Bây giờ chỉ cần ngồi trên xe hay trên tàu đi từ Bắc vào Nam, ai cũng có thể tận mắt trông thấy rừng trên các dãy núi gần đã hoàn toàn biến mất. Trước kia xanh biếc một màu thì giờ chỉ còn trơ đá tảng xám ngắt, lơ thơ cây bụi. Những dãy núi đất mới nhìn có vẻ xanh rì nhưng khi đến gần cũng chỉ toàn cây bụi. Những vùng rừng cực kỳ rậm rạp trước chiến tranh như ở Quảng Bình, giờ chỉ còn một khoảnh nhỏ ngay sát biên giới Lào là có vẻ còn giữ được dáng rừng già.
Rừng tự nhiên Việt Nam đã bị tàn phá khủng khiếp. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại cả nước và từng vùng diễn ra mãnh liệt. Nguyên nhân sâu xa cũng chính là nó.
Năm 2020, trong kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 1990 Việt Nam chỉ có chín triệu ha rừng, hệ số che phủ chỉ đạt 27%. Đến nay hệ số che phủ rừng đã tăng lên 42% với 14,6 triệu ha rừng.
Ông Cường so sánh tỷ lệ này cao hơn hẳn so với thế giới: bình quân chỉ đạt 29%.
Nhưng các chuyên gia về rừng không bị gây ấn tượng như ông Cường. Họ nói chất lượng rừng mới là đáng bàn.
“Rừng” cao su, keo lai… không thể tính là rừng
Trong tổng số hơn 14 triệu ha “rừng” hiện nay của Việt Nam, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.
“Rừng” sản xuất chủ yếu trồng thuần cây, như cao su, tràm, keo lai…v.v để lấy nguyên liệu sản xuất.
Vẫn số liệu này cho biết 10 năm qua, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng có 215 nghìn ha là rừng sản xuất. Gọi đúng tên, đây chỉ là diện tích cây công nghiệp dài ngày nhưng đã được nhiều địa phương tính vào độ che phủ rừng.
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về con số ấn tượng của ông Cường.
“Cây công nghiệp dài ngày đúng là có độ che phủ, nhưng không bền vững, đặc biệt không có tính đa dạng sinh học và không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng”-họ nói.
Mạng báo điện tử Tài nguyên và môi trường, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường từng trích dẫn nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu về nước để giải thích tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng của người dân vùng cao.
Trích: “Theo Phó Giáo sư. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy rừng đầu nguồn có vai trò lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, cân bằng về mặt sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai, lũ lụt. Ở các khu vực rừng rậm có thảm mục và lớp mùn khá dầy, khả năng lưu giữ lượng nước mưa rất lớn. Tại đây, lượng nước mưa rơi xuống chảy ra khỏi rừng chỉ từ 3% đến 34%. Rừng trở thành hồ chứa tự nhiên, có tác dụng trữ nước vào mùa mưa và là nguồn cung cấp nước cho sông suối vào mùa khô. Nếu rừng bị suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho người dân tại chỗ và người dân vùng hạ lưu, chưa nói đến rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Chẳng hạn như ở Tây Nguyên hay tại Quảng Nam, nơi nào phá rừng nhiều thì nguồn nước bất ổn, nơi nào rừng được bảo vệ thì nước có quanh năm”.
Còn Giáo sư.Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng từng cảnh báo từ năm 2016: “Tôi đã nhiều lần nói Việt Nam đang bơi ngược dòng so với thế giới. Thế giới họ ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta cố phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Vấn đề phải thấy rõ là rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng vì tác dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ không khí không nóng lên, làm cho nước được bảo tồn, chuyển nước mưa thành nước ngầm. Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ một ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 – 10 ha rừng trồng. Ở Việt Nam dù độ che phủ rừng đã tăng lên nhưng chúng ta còn rất ít rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng, chất lượng rừng rất thấp, các loài gỗ quý không còn, thể tích gỗ bé.
Thủ tướng (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-TG) nói rất đúng: Nếu mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì Tây Nguyên mất dần. Tây Nguyên không có nước thì đất bazan cũng bằng không. Mất rừng thì mất môi trường sinh thái. Sự trả giá cũng thấy rất rõ rồi. Ông trời đã dạy cho bài học về lũ khi mất rừng. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu, người chết, thủy điện vỡ, đồng lúa bị ngập” (báo Tuổi Trẻ, ngày 26/6/2016).
Chính quyền Bình Thuận: Dân Mỹ Thạnh khô khát là do điều kiện tự nhiên
Quay trở lại tranh luận về việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pet tại vùng rừng xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Chiến đấu với dư luận khắp nơi đang lên án việc định phá hơn 600 ha rừng nguyên sinh để làm hồ chứa nước, báo Bình Thuận đăng liên tục nhiều bài nói về nhu cầu xây hồ thủy lợi của người dân bản địa.
Bài báo ngày 04/9/2023: “Bao năm qua, khát, khô là điều hiển nhiên của người dân Hàm Cần, Mỹ Thạnh… Do vậy, khi Quốc hội thông qua việc xây dựng hồ Ka Pet để mang nước về cũng là mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, đã khơi dậy niềm khát khao cháy bỏng và tiếp thêm động lực sống trong họ”-tờ báo viết.
Xin mời cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Bình Thuận đọc kỹ phát biểu của Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn và Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung ngay bên trên.
Dân Mỹ Thạnh nhiều năm khát khô, đúng thế. Nhưng ai là thủ phạm tạo ra cơn khô khát đó?
Xin các quý lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hiện tại đừng né tránh hiện trạng “phá rừng cơ bản đã xong” của tỉnh mình suốt hàng chục năm qua, và liên hệ nó với hậu quả hạn hán về mùa khô và lũ dữ về mùa mưa như hiện nay.
Kính thưa các vị, rừng Bình Thuận ngày trước không khô khát đến thế. Suối chảy dọc ngang khắp vùng, và khi rừng già vẫn còn phủ rậm thì ngay trong mùa khô, suối vẫn có nước.
Cũng xin nói thêm với cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Bình Thuận rằng, trong nỗi niềm thương dân bùng cháy, các vị mau quên quá.
Chỉ mới ngày 18/3/2016, chính báo Bình Thuận hồ hởi loan tin “Hàm Thuận Nam: Mỹ Thạnh không lo thiếu nước”.
Dòng đề từ đầy tự hào: “Nhiều vùng trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng núi, vùng cao đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng điều này không xảy ra ở Mỹ Thạnh”.
Trích: “Trước đây, cứ đến đầu mùa khô thì núi rừng quanh Mỹ Thạnh đều khô khốc và kèm theo đó là tình trạng người dân thiếu nước dùng trong nhiều ngày, lắm khi kéo dài cả tháng (…) Thế nhưng từ năm 2010, huyện Hàm Thuận Nam quyết tâm giúp người dân vùng sâu Mỹ Thạnh thoát khỏi nỗi lo về nước sạch, nước sinh hoạt trong mùa khô. Trạm nước sạch được xây dựng sau đó có chiều dài đường ống 6.320 m, lấy nước của 7 giếng ngầm, đưa về cung cấp nước cho dân với công suất 150 m3/ngày (…) Nước máy về tận nhà, bà con mừng húm (…)”
Tổng cộng có 9 giếng ngầm khai thác quanh năm, trong đó có 2 giếng dự phòng, đã được thử thách cấp đủ nước qua mùa khô 2015.
Từ năm 2010 người dân Mỹ Thạnh đã không lo thiếu nước sinh hoạt, thế thì lấy đâu cảnh đào hố gạn từng lon nước như báo Bình Thuận đã kể khổ?
Thôi cứ cho công trình cấp nước cho Mỹ Thạnh vào năm 2016 đã lạc hậu đi, thì đây, vẫn bài trên báo Bình Thuận ngày 10/10/2022:
“Từ tờ mờ sáng anh Hồ Văn Thủy ở thôn 2, xã Mỹ Thạnh đã lùa đàn bò lên rừng chăn thả đến tối mịt mới về. Từ 2 con bò mua ban đầu nay phát triển đàn lên đến 10 con. Cứ 1 năm đàn bò sinh sản, xuất bán cho thu về lãi kha khá. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu ổn định từ 1,5 ha đất trồng điều, cây mì, bắp lai. “Đất đai trên này màu mỡ nên cây trồng tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi (…)- anh Thủy nói.”
Chà, đọc lại câu cuối của anh Thủy nhé. Tự mâu thuẫn thế này thì gọi là gì Bình Thuận ơi?
Vậy còn khó khăn chung của bà con xã Mỹ Thạnh?
Tiếp tục trích bài báo nói trên:
“Theo đánh giá của UBND xã Mỹ Thạnh, khó khăn của xã do đa số bà con nơi đây đều làm nông nghiệp thu nhập thấp, hàng năm thương lái thu mua các loại nông sản giá cả bấp bênh. Trong khi đó, đa số đồng bào nơi đây trình độ thấp nên kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian. Các loại cây trồng chủ yếu là bắp lai, cây mì, cây thanh long, điều, lúa và chăn nuôi bò, trâu… năng suất, hiệu quả mang lại chưa cao. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hiện xã vẫn chưa có hệ thống tưới tiêu mà chủ yếu lấy từ nước mưa, mỗi năm vụ mùa kết thúc bà con thường không có việc làm phải đi làm thuê”.
Vậy vấn đề đã rõ.
Bà con Mỹ Thạnh nghèo thật, nhưng không phải một mực do thiếu nước. Vẫn có những người khá lên như anh Thủy do biết siêng năm chăm chỉ và biết dắt bò đi ăn hàng ngày.
Ai từng lăn lộn với bà con miền núi đều hiểu bà con được Nhà nước và các tổ chức dân sự hỗ trợ rất nhiều. Nhưng phần đông bà con không hiểu biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Nhà nước cho trâu bò thì cột nó vào sợi dây ngắn ngay trong vườn nhà. Con trâu, con bò chỉ có thể bước vài bước loanh quanh gặm cỏ ngay gần chân. Bà con không biết dắt trâu bò đi ăn, không biết cắt cỏ hay ủ rơm cho bò ăn thêm, cũng không biết làm chuồng, ủ ấm cho trâu bò khi trời lạnh. Trâu bò đói, lạnh, ốm… chết thì chết, sang năm lại được cho tiếp.
Cho nên bà con được cho bao nhiêu lại gần như sạch trơn bấy nhiêu, không thể khá lên được, cứ nghèo khó hoài hoài. Thiếu nước vài tháng trong mùa khô không phải là lý do duy nhất dẫn đến cái nghèo nơi này.
Cuối cùng của bài này, tặng thêm các đồng chí Bình Thuận quý mến kết luận được nêu trong Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Bình Thuận năm 2020, do chính Sở Tài nguyên và môi trường của tỉnh chủ trì, Phân viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tư vấn.
Báo cáo viết: “Vai trò của thảm bụi là cùng với đất làm tăng khả năng điều tiết dòng chảy của sông ngòi. Hạn chế dòng chảy lũ, biến dòng chảy lũ thành dòng chảy ngầm bổ sung cho sông ngòi, nuôi dưỡng sông ngòi vào mùa khô. Những năm trước đây, tài nguyên đất đai nhiều nơi chưa được khai thác, phần lớn là rừng tự nhiên, một mặt do dân cư sống còn thưa thớt cộng với nền kinh tế chưa phát triển nên thảm phủ nhìn chung còn khá, nhiều sông suối nhỏ về mùa khô vẫn còn nước. Trong những năm gần đây do nền kinh tế phát triển, cư dân nhiều nơi đã tụ tập về đây lập nghiệp, đất đai được khai phá để phát triển và sản xuất. Nhiều vùng đồi gò nơi mà trước đây là những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, nay đã được khai phá và thay thế vào đó là những cây lâu năm như keo lá tràm, cây điều và các loại cây ăn trái khác. Chính điều này đã làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp lại còn lại rất ít, lớp che phủ trên bề mặt lưu vực giảm đi đáng kể. Những thay đổi trên đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng trữ nước và cấp nước cho nước dưới đất trên đồi cát bị giảm đi đáng kể, nhất là về mùa khô”.
Quý Sở làm nghiên cứu tốt thật.
Đề nghị khen thưởng và nhớ đừng đổ riệt tình trạng thiếu nước ở Mỹ Thạnh cho điều kiện tự nhiên nữa nhé, các quý lãnh đạo Bình Thuận!
______________
Tham khảo:
https://binhthuan.gov.vn/SiteFolders/stnmt/4806/2020/GopY/2.%20BCTK%20DGKH%20100820.pdf
https://tuoitre.vn/viet-nam-dang-boi-nguoc-dong-voi-the-gioi-1125097.htm
https://kinhtemoitruong.vn/ti-le-che-phu-rung-cua-viet-nam-va-nhung-con-so-biet-noi-51229.html
https://kinhtemoitruong.vn/tang-do-che-phu-rung-de-nang-cao-chat-luong-moi-truong-song-55265.html
https://baobinhthuan.com.vn/xay-ho-ka-pet-dan-noi-day-kho-vi-thieu-nuoc-qua-lau-111857.html
https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-my-thanh-khong-lo-thieu-nuoc-19128.html
https://baobinhthuan.com.vn/ghi-o-vung-cao-xa-my-thanh-101634.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do