Đảng viên có màng đến trách nhiệm nêu gương?

Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây lại có bài viết kêu gọi các đảng viên phải nêu gương.

Thực tế có như vậy? Cựu trung tá Vũ Minh Trí, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA hôm 11/10 cho rằng, hiện nay Đảng không lãnh đạo bằng vai trò gương mẫu của đảng viên:

“Bản thân tôi cũng từng là đảng viên 20 năm, từ lúc vào Đảng cho đến lúc ra Đảng trong 20 năm đấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay đổi một cách rất cơ bản. Thay đổi từ điều lệ, tiêu chuẩn đảng viên và đặc biệt là phần nêu gương của đảng viên. Khi tôi mới vào Đảng được người ta tuyên truyền Đảng lãnh đạo chủ yếu trước hết là thông qua sự gương mẫu của đảng viên, sau đó mới lãnh đạo bằng nghị quyết, mà thực hiện nghị quyết suy cho cùng cũng thông qua sự gương mẫu của từng cán bộ đảng viên. Cho nên lúc bấy giờ, những đoàn viên, quần chúng nào ưu tú nhất, gương mẫu nhất, được tập thể thừa nhận thì mới được xét kết nạp vào đảng.”

Đến bây giờ, thời điểm này tôi thấy sự gương mẫu trong đảng là hoàn toàn không có.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Tuy nhiên ông Trí cho biết, sau thời điểm đó thì họ kết nạp đảng một cách ồ ạt, đồng loạt, có những người không tưởng tượng nổi là có thể được kết nạp. Ông Trí nói tiếp:

“Thế hệ trước chúng tôi còn rõ hơn nữa, từ thời các cụ, bậc cha chú có câu “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”… Tức là những việc gì khó khăn phức tạp hay nguy hiểm, thì bao giờ những người đảng viên cũng là những người xung phong đi đầu. Tôi chưa nói là tấm gương, vì có thể đúng, có thể sai, nhưng có nhiều câu chuyện dẫn chứng như vậy. Đến bây giờ có câu trong quần chúng hay nói đùa, thậm chí trong đảng cũng nói đùa… tức là ‘kết nạp thằng đấy vào Đảng để trong sạch quần chúng’. Tức là thành phần quần chúng xấu thì nó mới vào Đảng. Đến bây giờ, thời điểm này tôi thấy sự gương mẫu trong đảng là hoàn toàn không có.”

Theo ông Trí, bây giờ chủ yếu Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng công cụ bạo lực và trấn áp, chứ không lãnh đạo bằng vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên:

“Từ các cấp cơ sở cho đến cấp cao nhất ví dụ như Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ chính trị… là nơi tập trung những cái gọi là tinh hoa, tấm gương tiêu biểu nhất về phẩm chất đạo đức và năng lực của Đảng Cộng sản Việt Nam… nhưng mới qua Đại hội vừa rồi chưa được một nửa nhiệm kỳ, thì đã có khoảng gần 1/10 Ủy viên Trung ương sai phạm phải bị kỷ luật, rồi Bộ chính trị cũng có đến hai Ủy viên sai phạm phải cho nghỉ. Tôi không hề tin câu nói đùa ‘người đó đảng viên nhưng tốt’… Tôi có thể khẳng định ‘đã là đảng viên là không tốt’…”

3bd6038e-602b-44f2-b5d3-51d24ac14973.jpeg
Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Courtesy dangcongsan.vn

Bài viết về ‘trách nhiệm nêu gương của đảng viên’ của Ban Tuyên giáo cũng nhắc lại Nghị quyết số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về ‘Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương’. Theo đó mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu…

Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết:

“Ban chấp hành trung ương đảng thông qua là Nghị quyết nêu gương, tập trung vào các vị có chức vụ cao của đảng và đất nước này, cụ thể là ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên ban chấp hành trung ương… phải sống gương mẫu trong đời sống bình thường, làm gì cũng phải gương mẫu, nhất là trong đời sống tiền bạc.”

Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó.
-Anh Đệ

Anh Đệ, một người dân tại thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:

“Lãnh đạo luôn luôn nêu gương mẫu, đó chỉ là một khẩu hiệu thôi, còn vấn đề thực hiện điều đó là rất khó. Tại vì không có gì để mà ràng buộc được họ để họ gương mẫu, họ không có gì phải sợ để mà gương mẫu, có gương mẫu hay không thì cũng chẳng sao.”

Đây không phải là lần đầu tiên lời kêu gọi về đạo đức lối sống được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu lên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát từ ‘gốc’, chứ không phải từ ‘ngọn’.

Nhà văn Phạm Đình Trọng, nguyên đại tá quân đội đã từ bỏ Đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từng cho rằng, nêu gương chỉ là một việc làm luẩn quẩn, quan trọng nhất của một quốc gia là pháp luật. Theo ông Trọng, cứ làm theo pháp luật thì không cần nêu gương gì cả và cán bộ nhà nước thì lại càng phải làm theo pháp luật. Chứ còn nêu gương chỉ là vấn đề đạo đức của một cá nhân. Ông Trọng cho rằng, đảng cộng sản kêu gọi như vậy là do bế tắc, trong tình hình sa sút hiện nay của đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, chứ không giải quyết được gì.

Related posts