Lương cơ sở dành cho cán bộ viên chức vừa được điều chỉnh tăng thì vài ngày sau, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho tăng giá phí khám chữa bệnh cho tương xứng với mức lương mới.
Lương vừa tăng, phí cũng rục rịch tăng theo
Theo quyết định của Chính phủ, từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở đối với chín nhóm thuộc cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Báo chí nhà nước dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận hôm 11/7, cho biết theo ước tính, khi mức lương mới được áp dụng thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh sẽ là 5%. Còn nếu tính cả chi phí quản lý vào thì giá thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng bình quân 9%. Chi quỹ bảo hiểm y tế dự kiến tăng khoảng 2.700 tỉ đồng/năm.
Do đó, Bộ Y tế đề xuất chính phủ cho phép tăng viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian tới. Mức giá tăng thêm là bao nhiêu sẽ được Bộ này tính toán chi tiết và trình Chính phủ trong năm nay.
Ông Lê Đức Luân khẳng định những đối tượng được bảo hiểm y tế thanh toán 100%; chi phí khám bệnh, chữa bệnh sẽ không bị ảnh hưởng.
Bà Nhung, một bác sỹ sản khoa ở Hà Nội cho rằng chi phí khám chữa bệnh hiện nay đã là cao so với mức thu nhập của người lao động trung bình. Hơn nữa, những người có bảo hiểm y tế cũng chỉ được miễn giảm chi phí khám bệnh, chứ không mua được thuốc đặc trị:
“Cuộc sống của người dân rất khó khăn, giá khám của bệnh viện lại quá cao so với số đông. Có bảo hiểm y tế cũng chỉ được khám không thôi, thuốc hầu hết là bệnh nhân tự mua. Tôi nghĩ giá ở bệnh viện nếu không có bảo hiểm thì cao hơn nhiều so với phòng khám tư.”
Bà Thư, một viên chức ở Hà Nội, cũng vừa được tăng lương cơ sở hồi đầu tháng bảy, cho biết không phải ai cũng được tăng lương cơ bản. Nó chỉ dành cho cán bộ nhà nước. Nếu tăng viện phí nó sẽ là gánh nặng ghê gớm đối với những người lao động tự do – vốn là nhóm nghèo và yếu thế trong xã hội:
“Hiện nay, số người được hưởng lợi ích từ việc tăng lương cơ sở chỉ chiếm số ít trong tổng dân số Việt Nam. Trong khi đó, người cần sử dụng dịch vụ y tế là toàn dân. Như vậy thì những người xe ôm, công nhân, lao động tự do không được tăng lương phải chịu thêm gánh nặng y tế. Cho nên cách quản lý của nhà nước về mảng y tế của nhà nươc hiện nay là không hợp lý.”
Nhân viên y tế có được hưởng lợi?
Tuy nhiên, bà Thư cũng cho rằng việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng có mặt lợi. Hiện nay, chất lượng khám chữa bệnh ở các trạm y tế cơ sở là không cao, không có đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn làm việc ở đó. Vì vậy mới xảy ra tình trạng người bệnh ở khắp nơi đổ về các bệnh viện tuyến đầu ở các thành phố lớn, tạo nên tình trạng quá tải.
Trên lý thuyết, nếu tăng phí khám chữa bệnh thì nhân viên y tế có cơ hội được tăng lương nhiều hơn, đặc biệt là đối với các tuyến y tế cơ sở. Khi đó, y tế cơ sở sẽ thu hút nhân viên trình độ chuyên môn cao hơn, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương.
Bà Minh, một người dân ở TPHCM, cho biết bà hoàn toản ủng hộ việc tăng giá khám bệnh, nếu số tiền đó dùng để tăng lương cho các nhân viên y tế:
“Tôi thấy rằng ngân sách chi vào những việc vô bổ thì nhiều. Nếu như tăng giá khám chữa bệnh để ủng hộ cho đời sống của cán bộ công chức ngành y, bác sĩ thì tôi đồng ý. Bởi vì những người này xứng đáng được hưởng mức lương tốt hơn.”
Khẳng định với RFA rằng nhân viên y tế hoàn toàn không nhận lợi ích gì nhiều khi giá viện phí tăng:
“Cả người dân và y bác sỹ, chẳng ai có lợi khi tăng viện phí cả. Tiền đó lãnh đạo làm gì, đi đâu thì tôi không rõ.
Chúng tôi chẳng có được lợi ích gì cả. Lương chưa tăng thì giá đã tăng. Giá khám bệnh tăng mà lương cũng vẫn vậy. Mỗi ngày khám cho 250 người hay cho 100 người thì lương cũng chẳng khác là bao.”
Bỏ quên người yếu thế khi ra chính sách
Theo bà Thư quan sát, xưa nay, mỗi khi tăng thuế phí hay giá dịch vụ công thì quan chức hầu như không khảo sát ý kiến của người dân:
“Tôi thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí chính thống nhà nước, tôi chưa bao giờ thấy họ trưng cầu ý kiến người dân ở đâu cả.
Tôi nghĩ rằng những đề xuất này là hoàn toàn do chủ quan của quan chức đặt ra thôi. Tức là, họ không có một con số nào cụ thể, không dựa vào khảo sát khoa học mà chỉ đưa ra đề xuất dựa vào cảm tính và quan sát của họ mà thôi.”
Theo bà Thư, đa phần những người làm chính sách thuộc tầng lớp có điều kiện kinh tế và ở vùng thành thị. Vì vậy, các nhóm yếu tế thường bị “bỏ quên” trong các đề xuất về luật mới, quy định:
“Ít nhiều các đề xuất chỉ phù hợp với số đông những người ở thành thị. Còn như người dân nghèo, người lao động tự do, công nhân… thì theo quan sát của tôi từ xưa đến nay luôn là những đối tượng bị bỏ rơi trong các chính sách của nhà nước. Họ rất vất vả để đuổi theo mức giá của người dân ở thành thị.”
Đồng quan điểm, bà Minh nói:
“Tôi nghĩ một nhà nước được gọi là “Của dân, do dân và vì dân” phải đứng về phía những người yếu thế. Mỗi khi ra một quyết sách gì thì phải nghĩ tới những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nằm ở tầng lớp đáy của xã hội trong xã hội. Nhưng tôi thấy, những tiếng kêu than của nhóm người nghèo khổ hiện nay không được lắng nghe.”
Cùng với quy định tăng lương cơ bản cho cán bộ viên chức được áp dụng, một loạt các bộ ngành khác đã đề xuất tăng phí dịch vụ. Ví dụ, hồi tháng 5, Bộ Giáo dục đào tạo đã họp bàn với chính phủ về lộ trình tăng học phí năm học 2023 – 2024. Hôm 23/7, giá xăng RON 95 cũng vừa tăng thêm khoảng 1300 đồng/lít, và được dự báo là đà tăng sẽ còn kéo dài.