Nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, người đang thi hành án tù ở Trại giam Nam Hà (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), bị nhiều bệnh nguy hiểm nhưng trại giam từ chối đưa ông đi chữa bệnh ở bên ngoài.
Ông Thuận, thành viên chủ chốt của phong trào Chấn hưng Nước Việt, bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. Sau đó ông bị kết án với bản án tám năm tù giam và năm năm quản chế vì các hoạt động cổ suý dân chủ đa nguyên và nhân quyền. Hiện, theo phía gia đình ông Dũng cho biết, ông đang nhiễm nhiều bệnh do điều kiện sống hà khắc trong tù và bị đối xử vô nhân đạo của trại giam.
Bà Nguyễn Thị Nhiên, mẹ của ông Thuận, người vừa đi thăm con trai ở Trại giam Nam Hà hôm đầu tuần, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về sức khoẻ của ông hiện nay:
“Thuận bị nhiều bệnh quá mà toàn bệnh nguy hiểm. Hiện nay là hay sốt ho rồi đi lại khó khăn, đi thì toàn thở dốc, đi liêu xiêu đi không vững. Ngoài ra còn bệnh viêm xoang rồi bệnh đau đầu rồi bệnh xuất huyết dạ dày mà tôi rất là lo.
Hiện nay nguyện vọng của gia đình cũng rất là muốn là xin công an để cho anh ra ngoài chiếu chụp chữa bệnh tại vì là trong trại điều kiện nó không được như ở ngoài.”
Tuy nhiên, mong muốn được đưa ông Thuận ra ngoài chữa bệnh của gia đình đã bị trại giam từ chối, bà Nhiên nói tiếp:
“Họ bảo là gia đình trước mắt là phải có tiền. Anh (công an- PV) trực tiếp quản lý Thuận nói thẳng thế. Không bao giờ họ cho người nhà mình đi chữa bệnh (mà) chi phí họ chịu cả. Không bao giờ!
Họ chỉ bảo là anh ốm thì chúng tôi cho bác sĩ ở trạm xá khám bệnh thôi chứ còn gì họ không có trách nhiệm phải đưa người nhà mình ra ngoài chữa bệnh.”
Bà Nhiên, người từng bị tai biến và không có lương hưu, cho biết gia đình bà không có điều kiện để tự chi trả tiền chữa trị cho ông Thuận.
Phóng viên đã liên lạc với Trại giam Nam Hà để xác minh thông tin trên nhưng không kết nối được.
Trong khi đó, nội dung Điều 55 “Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân” của Luật thi hành án hình sự (2019) thể hiện, tù nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất.
Trường hợp tù nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị… Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho tù nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Ngoài ra, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP cũng có quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với tù nhân. Trong trường hợp tù nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì thủ trưởng cơ sở giam giữ tù nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị.
Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, thì theo chỉ định của thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, thủ trưởng cơ sở giam giữ tù nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo.
Gia đình ông Thuận cho biết trước khi bị bắt, sức khoẻ của ông Thuận hoàn toàn bình thường. Kể từ khi bị chuyển đến thi hành án ở Trại giam Nam Hà vào năm 2018, ông nhiều lần bị kỷ luật biệt giam do đã lên tiếng yêu cầu trại giam bảo đảm quyền lợi cho tù nhân và thực hiện đúng quy định về giam giữ tù nhân theo Luật thi hành án hình sự.
Cũng theo gia đình ông Thuận thuật lại với RFA, có lần ông Thuận bị biệt giam 14 tháng, từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2022.
Hiện gia đình rất lo lắng cho tính mạng của ông Thuận nhất là khi đã có nhiều tù nhân lương tâm chết trong trại giam trong vài năm gần đây, như thầy giáo Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Thu, nhà báo công dân Đỗ Công Đương… chỉ vì không được chữa trị y tế kịp thời.