Chủ danh khoản Facebook đã bị hack còn bị phạt?

“Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng.”

Đó là phát biểu ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, với truyền thông nhà nước về Nghị định thay thế Nghị định 72 (2013) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã trình Chính phủ.

Ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia Công nghệ thông tin nhận định với RFA:

“Tôi thấy khôi hài vì người dùng Facebook hoàn toàn lệ thuộc vào tính bảo mật của chính Facebook. Nếu Facebook bị lỗi bảo mật mà phạt người dùng thì đó là chuyện phi lý. Tất nhiên, sau này Facebook có thêm hai yếu tố đăng nhập và nó giúp bảo vệ tài khoản tốt hơn nhưng không phải ai cũng biết cách sắp xếp và sử dụng hai yếu tố đăng nhập.

Hơn nữa, việc thâm nhập vào tài khoản Facebook có thể trải dài từ những chuyện lừa đảo vặt cho đến những áp dụng kỹ thuật tinh vi. Người dùng có thể không biết họ bị lừa đảo hoặc bị thâm nhập bằng kỹ thuật. Nói về mặt quản lý, làm sao chính phủ VN có tài lực để theo dõi 65 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam? Cho dù họ có khả năng, đó là việc làm hoang phí chỉ để ngăn chặn chuyện “xúc phạm lãnh đạo”.”

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, đây là điều rất vô lý. Ông giải thích với RFA sáng ngày 11 tháng 10 năm 2023:

“Đối với những danh khoản facebook mà người ta đang sử dụng lâu lâu vẫn bị hack bằng cách dùng danh khoản này đi mượn tiền người khác. Nếu nói vậy thì rõ rảng chủ danh khoản này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Nhưng thực tế thì không có một cơ quan công an nào đứng ra giải quyết những chuyện đó cả.

Và về nguyên tắc xử phạt, nhất là xử phạt từ cơ quan nhà nước đưa ra, nếu danh khoản nào đó có bài viết nào đó bị cho là vi phạm đường lối của nhà nước, vi phạm luật an ninh mạng thì cơ quan đó phải chứng minh chủ tài khoản cố tình vi phạm. Nếu không chứng minhg được thì không thể phạt người ta được. Chủ tài khoản không bị buộc phải chứng minh mình không vi phạm. Tôi cho rằng họ cũng dùng luật pháp nhưng luật pháp đó không dựa trên nền tảng cơ bản, mà do ý chí chủ quan của cơ quan chủ quản nào đó khi họ không kiểm soát được mạng xã hội. Đây là một chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận.”

Đó là khi công an tạm giữ một ai đó, việc đầu tiên họ làm là tịch thu điện thoại mà không có biên bản, chẳng có niêm phong. Một thân chủ của tôi bị thu điện thoại như thế. Lát sau họ quay lại họ nói trong điện thoại có một số bài viết và hình ảnh vi phạm. Dù thân chủ tôi phản đối kịch liệt nhưng vẫn bị bắt và bị xử lý hình sự. – Luật sư Nguyễn Văn Miếng 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, nếu Nghị định này được Chính phủ thông qua thì sẽ rất nguy hiểm cho những ai sử dụng mạng xã hội, bởi danh khoản Facebook của mình có thể bị “hack” do chính nhân viên an ninh, công an thực hiện bất cứ lúc nào. Ông kể:

“Một số trường hợp mà tôi chứng kiến trong một số vụ án. Đó là khi công an tạm giữ một ai đó, việc đầu tiên họ làm là tịch thu điện thoại mà không có biên bản, chẳng có niêm phong. Một thân chủ của tôi bị thu điện thoại như thế. Lát sau họ quay lại họ nói trong điện thoại có một số bài viết và hình ảnh vi phạm. Dù thân chủ tôi phản đối kịch liệt nhưng vẫn bị bắt và bị xử lý hình sự. Tức là họ không theo một quy luật nào hết.”

Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 với hơn 86% phiếu tán thành, bất chấp sự phản đối của nhiều người dân tại Việt Nam cũng như sự lên án của các tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận, tổ chức nhân quyền quốc tế và Hoa Kỳ. Luật này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Truyền thông Nhà nước cho hay, từ đầu năm đến nay, khoảng 120 trang web và 60 tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới đã bị đưa vào Blacklist. Blacklist được cho là sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai vào đầu năm 2023, tập hợp những trang web, tài khoản mạng vi phạm pháp luật Việt Nam. Danh sách được gửi định kỳ cho các đơn vị quảng cáo và nhãn hàng, nhằm khuyến nghị không quảng cáo, chặn nguồn tiền của các kênh vi phạm trong trường hợp chưa thể gỡ bỏ khỏi nền tảng.

Nghị định quy định chủ danh khoản mạng xã hội phải chịu trách nhiệm với bài đăng và cần bảo vệ danh khoản cá nhân của mình như ‘bảo vệ tài khoản ngân hàng’, nếu bảo mật kém thì chủ danh khoản sẽ bị phạt, gây nhiều phản đối trong công luận.

Một facebooker ở Hà Nội nói với RFA suy nghĩ của ông sáng ngày 11 tháng 10 năm 2023:

“Đó là điều hết sức vô lý vì tất cả facebook dựa trên nền tảng của nước ngoài, và máy chủ mới là người chịu trách nhiệm. Người dùng mạng xã hội không sử dụng các nền tảng của các cơ quan quản lý mạng xã hội.

Không phải người dùng mạng xã hội nào cũng rành về IT, rành về kỹ thuật số, nên nếu đổ trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi danh khoản bị hack, thì tất cả người dùng mạng xã hội Việt Nam đều có nguy cơ bị phạt, thậm chí bị tù vì cái quy định gọi là không bảo mật. Người dùng không thể ngăn được các hackers cố tình xâm nhập vào trang mạng của mình để sửa nội dung.

Cách làm của Bộ Thông tin và Truyền thông là bịt miệng dư luận quần chúng. Tôi thấy hiện tượng phi dân chủ bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Cách tốt nhất các ông nên làm là dẹp hết các mạng xã hội do nước ngoài làm chủ đi để các ông an tâm bảo vệ chế độ của mình.

Tôi không loại trừ trường hợp hacker nhận lệnh từ nhà nước để hack tài khoản ai đó rồi đổ tội cho họ. Dần dần người dân sẽ không còn ai lên tiếng về những vấn đề của đất nước nữa. Liệu đất nước sẽ đi về đâu khi không còn tiếng nói người dân?”

Cách làm của Bộ Thông tin và Truyền thông là bịt miệng dư luận quần chúng. Tôi thấy hiện tượng phi dân chủ bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Cách tốt nhất các ông nên làm là dẹp hết các mạng xã hội do nước ngoài làm chủ đi để các ông an tâm bảo vệ chế độ của mình đi. – Facebooker ở Hà Nội

Thống kê của VNETWORK cho thấy, đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số.

Các mạng xã hội lớn gồm YouTube, TikTok và Facebook trong khoảng thời gian chỉ một tháng đã xóa gần 800 bài đăng có nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là “không trung thực, tiêu cực… chống lại đảng, nhà nước, tổ chức, cá nhân…, xúc phạm lãnh tụ.”

Related posts