Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 hôm 27/10/2023, khi thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Anh Công thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần có những kiểm soát đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ, vì luật này liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo ông Công, giao nhiệm vụ thì phải có sự kiểm soát thực hiện để bảo đảm không lạm quyền, nhũng nhiễu người dân…
Cũng tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga từ tỉnh Hải Dương thì cho rằng, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được thực thi sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đảm bảo cho người dân sống trong môi trường an toàn…
Có thể thấy rất nhiều video clip trên mạng khi họ đi tịch thu rau củ quả, hàng hóa của người dân mà không cần một quyết định hay biên bản gì, cả lời ăn tiếng nói cũng không chuẩn mực.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Liệu nếu không kiểm soát tốt thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở có thật sự đem lại sự an toàn cho dân? Cựu Trung tá Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 27/10/2023 nhận định với RFA:
“Các lực lượng muốn kiểm soát tốt thì đều phải được chính quy hóa, nhưng lực lượng an ninh cơ sở hiện nay rất nhộn nhạo. Ví dụ như ở phường xã là dân phòng, dân quân chẳng hạn… thì hầu hết không được huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật. Vì vậy chỉ dùng vào những việc như đuổi chợ dẹp vỉa hè mới được, còn để phòng chống tội phạm thì tôi nghĩ lực lượng đó hoàn toàn không đủ sức. Vì họ không có kiến thức pháp luật, không có trình độ văn hóa đầy đủ… cho nên sự lạm quyền rất phổ biến. Ta có thể thấy rất nhiều video clip trên mạng khi họ đi tịch thu rau củ quả, hàng hóa của người dân mà không cần một quyết định hay biên bản gì, cả lời ăn tiếng nói cũng không chuẩn mực.”
Vì thế cho nên theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, sự giám sát đấy nếu vẫn duy trì lực lượng ở mức bán chuyên trách, thiếu chuyên nghiệp như vậy… thì sẽ khó có chuyện kiểm soát được.
Bà A., một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời RFA cho biết thực tế tại địa phương bà:
“Nhiều dân phòng hay làm ra vẻ và có thái độ còn hung hăng hơn cả công an. Như những thanh niên dân phòng nơi xóm tôi, là những thành phần bỏ học giữa chừng làm dân phòng, lối xưng hô của những dân phòng này rất xấc xược. Không chỉ có vấn đề về thái độ, cách ứng xử, mà ngay cả công việc của dân phòng hiện nay cũng không rõ ràng, vượt quyền hạn, nhiệm vụ.”
Cũng trong ngày 27/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nguồn ngân sách chi cho các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở dự kiến là 3.570 tỷ đồng/năm.
ĐBQH Phạm Văn Hòa thuộc tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp về ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ hôm 28/8/2023 từng nhận xét kinh phí cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là ‘rất cao’.
Liên quan vấn đề ngân sách cho lực lượng an ninh cơ sở, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định thêm:
“Tôi nhớ cách đây bảy tám năm, chỉ một đợt mà Hà Nội đã có 6.000 cán bộ công an nhận quyết định thăng quân hàm và nâng lương. Nếu cứ chiếu theo quy định ví dụ cấp tá bốn năm thăng hàm một lần… thì có lẽ lực lượng công an của Hà Nội chắc bây giờ cỡ hai đến ba vạn. Nếu nhân với tỷ lệ cả nước, thì tôi nghĩ lực lượng công an phải vài chục vạn, thêm lực lượng an ninh cơ sở đông như vậy thì tôi thấy rõ ràng ngân sách, thuế của người dân phải bỏ tiền ra nuôi một lực lượng an ninh và cảnh sát rất cồng kềnh. Tôi thì tôi thấy ta cần một bộ máy phải tinh… ‘quý hồ tinh bất quý hồ đa’… cần phải tinh chứ không cần lực lượng đông đảo.”
Theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, lực lượng an ninh cơ sở đông như vậy vừa khó kiểm soát, vừa dung nạp cả những thành phần không được đào tạo đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện công tác này… sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền ở rất nhiều nơi.
Lực lượng cơ sở này rất đông lên đến 300 ngàn người và dự tính tăng thêm là 400 ngàn người… thì lực lượng chính quy không đủ khả năng để kiểm soát.
-Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Đồng quan điểm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 27/10, khi trả lời RFA cho rằng, trước hết phải xem lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở là ai:
“Có rất nhiều thành phần khác nhau trong lực lượng an ninh cơ sở, một số là bộ đội phục viên, thứ hai họ là những người đi tù, xã hội đen trở về, muốn đưa vào diện quản lý thì chính quyền địa phương cho làm bảo vệ trật tự. Cả hai thành phần này học vấn rất thấp, không biết về pháp luật cũng như quyền con người. Khi sử dụng lực lượng này sẽ gây nguy hiểm cho người dân, bởi vì không hiểu pháp luật thì họ sẽ xâm phạm quyền của người dân như quyền tự do đi lại, quyền tự do thân thể… Câu hỏi đặt ra là làm sao để quản lý được lực lượng này? Bộ công an cũng đã đưa lực lượng công an chính quy về để giám sát lực lượng này, nhưng ở mỗi một xã chỉ có vài công an chính quy. Trong khi đó lực lượng cơ sở này rất đông lên đến 300 ngàn người và dự tính tăng thêm là 400 ngàn người… thì lực lượng chính quy không đủ khả năng để kiểm soát.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở là mối hiểm họa đối với người dân. Ông Đài nói tiếp:
“Trong rất nhiều năm vừa qua, những người dân khi vào phường công an còn khỏe mạnh, thì sau vài giờ đồng hồ họ đã bị thiệt mạng hoặc trọng thương, bởi vì lực lượng an ninh cơ sở này thôi. Cho nên đối với chế độ cộng sản thì không có cách gì quản lý được lực lượng này.”
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 cho rằng, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, sẽ lãng phí nếu chi quá nhiều tiền thuế của dân cho lực lượng công an cơ sở.