Một số đại biểu quốc hội cho rằng nên bỏ xác định giá đất theo thị trường trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điều này, theo một chuyên gia tài nguyên môi trường, sẽ tác động xấu đến tính công bằng xã hội.
Trái Nghị quyết của Trung ương
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Thường trực uỷ ban kinh tế cho biết sẽ bỏ xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường vì cho rằng khó khả thi.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007 – giáo sư Đặng Hùng Võ – không đồng tình với quan điểm này. Ông nói, việc bỏ định giá đất theo thị trường là trái với Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương. Nghị quyết này chính là cơ sở để sửa đổi Luật Đất đai sắp tới:
“Thứ nhất, nó không đúng với nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương. Nghị quyết này đã đặt ra một chính sách rất quan trọng là giá đất do nhà nước quy định phải phù hợp với giá trên thị trường.”
Ông Hùng Võ khẳng định việc luật hóa cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số tiêu chuẩn kỹ thuật về định giá đất. Do đó, ông cho rằng không thể vì thấy khó hay chưa rõ ràng mà bỏ nguyên tắc xác định giá đất theo thị trường được:
“Nếu chưa luật hóa được thì phải cương quyết luật hóa bằng được chứ không thể vì không hiểu rõ mà bỏ đi.
Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước, học tập thông lệ quốc tế để xác định giá trị thị trường, chứ không thể giải thích rằng là vì chưa rõ nên không làm.”
Tại cuộc họp Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hồi cuối năm 2022, Chính phủ đã đưa ra đề xuất bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá theo biến động thị trường.
Điều này là phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết 18 Trung ương đưa ra. Trong đó, một số nội dung được cho là quan trọng trong việc định hướng sửa đổi Luật Đất đai bao gồm: Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Thu thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; Thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế.
Mất công bằng xã hội
Thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện nay tồn tại hai cơ chế giá đất. Một giá đất theo khung nhà nước và một là giá đất thị trường.
Giá đất theo khung do nhà nước ban hành được sử dụng để làm cơ sở đóng thuế sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng,… Đặc biệt, nhà nước và doanh nghiệp cũng áp dụng khung giá đất này để tính số tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân bị thu hồi đất làm dự án.
Còn giá thị trường do các thành phần trong nền kinh tế thị trường tự thỏa thuận.
Theo ông Đặng Hùng Võ, trên thực tế, bảng giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 40% giá thị trường và đa số những trường hợp nhà nước quyết định giá đất đều thấp hơn giá thị trường ở mức đáng kể.
Sự chênh lệnh quá cao giữa hai cơ chế giá này tạo ra nhiều bất cập, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất sẽ chịu thiệt thòi khi nhận đền bù theo mức giá thấp do nhà nước quy định. Điều này tạo ra tình trạng dân oan khiếu kiện đất đai trên khắp cả nước, kéo dài hàng chục năm vẫn chưa giải quyết được.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, sự chênh lệch này còn tạo ra kẽ hở để tham nhũng, ảnh hưởng đến tính công bằng xã hội:
“Nếu không xác định giá đất theo thị trường thì sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Thứ nhất là việc bồi thường cho những người bị thu hồi đất mà giá trị bồi thường không được phù hợp với giá trị thị trường lúc ban hành quyết định thu hồi thì chắc chắn là người dân thiệt thòi.
Thứ hai, khi bảng giá của nhà nước thấp hơn thị trường thì đương nhiên là sẽ xuất hiện kẻ hở để tạo thành những tham nhũng về đất đai. Khi mà nhà nước giao đất cho thuê đất trực tiếp với bảng giá của nhà nước thì chắc chắn là một biểu hiện của nguy cơ tham nhũng, và đó là tác động tới các vấn đề công bằng xã hội.”
Không thi hành đúng luật
Theo Hiến pháp, Luật Đất đai phải được sửa đổi theo chu kỳ 10 năm một lần. Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật Đất đại 2003 và 2013 đã định hướng việc xác định giá đất phải theo thị trường. Tuy nhiên, thực tế thi hành thì lại khác:
“Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013 cũng đã khẳng định là giá trị bồi thường phải phù hợp với giá trị thị trường, nhưng trên thực tế thì vẫn tính theo bảng giá của nhà nước mà không tính theo giá thị trường; thế thì người dân khiếu nại, kêu oan.”
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, hiện có đến 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân khiếu nai đất đai ở Thủ Thiêm nói rằng nhà nước có thể ban hành luật nhưng không thể thực thi các điều luật đó:
“Luật đặt ra là để chưng cho đẹp mặt của bộ phận chính quyền mà thôi, thực chất họ không áp dụng luật.
Ví dụ như ở Thủ Thiêm, người ta không đền bù theo luật đất đai năm 2003, người ta cứ căn cứ vào cái luật cũ rích ở đâu mà làm. Họ viện hết lý do này đến lý do khác để né luật và lách luật.”
Dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, giáo sư Hùng Võ cho rằng nếu hiện nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong việc luật hoá theo Nghị quyết 18 thì nên hoãn lại:
“Luật Đất đai hiện nay có một yêu cầu là để phát triển kinh tế, nhưng phát triển dưới góc độ nào; vì lợi ích của ai; của toàn dân, của nhà nước hay của các doanh nghiệp đại gia bất động sản hay là của toàn bộ nền kinh tế?
Tôi cho rằng nếu giải quyết được vấn đề tối thiểu là phải luật hóa hoàn toàn được nghị quyết 18 thì mới có cơ hội để có được Luật Đất đai hoàn toàn nghiêm túc, phù hợp với nền kinh tế thị trường; chứ còn nếu chưa đảm bảo được điều đó thì hoàn toàn chưa nên gấp rút thông qua điều luật này.”