Mẫu số chung của đa số các vụ án oan sai tại Việt Nam là bị can chịu tra tấn trong quá trình điều tra. Kinh nghiệm của một số luật sư trong các vụ án mà theo họ là oan sai và giải pháp đề xuất của họ nhằm giảm thiểu án oan là gì?
Chịu oan sai 38 năm chưa được bồi thường
Trong một loạt các vụ án bị cho oan sai xảy ra chừng 20 năm trở lại đây mà được báo chí, mạng xã hội đưa tin, có những vụ án oan đã được làm sáng tỏ, bị can được trả tự do và nhận tiền bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… Trong khi đó còn những vụ mà các chuyên gia luật xác định là oan vẫn chưa được làm sáng tỏ như vụ Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải.
Còn có các vụ án mà nạn nhân đã được xác định là oan, được trả tự do, nhưng suốt mấy chục năm vẫn không nhận được bồi thường thiệt hai và danh dự, như vụ của ông Trịnh Dân Cường ở TPHCM.
Ông Trịnh Dân Cường, 67 tuổi, ngụ tại Quận 6 (TPHCM), đã ròng rã đòi bồi thường oan sai suốt 38 năm qua, nhưng kết quả nhận lại là một con số không tròn trĩnh, không một lời xin lỗi, cũng không có một đồng bồi thường.
Theo Dân Trí, ông Cường bị Công an Quận 6 bắt giam vào 2/1985, cùng với hai người khác vì bị tình nghi là trộm vàng. Trong suốt quá trình điều tra, cả ba người đều kêu oan.
Đến tháng 4/1985, một trong ba người thắt cổ tự tử trong trại tạm gia vì bị bức cung.
Đến tháng 8/1986, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Quận 6 kết luận không có chứng cứ buộc tội nên ra đề nghị trả tự do cho cả hai người. Tuy nhiên, ông Cường vẫn tiếp tục bị bắt lên Trại giam Tống Lê Chân (Bình Dương) cải tạo tập trung. Đến tháng 12/1986 mới được cho về.
Sau khi được trả tự do, ông Cường gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến cơ quan chức năng yêu cầu được xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng chỉ nhận được các phiếu xác nhận đã nhận đơn và chuyển đơn.
Ông Cường cũng đã làm đơn khởi kiện VKSND quận 6 ra Toà án Nhân dân Quận 6. Ngày 2/8 vừa qua, TAND Quận 6 đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường oan sai giữa ông Trịnh Dân Cường và bị đơn là VKSND Quận 6. Lý do mà tòa đưa ra là những tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Ông Cường cho biết ông mất tất cả sau lần bị bắt oan gần 40 năm trước. Vợ con bỏ đi, sức khoẻ ông cũng suy yếu trầm trong sau những ngày tháng bị bức cung, nhục hình trong trại giam. “Hàng ngày tôi lân la ở các ngã tư, công viên để xin ăn. Sau này, tôi xin quy y tại một ngôi chùa để được ăn cơm từ thiện” – Ông Cường nói với báo Dân Trí.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng Luật Law Firm tại Hà Nội, đánh giá rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc bồi thường án oan nằm ở cơ chế và các quy định ngặt nghèo trong việc xác định mức bồi thường:
“Tôi biết rằng không phải là người ta không muốn bồi thường, bởi vì tiền là của Nhà nước mà. Tuy nhiên, các cơ chế và các quy định rất là ngặt nghèo và rất khó cho người thực hiện, cho nên họ sợ. Thà rằng họ làm chậm, bị chửi thêm một tí chứ nếu họ làm sai thì chính bản thân họ lại bị xử lý trách nhiệm về việc làm thất thoát nhà nước.”
Nguyên nhân dẫn tới án oan
Luật sư Ngô Anh Tuấn chỉ ra hai nguyên nhân chính mà ông cho là có thể dẫn đến án oan. Thứ nhất là chính những lời nhận tội của bị cáo. Luật sư này hiểu rằng có thể trong quá trình điều tra, bị cáo đã không chịu đựng nổi bức cung nhục hình nên mới nhận tội. Tuy nhiên, chính điều đó cũng gây bất lợi rất lớn cho bị cáo và là một yếu tố quan trong dẫn đến án oan.
“Thứ hai là đến từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng. Có nghĩa là áp lực về thành tích, về tiến độ điều tra khiến cho họ cố gắng suy diễn theo hướng mà họ cho là đúng, khiến cho bị can bị cáo không có cơ hội để chứng minh và không tìm thấy được sự thật khách quan.”
Theo luật sư Lê Văn Hoà, từng làm tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung Ương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án đã được báo chí đưa tin, gây rúng động dư luận trong những năm qua, là do yếu tố con người.
Luật sư Hoà điểm lại một loạt các vụ án oan nổi cộm như Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, rồi đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải… Tất cả đều diễn ra trong vòng từ 15 đến 20 năm nay.
“Nguyên nhân dẫn đến án oan nhiều nhất tôi cho rằng đều nằm ở con người mà ra hết. Phải xác định thời điểm đó, những ai đã đứng đầu các cơ quan tố tụng thì sẽ ra ngay thôi.
Tất cả là do con người không quan tâm, không sâu sát chỉ đạo cho nên đã để xảy ra tình trạng một số cán bộ điều tra, sốt sắng để phá án lập thành tích; hoặc cũng có vụ là do trình độ năng lực cán bộ điều tra yếu kém, cũng không loại trừ những vụ án do từ sự chỉ đạo của một ai đó, mà ở Việt Nam gọi là án bỏ túi.”
Làm sao giảm thiểu án oan?
Tất cả các vụ án oan điển hình mà RFA đã nêu ở phần trên đều có một điểm chung là các bị cáo đều nhận tội vì không chịu nổi bức cung, nhục hình.
Để hạn chế xảy ra thêm nhiều vụ án oan khác, luật sư Lê Văn Hoà nêu một số giải pháp sau:
“Tôi cho rằng cái việc đầu tiên là các cơ quan tiến hành tố tụng, mà cụ thể là cơ quan công an, thứ hai là viện kiểm sát và thứ ba là tòa án phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, cũng như các văn bản khác.”
Ngoài ra, luật sư phải được tham gia ngay từ đầu trong qua trình tố tụng để hạn chế những việc làm không đúng của cán bộ điều tra. Trong quá trình lấy cung bị can, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, khung hình phạt cao, thì buộc phải ghi âm, ghi hình lại.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng đồng quan điểm với ý kiến của luật sư Hoà, đồng thời bổ sung một phương pháp nhằm tránh oan sai:
“Các cơ quan tố tụng phải ý thức và đảm bảo được nguyên tắc suy đoán vô tội ngay từ đầu, chứ không phải vì các áp lực phía trên đưa xuống mà phủ nhận cái nguyên tắc đó.”
Quy định về việc phải có luật sư tham gia trong quá trình điều tra hoặc phải ghi âm, ghi hình quá trình lấy cung bị can đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tế diễn ra thế nào thì lại rất khó để kiểm tra bởi không có một thông tin hay báo cáo nào về vấn đề này được công bố. Luật sư Hoà cho biết:
“Nhưng mà căn cứ vào các thông tin trên các báo chí, mạng xã hội thì tôi cho rằng tuy cũng có những cải thiện đáng kể trong việc điều tra ở cơ quan điều tra địa phương, thế nhưng mà tôi nghĩ rằng điều này cũng chưa được quán triệt một cách cụ thể đâu.
Tôi đã được tham gia một số vụ án, chứng kiến những lời khai của cơ quan điều tra, ví dụ như một vụ án rất lớn là vụ Đồng Tâm vào năm 2020, thì các buổi lấy lời khai người ta đâu có ghi âm ghi hình.”