Vương quốc Anh sắp tới sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, tạo điều kiện cho hàng hoá của Việt Nam xuất sang Anh được đối xử công bằng hơn. Đó là tin do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho báo trong nước biết.
Theo thông tin mới từ Bộ Thương mại, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.
Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
CPTPP tiền thân có 11 nước thành viên bao gồm Việt Nam. Đây là hiệp định được thành lập và ký kết sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CTPP) hồi năm 2017.
Vào ngày 16/7 vừa qua, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh, Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP, đưa Anh trở thành thành viên mới của khối thương mại gồm 12 nền kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều đối tác thương mại quan trọng.
Nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường dựa vào một số các yếu tố bao gồm: sự can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động; khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ sang các đồng tiền khác; mức độ tự do thỏa thuận tiền lương giữa người quản lý và người lao động ở quốc gia đó.
Việt Nam từ lâu nay đã cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhưng chưa thành công. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc hàng hoá Việt Nam bán vào thị trường Mỹ bị kiện bán phá giá.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với 37 doanh nghiệp gỗ dán cứng Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên về phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương Việt Nam công bố mới đây, Việt Nam bị các thành viên Tổ chức Thương Mại Quốc tế (WTO) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với 120 vụ trong giai đoạn từ đầu năm 1995 đến cuối năm ngoái; xếp thứ 15 trong các nền kinh tế bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất trên thế giới.