Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn Việt Nam trở thành điểm đến của lãnh đạo hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mở màn với chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Joe Biden, hồi tháng 9 cùng với sự kiện mối quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Giờ đây, truyền thông quốc tế đang rộ lên tin tức về một chuyến thăm đang được hai phía chuẩn bị chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Chuyến thăm của tổng thống Biden tới Hà Nội và việc Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ rõ ràng là tâm điểm của hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023, thế nhưng trên thực tế, ở một mức độ ít được chú ý hơn, thì Hà Nội chưa bao giờ lơ là việc giữ gìn quan hệ với nước láng giềng phía bắc.
Chuyến thăm dự kiến của lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam thực ra đã được chuẩn bị từ trước.
Tháng 11 năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, và nhân dịp này đã đưa ra lời mời đối với người đồng cấp phía Trung Quốc về việc sang thăm Việt Nam.
Không rõ liệu trong chuyến đi kể trên thì người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam có thông báo cho phía Trung Quốc về kế hoạch nâng cấp quan hệ với Mỹ hay không. Nhưng xét theo truyền thống chính trị của Việt Nam, đó là luôn thông báo trước với các nước thân cận, bao gồm cả Trung Quốc, về các hoạt động đối ngoại quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến Hoa Kỳ, thì đây là một khả năng.
Hồi tháng 6 năm 2023, ba tháng trước khi tổng thống Mỹ tới Việt Nam, thì thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước Cộng sản đàn anh đầu tiên của vị đương kim thủ tướng kể từ khi nhận chức. Trong lần này thì ông Chính cũng đã có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình.
Và cũng phải kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 10 năm nay.
Như vậy, việc ông Tập Cận Bình tới Việt Nam thực ra nằm trong một kế hoạch bận rộn của mối quan hệ song phương Việt-Trung, và nó diễn ra song hành, thậm chí là tất bật hơn, với mối quan hệ Việt-Mỹ ở cùng thời điểm. Dù rằng ở bề ngoài thì mối quan hệ Việt-Mỹ tốn giấy mực của báo giới hơn.
Tất cả những hoạt động trên, theo ông Zachary Abuza, giáo sư trường Đại học Chiến tranh ở Hoa Kỳ, là nhằm trấn an Trung Quốc về sự thăng hạng của mối quan hệ Việt-Mỹ:
“Chuyến thăm tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình cuối tháng này là một phần của nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của chính quyền Hà Nội. Lãnh đạo Việt Nam đã phải cố hết sức để truyền tải thông điệp tới Trung Quốc rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào đến lợi ích của họ. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải thể hiện rằng chính sách ngoại giao và an ninh của chế độ do ông ta lãnh đạo, không hề có bất cứ sự thay đổi nào về mặt nguyên tắc.”
Cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác quan trọng bậc nhất đối với Việt Nam, do vậy, việc duy trì mối quan hệ tích cực với cả hai là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là không để bên nào có ấn tượng sai lầm rằng Việt Nam đứng về một phe nào đó, bởi Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh nhau quyết liệt.
Bình luận về khía cạnh này, bà Hạnh Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Quốc gia Úc và nhà nghiên cứu của Yokosuka Council on Asia Pacific (YCAPS), cho biết quan điểm của mình:
“Việc Việt Nam cùng lúc thực hiện các hoạt động đối ngoại cấp cao với cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc. Chính sách này nhằm tránh khiến Mỹ hoặc Trung Quốc có ấn tượng rằng Việt Nam đang ủng hộ một bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác quan trọng hàng đầu với Việt Nam cả về mặt kinh tế và chính trị, nên Hà Nội muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai bên.
Ngoài ra, chính sách cân bằng ảnh hưởng này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt hai cường quốc, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội đầu tư, thương mại, hợp tác an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển khoa học công nghệ mà Trung Quốc và Mỹ đưa ra.”
Chính sách của phía Việt Nam là vậy, còn về phía hai siêu cường thì theo các chuyên gia, không phải ai cũng muốn Việt Nam trung lập. Rõ ràng, Trung Quốc là nước có nhiều thứ phải lo hơn nếu Việt Nam tỏ ra thân thiện với Hoa Kỳ, bởi vị trí địa lý cũng như thể chế chính trị của Việt Nam có vai trò trọng yếu đối với an ninh của Trung Quốc.
Cũng chính vì vậy mà Việt Nam phải nỗ lực để trấn an Trung Quốc nhiều hơn. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc phải tỏ ra lo ngại quá nhiều về mối quan hệ Việt-Mỹ, bởi theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình dương, thì so với Hoa Kỳ, Trung Quốc có lợi thế lớn và đi trước một bước trong mối bang giao với Việt Nam. Ông nói thêm:
“Hoa Kỳ đang phải bám đuổi Trung Quốc trong việc quan hệ với Việt Nam. Việt-Trung bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1991, theo sau thập kỷ Campuchia. Hai nước cũng thành lập Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương, với lãnh đạo là cấp phó thủ tướng và thường là thành viên Bộ Chính trị. Tuy vấn đề Biển Đông là trở ngại lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Ngoài ra, cả hai nước cùng theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa.”
Sự tương đồng về thể chế chính trị rõ ràng vẫn là thế mạnh lớn nhất mà Trung Quốc có so với Hoa Kỳ, một nước vẫn được coi là đối tượng cần phải dè chừng của các thể chế độc đảng. Việt Nam đã từng chịu sức ép rất lớn về các vấn đề nhân quyền và tự do chính trị từ các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đây, và mọi chuyện chỉ thay đổi từ thời tổng thống Donald Trump, theo giáo sư Carlyle Thayer.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam tới đây, theo giới quan sát, thì Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự tương đồng về chế độ chính trị, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không trở nên quá gần gũi với Hoa Kỳ. Qua đó hy vọng vào việc Trung Quốc sẽ để yên cho Việt Nam hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc hợp tác với Phương tây.