Tour du lịch thí điểm thăm Thác Bản Giốc- Đức Thiên tại biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc sẽ được bắt đầu từ ngày 15/9 tới đây và kéo dài trong một năm. Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 28/8.
Quy định tham gia các tour thí điểm Bản Giốc- Đức Thiên là du khách từ cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc cần phải đăng ký trước theo nhóm lên đến 20 người. Họ phải có hộ chiếu hoặc giấy phép xuất/nhập mới được vào khu thắng cảnh của thác.
Thời gian thăm cho các nhóm đến thác của phía nước bên kia là không quá năm tiếng đồng hồ. Việc nghỉ qua đêm tại khu vực thác bị cấm.
Du khách Việt sang thăm thác phía Trung Quốc không phải mua vé vào thăm; tuy nhiên họ phải mua bảo hiểm.
Du khách Trung Quốc vào thăm thác phía Việt Nam phải mua vé với giá 2,9 USD cho mỗi lần, gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào ngày 13/7 trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhân Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 ở Jakarta, Indonesia, đưa ra đề nghị phía Trung Quốc “sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (phía Việt Nam)- Đức Thiên (phía Trung Quốc) vào vận hành thí điểm”.
Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn với hai phần thác chính và phụ. Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong những điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi Hà Nội và Bắc Kinh hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào năm 2008.
Thỏa thuận giữa hai phía quy định phần thác phụ thuộc chủ quyền Việt Nam; còn phần thác chính cả hai phía cùng khai thác. Phần thác chính được phân chia bằng cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19, sau khi Chính phủ Pháp lúc bấy giờ và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới Việt Nam- Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu gốc Việt Trương Nhân Tuấn ở Pháp vào đầu năm 2008 trong một trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do khẳng định rằng Việt Nam bị mất phân nửa thác Bản Giốc mà trước đây nằm sâu trong lãnh thổ nước này ít nhất hai kilomét.