳn.
Lại có đứa cũng xém rớt tốt nghiệp, cũng lấy chồng sớm, làm nghề buôn bán tự do, rồi ly dị trong khi bạn bè nhiều đứa còn chưa kịp có người yêu. Chồng sau hóa ra lại hợp với nó trong tính toán làm ăn quá đỗi. Quay đi quay lại, có hôm đọc báo bạn bè thấy tên nó trong danh sách Hội doanh nghiệp địa phương rồi. Vợ chồng nó mở công ty vận tải, ban đầu vài xe, sau một đoàn. Rồi bung ra đầu tư hết mảng nọ đến mảng kia.
Những đứa bạn học giỏi, đi du học hoặc đỗ đại học danh giá thì cuộc đời trơn tru hơn. Học, rồi học tiếp, ra trường làm đúng chuyên môn. Rồi đứa làm quản lý ở các doanh nghiệp lớn, đứa mở công ty riêng làm trong ngành. Hầu hết đều khá giả và hài lòng với công việc và vị trí.
Một số người theo đuổi chuyên môn sâu, giỏi nổi tiếng trong lĩnh vực. Cũng có đứa du học xong thì ở lại định cư, mở công ty, đi qua đi về làm ăn.
Có đứa học tèng tèng, không tốp đầu cũng chẳng tốp đuôi, tốt nghiệp không rớt nhưng đại học cũng không đậu, thi vào cao đẳng, ra làm đúng nghề mình học. Sau khi kinh tế thị trường nở rộ, nhanh nhạy mở xưởng, chăm chỉ và làm ăn có uy tín, dần dần thành một salon hạng nhất tại địa phương.
Lại có bạn rớt đại học nhưng cũng không học trường nghề mà theo mẹ buôn bán. Ban đầu mẹ cho mượn vốn mở một sạp hàng bên cạnh, dạy làm ăn. Rồi dần dần mình bạn mở ra ba sạp.
Trưởng thành nhìn lại, kỳ thi năm xưa mà chúng ta hồi hộp, sợ hãi, lo âu đến nỗi có người phát sốt phát rét, đau bụng, nôn ói khi vào phòng thi, còn cha mẹ phải thắp hương cầu nguyện cho chúng ta làm bài tốt, thi đậu… hóa ra chỉ là một nấc rất nhỏ trong đường đời.
Nhỏ đến nỗi gần như bản thân nó không có giá trị gì, chỉ là một tờ giấy cho biết bạn đã hoàn tất việc học hành 12 năm hệ phổ thông.
Bạn chưa, hoặc không có tấm giấy chứng nhận đó cũng không sao cả.
Ngày nay, môi trường học tập không còn đóng khung trong một ngôi trường nữa rồi. Việc học tập đã trở nên rất dễ dàng và ít tốn kém. Bạn có thể nằm trên giường hay ngồi bên bờ ruộng mà vẫn học một cách bài bản với đầy đủ giáo trình miễn phí của các cấp học, ngành học phổ thông, với những giảng viên chính thức và không chính thức đầy kinh nghiệm, hiểu biết và nhiệt tình ở khắp nơi trên thế giới mà hầu như chỉ tốn tiền internet. Bạn có thể thực hành với hướng dẫn một kèm một trực tiếp online. Chỉ cần có óc cầu tiến, bạn sẽ tiến thẳng vào cảnh giới cao nhất của việc học. Đó là tự đào tạo.
Kết hợp học và hành, nghiên cứu, áp dụng và phản biện, bạn sẽ thành chuyên gia. Bất kể bạn đã từng rớt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học chẳng hạn.
Einstein nói: “Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi”.
Nếu bạn tiếp tục học tập ở bất cứ ai, nơi nào, điều gì, học những kiến thức bạn chưa biết. Nếu bạn tìm ra, đào sâu, mài sắc những thế mạnh của mình. Nếu bạn vẫn không ngừng hỏi “tại sao”, “như thế nào” và thừa nhận “điều tôi biết quá ít ỏi”. Thì đó lại là kỳ thi đầy thử thách nhưng cũng vô vàn niềm vui lớn lao và sự thỏa mãn hạnh phúc về bản thân, sẽ kéo dài suốt cả đời bạn.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.