Mới đây, tại phiên họp định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM một lần nữa nhắc lại, phải xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp.
Bí thư Nguyễn Văn Nên từng phát biểu rằng: “Chúng tôi xử lý rất nhiều. Cán bộ yếu, thấy không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. TP.HCM làm nghiêm, làm mạnh, chỉ là không ồn ào thôi. Nhưng bây giờ cũng thấy khó khăn, cũng đuối”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam nói với RFA về việc này:
“Tham nhũng bao gồm tham nhũng lớn và tham nhũng vặt là một dạng đặc biệt của việc vi phạm pháp luật của Việt Nam. Là tội phạm. Cho nên phải kiên trì để phòng chống lâu dài. Nhiều năm qua Việt Nam đã cố gắng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Làm sao để kiểm soát được cán bộ công chức cũng như trong cả hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đến nay nhà nước chưa thể chế hóa được đầy đủ và hoàn thiện chế định để làm sao kiểm soát được quyền lực theo quy định của hiến pháp năm 2013. Và trong công tác phòng chống tham nhũng, phải thực sự mà nói là hiện nay, việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những tham nhũng vặt là loại hình tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp.
Tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều phát sinh từ trong cơ chế, chính sách, trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cho nên để chống được vấn đề này thì phải xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền phức. Phải công khai minh bạch về tổ chức hoạt động của các cơ quan công quyền. Phải kiểm soát, kiểm tra để phòng ngừa. Phải rà soát những nội dung còn bất cập. Muốn làm được những điều đó thì lãnh đạo của thành phố phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Như thế phải cải cách thủ tục hành chính hiện nay.”
Chuyện cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp không phải chuyện mới xảy ra. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lúc đó là ông Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng cán bộ, công viên chức của nhiều ngành, ở nhiều cấp lợi dụng chức vụ, kẽ hở về chính sách và pháp luật, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiên hà, giải quyết không đúng quy định… dẫn đến hậu quả cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.
Không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, việc sách nhiễu, gây phiên hà cho dân còn dẫn đến tình trạng “tham nhũng vặt”.
Với tư cách một người dân TP.HCM, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của mình với RFA:
“Vấn đề cán bộ các cấp, các ban ngành nhũng nhiễu dân không phải là một hiện tượng mới ở Việt Nam. Nó đã xảy ra từ lâu và nó có nguyên nhân của nó. Tức là trong suy nghĩ của những nhân viên công quyền, họ cho mình họ là cán bộ của đảng và nhà nước, họ có quyền lực tuyệt đối. Do đó họ có quyền hạch họe dân, gây khó khăn cản trở để kiếm thêm thu nhập so với đồng lương ba cọc ba đồng được hưởng từ ngân sách của nhà nước.
Nó gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ, với thể chế. Nhưng khi người dân mở miệng thì bị quy chụp là phản động. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, dân chủ là người dân phải được mở miệng để nói tất cả những gì mà nhà nước làm chưa tốt, nhà nước chưa làm được. Và ngược lại, nhà nước phải có những biện pháp với những cán bộ mình quản lý.
Chính vì đồng lương quá thấp không đủ cho cuộc sống của cá nhân và gia đình đã dẫn đến hành động nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, pháp luật của Việt Nam thì rất nhiều nhưng nó là một đám tù mù được vận dụng một cách khác nhau bởi nhận thức của người thừa hành. Như lời Luật sư Ngô Bá Thành từng nói là ‘VN có một rừng luật nhưng xài luật rừng’. Còn vấn đề chế tài cán bộ ăn hối lộ, tham nhũng thì trong thời gian vừa qua chúng ta nhìn thấy qua vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, nó không đủ sức răn đe.”
Không chỉ ở TP.HCM, hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo dư luận trao đổi trên mạng xã hội, để công việc được nhanh chóng thì cả người dân lẫn doanh nghiệp đều phải ‘bôi trơn’ cho cán bộ công quyền, cho cơ quan chức năng. Và thực trạng được hầu hết mọi người thừa nhận ở Việt Nam là cán bộ không sống bằng lương mà sống bằng ‘bổng lộc’.
Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, thu nhập ngoài lương của cán bộ có thể cao hơn rất nhiều lần lương thực tế nhưng không thể kiểm soát được, nhất là những người quyền lực có tầm ảnh hưởng rộng. Ông nói thêm về việc xử lý cán bộ nhũng nhiễu:
“Suy cho cùng, không thể khắc phục được tình trạng này bởi vì cả cái bộ máy này không phải là bộ máy của dân, do dân, vì dân. Gọi là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra nhưng người dân không có quyền kiểm tra; không có quyền giám sát và những vị trí quan trọng nhất thì người dân không trực tiếp bầu lên.”
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 xác định nội dung cốt lõi chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.