Thương mại, đầu tư và du lịch có thể bị ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Những quan ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã trở thành thành mối lo ngại về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế nước này cũng như khả năng đứng vững của mô hình phát triển dựa trên đầu tư. Tiếng vọng của những quan ngại này không ở đâu nhiều hơn ở khu vực Đông Nam Á.
Khi kinh tế Trung Quốc vật lộn vì nhiều nguyên nhân có liên quan đến nhau – phần lớn là do các chính sách của chính phủ và khuynh hướng thích kiểm soát của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, sau ba thập kỷ được nâng đỡ bởi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á giờ đây phải đối mặt với những ảnh hưởng dây chuyền trong thương mại, đầu tư và cho vay.
Trước tiên, việc hồi phục tiêu dùng sau đại dịch đã không diễn ra. Người dân cảm thấy không an tâm về nền kinh tế, sự gia tăng thất nghiệp hoặc khả năng các đợt phong tỏa có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai và những điều này đã dẫn tới một giai đoạn giảm phát kéo dài. Tiêu dùng trong nước chỉ chiếm 38% tổng GDP của Trung Quốc.
Thứ hai, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh. Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,8% so với cùng kỳ cho dù đã có cải thiện so với tháng 7 – thời điểm xuất khẩu giảm tới 14,5% so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ và EU lần lượt giảm 17,4% và 10,5%.
Thứ ba, đầu tư theo danh mục đang tháo chạy khỏi Trung Quốc với hơn 3,4 tỷ đô la đã ra đi chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 8. Tuy nhiên, nước này vẫn tục đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các tập đoàn của phương Tây và Nhật Bản cũng đang tích cực đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, Việt Nam và các thị trường mới nổi khác. Tập đoàn HP vừa công bố sẽ rời một dây chuyền sản xuất máy vi tính sang Thái Lan và Việt Nam trong khi Apple đã chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.
Đàn áp ảnh hưởng tới cảm xúc
Việc Trung Quốc bắt giữ các nhà điều tra thẩm định từ tập đoàn Mintz và Bain, sự ra đời luật tình báo mới cùng với các cuộc bắt giữ các giám đốc điều hành nước ngoài, đã trở thành một rào cản răn đe khác đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự đàn áp này bổ sung thêm vào việc ông Tập bóp nghẹt những bộ phận mang tính đổi mới, sáng tạo nhất của nền kinh tế, lĩnh vực công nghệ nói chung và FinTech (công nghệ tài chính) nói riêng nhằm thâu tóm quyền kiểm soát.
Một nguyên nhân khác là chi phí lao động của Trung Quốc tiếp tục tăng vì dân số giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã lên đến trên 20% trước khi chính phủ ngừng công bố số liệu thống kê này từ tháng 8/2023. Tiền lương lao động ở Trung Quốc tiếp tục tăng so với chi phí này ở các quốc gia đối thủ.
Liên quan chặt chẽ tới cuộc khủng hoảng bất động sản là vấn đề nợ. Trung Quốc đang ngập trong nợ nần với tỷ lệ nợ công ở mức 267% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). Các đơn vị tài chính của các chính quyền địa phương đang gánh khoản nợ hơn 9.000 tỷ USD – tương đương với một nửa GDP của Trung Quốc. Suy thoái kinh tế và sự sụt giảm giá bán và nhu cầu bất động sản sẽ khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là ở vùng xa thành thị. Doanh số bất động sản ước tính chiếm khoảng 1/3 doanh thu của chính quyền địa phương.
Vụ vỡ nợ tại tập đoàn bất động sản Evergrande và gần như vỡ nợ tại tập đoàn Country Gardens và vụ việc tương tự tại hàng chục công ty phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao (tỷ lệ nợ trên tài sản cao) và đang trong hoàn cảnh nợ nần, có thể dẫn tới một dòng thác vỡ nợ. Theo Nikkei, tập đoàn Country Gardens đã công bố khoản lỗ 6,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 và có khoảng 190 tỷ USD nợ khó đòi. Nợ xấu bất động sản tại 32 ngân hàng lớn nhất đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng, chiến lược tăng trưởng dựa trên đầu tư – chiến lược tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc – đã gặp phải trở ngại lớn. Một lượng lớn nợ nần được sử dụng để chi trả cho việc làm đường, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao đã không mang lại tăng trưởng kinh tế. Riêng hệ thống đường sắt của Trung Quốc đã nợ khoảng gần 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 3% nhưng thời kỳ tăng trưởng chậm đã đến.
Trong khoảng 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã kéo theo tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia Đông Nam Á. Giờ đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tụt lại sau so với kinh tế các quốc gia láng giềng. Vậy, sự kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao của Trung Quốc có tác động như thế nào đối với Đông Nam Á?
Hàng hóa, du lịch sẽ bị ảnh hưởng
Thứ nhất, thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nước trong khu vực. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 50%, từ 641,5 tỷ USD năm 2019 lên 975,3 tỷ USD năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm 2023, thương mại đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 447,3 tỷ USD.
Chắc chắn xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc sẽ giảm sút và Indonesia sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hầu hết trong số 54 tỷ USD hàng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc trong năm 2021 là tài nguyên thiên nhiên. Các quốc gia khác trong khu vực có thể cũng sẽ chứng kiến cảnh giá hàng hóa sụt giảm do nhu cầu thấp đi.
Xuất khẩu của các nước như Việt Nam, vốn là một phần của chuỗi cung ứng sản xuất phía Nam Trung Quốc, cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đầu tư của Trung Quốc trong khu vực sẽ có những diễn biến khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực.
Khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, hiện tại không thể hoặc không muốn thực hiện một số khoản đầu tư lớn tại Trung Quốc, đang tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á.
Theo một báo cáo mới đây về đầu tư trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown thực hiện, các tập đoàn Alibaba, Tencent và Huawei đã xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu trong khu vực hơn các đối thủ Mỹ đồng thời đang gia tăng đầu tư vào các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) địa phương. TenCent là nhà đầu tư lớn vào công ty công nghệ VNG, một trong số bốn kỳ lân (unicorn) của Việt Nam và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước lớn nhất của nước này.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây, nhà sản xuất chất bán dẫn Tsinghua Unigroup, vốn đã có cơ sở sản xuất tại Singapore, Malaysia và Indonesia, tuyên bố mở rộng hoạt động sản xuất và R&D ở Đông Nam Á.
Tác động lan tỏa không thể tránh khỏi
Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực trong bối cảnh không có Mỹ – nước đã nhường sự ảnh hưởng cho Trung Quốc khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm 2017.
Trung Quốc đang thúc đẩy việc thực thi đầy đủ Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định có sự tham gia của toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN. RCEP đang đàm phán với ASEAN về việc thành lập một Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) dành cho một thị trường hai tỷ dân. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) là một sự thanh thế không đầy đủ cho Hiệp định TPP xấu số và không phải là một đối trọng với RCEP.
Nhiều công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á để né tránh các lệnh trừng phạt và hạn chế đầu tư của Mỹ hoặc EU. Thêm vào đó, vì phương Tây tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, các công ty Trung Quốc sẽ tìm kiếm xem họ có thể mua gì ở Đông Nam Á thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại.
Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thống trị một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là sản xuất xe điện. Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang xây dựng dây chuyền lắp ráp trị giá 1,44 tỷ USD tại Thái Lan và cũng đã công bố xây dựng một dây chuyền khác tại Việt Nam để cạnh tranh với VinFast. Trung Quốc sẽ tiếp tục các khoản đầu tư chiến lược vào Đông Nam Á nơi có nhiều nguyên liệu cần thiết cho sản xuất xe điện như niken và đất hiếm.
Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á cảm nhận được những ảnh hưởng lan toả từ khu vực bất động sản đang ngập trong nợ nần của Trung Quốc.
Các công ty bất động sản của Trung Quốc trên khắp khu vực Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề và hiện có một sự tức giận đáng kể ở Malaysia về các khu nhà dang dở, việc thanh toán các khoản vay thế chấp và các dự án phát triển nhà chưa hoàn thành. Theo Nikkei, dự án Thành phố Rừng trị giá 100 tỷ USD của tập đoàn Country Garden ở Johor mới chỉ hoàn thành được 15% các hạng mục. Với tình hình giá bất động sản xuống dốc, đây là một lời nhắc nhở về việc Trung Quốc đã xuất khẩu mô hình phát triển bất động sản dựa trên nợ và bong bóng (sự bất ổn định).
Một lượng lớn vốn sẽ tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc. Số lượng văn phòng quản lý quỹ gia đình của người Trung Quốc tại Singapore đã tăng từ 400 vào năm 2021 lên 1.500 vào cuối năm 2022. Khi đầu tư 1,8 triệu USD, người nước ngoài có thể nộp đơn trở thành thường trú nhân tại Singapore. Và những người Trung Quốc từng gửi tiền của họ ở Hồng Kông đang cố gắng đưa tiền của mình vượt ra khỏi tầm với của Bắc Kinh. Điều này đã dẫn đến việc người Trung Quốc mua bất động sản ở Singapore tăng mạnh. Người Trung Quốc cũng mua bất động sản ở Malaysia và Thái Lan nhưng với mức độ thấp hơn.
Trong khi sự chậm lại của Trung Quốc có thể mang lại những cảm xúc lẫn lộn đối với phương Tây, thì Đông Nam Á lại quan ngại rất nhiều về sự suy giảm thương mại, tiềm năng là bao gồm cả sự suy giảm trong đầu tư và ít tiền cho vay phát triển cơ sở hạn tầng và hỗ trợ phát triển. Khu vực này nhiều khả năng cũng sẽ thấy sự sụt giảm du khách Trung Quốc.
Các thể chế kinh tế đa phương và các ngân hàng thương mại lớn đã hạ mức dự đoán tăng trưởng GDP năm 2023 của Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam và giải thích một phần nguyên nhân là do sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Một Trung Quốc trỗi dậy trong những thập kỷ gần đây có thể đã là kẻ bắt nạt người khác (bully) nhưng điều đó là dự đoán được và tốt cho tăng trưởng. Một Trung Quốc đi xuống, không rõ, sẽ dẫn đến điều gì nhưng nó khiến cho giới tinh hoa chính trị và kinh doanh trong khu vực vô cùng lo lắng.
* Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.