Dựa trên kết quả chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, mối quan hệ hai nước sẽ phát triển cao và xa hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của hai bên.
Cơ hội
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, dựa theo Tuyên bố chung Việt – Mỹ, cơ hội dành cho Việt Nam là rất lớn, rất đa dạng, ở mức độ sâu rộng, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế, công nghệ:
“Đầu tư của Hoa Kỳ vào các lĩnh vực điện tử, bao gồm chất bán dẫn và xe điện, chuyển tiếp năng lượng xanh, giáo dục và đào tạo sẽ tăng cường cho sự phát triển của Việt Nam.
Điều này sẽ được thực hiện bằng cách chuyển giao công nghệ và hợp tác với nhau để phát triển các ngành công nghệ mới nổi này.”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) nhận định phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghệ, bởi nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn, đề phòng rủi ro có chuyện gì xảy ra với Đài Loan.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, khi nâng cấp quan hệ hai bên, Mỹ có nhiều cơ hội hơn để thực hiện chiến lược của mình ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương:
“Về phía Mỹ, có thể họ muốn biến Việt Nam thành đối tác trong khu vực để phục vụ các chiến lược về đối ngoại và kinh tế của họ. Đặc biệt là trong việc khai thác quan hệ với Việt Nam để cân bằng lại với Trung Quốc về mặt chiến lược cũng như về mặt kinh tế trong bối cảnh và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Về mặt kinh tế, Mỹ cũng muốn có một Việt Nam thân thiện và hỗ trợ cho Mỹ trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, còn có các cơ hội khác như là về an ninh quốc phòng thì họ cũng muốn nâng tầm, phát triển quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam, đặc biệt là cung cấp cho Việt Nam các hợp đồng vũ khí.
Có thể là Mỹ nhìn thấy ở Việt Nam một thị trường tiềm năng về mặt trang thiết bị vũ khí thì Mỹ có thể muốn tận dụng.”
Thách thức
Theo Giáo sư Carl Thayer, đi đôi với các cơ hội rộng mở là nhiều thách thức ở phía trước mà hai bên phải giải quyết:
“Một thách thức lớn đối với Việt Nam làm sao đào tạo đủ số lượng kỹ sư phần mềm và nhân viên dịch vụ khác để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực điện tử.”
Ngoài ra, về mặt ngoại giao, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga, phải làm sao để những “người bạn lớn” không thấy lợi ích của mình bị xâm hại khi Việt Nam “chơi” với nước khác:
“Còn nhìn xa hơn thì đặc biệt là phía Việt Nam thì phải làm sao để vừa phát triển quan hệ với Mỹ nhưng vừa giữ được quan hệ cân bằng với các đối tác khác, trong đó đặc biệt là phải kể tới Trung Quốc, thứ hai là Nga, là các đối tác truyền thống mà Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ nhưng mà lại đang có các mâu thuẫn chiến lược với Mỹ.
Trong mấy hôm vừa rồi, ngay trước thềm chuyến thăm thì tờ The New York Times có đưa bài về việc Việt Nam được cho là theo đuổi một số thỏa thuận quốc phòng mới với Nga. Câu chuyện đó nó cũng cho thấy sự phức tạp đằng sau mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn.”
Chuyên gia quan hệ quốc tế, thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, đánh giá nhân quyền vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm, gây khó chịu cho Việt Nam mỗi khi muốn xích gần với Mỹ hơn:
“Vấn đề ngắt ngứ từ trước tới nay giữa Việt Nam và Mỹ đó là nhân quyền. Mặc dù vấn đề đó hiện nay đã bị đặt xuống rất là thấp rồi.
Bởi vì Mỹ cần Việt Nam trong vấn đề an ninh, xây dựng hệ thống trật tự khu vực và Việt Nam thì cần Mỹ trong vấn đề kinh tế, công nghệ, giáo dục.
Hai bên cùng nhau rất nhiều thứ nhưng vấn đề nhân quyền vẫn như là “cái gai”, lâu lâu nó bị nhức lên một cái, lâu lâu Mỹ lại ra báo cáo nhân quyền, lại quan ngại về chuyện bắt người này người nọ…”
Ngoài ra, còn có một yếu tố, mà ông Phương cho rằng có thể làm cho mối quan hệ Việt – Mỹ trở nên bất định, đó là chuyện chính trị nội bộ của Hoa Kỳ:
“Mỹ đang rất mong muốn có được mạng lưới đồng minh và đối tác để tạm gọi là ngăn chặn Trung Quốc, họ muốn lôi Việt Nam gần tới họ từ lâu rồi, nhưng cái thách thức là năm tới là ông nào của Mỹ sẽ nên làm Tổng thống.”
Theo ông Thế Phương, Mỹ sẽ bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào cuối năm 2024. Khi đó, nếu một chính quyền lập trường về chính trị khác với chính quyền Biden hiện tại về vấn đề ở Châu Á – Thái Bình Dương, thì mối quan hệ Việt – Mỹ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng theo. Và đó là một rủi ro mà Việt Nam đã nhìn thấy trước nên đã xúc tiến nhanh việc nâng cấp quan hệ với Mỹ.