Một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn Đồng Tháp hôm 1/11 trong phiên thảo luận liên quan đến sách giáo khoa đưa ra nghịch lý rằng càng xã hội hóa thì giá sách giáo khoa (SGK) càng tăng và không kiểm soát được.
Sai về nguyên tắc & cơ sở pháp lý
Tuy nhiên, trả lời RFA hôm 03/11/2023 từ Sài Gòn về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói như vậy là sai về nguyên tắc và sai về cơ sở pháp lý:
“Về nguyên tắc, độc quyền sách giáo khoa hay độc quyền mọi thứ sẽ dẫn đến chi phí phải trả cao. Việt Nam về kinh tế có đầy đủ bài học về chuyện đó, người Việt Nam ai cũng biết trước đây chi phí về điện thoại di động rất cao, hãng điện thoại đưa ra chính sách khống chế tiền và người dùng phải trả rất cao. Từ khi nhà nước Việt Nam cho phép cạnh tranh, mở ra nhiều hãng khác nhau. Hiện nay ai cũng thấy dịch vụ điện thoại di động tại Việt Nam giá cả rất tốt. Về nguyên lý chuyện cạnh tranh là như vậy.”
Ông ấy cứ tưởng Bộ Giáo dục phải có một bộ sách giáo khoa do nhà nước làm, thì mới thể hiện trách nhiệm nhà nước. Cái đó không đúng, trách nhiệm của nhà nước là kiến tạo ra một chính sách sao cho hoạt động kinh tế xã hội đưa đến lợi ích cao nhất cho người dân.
–Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết thêm, sai về pháp lý là dù xã hội hóa sách giáo khoa, nhưng nhà nước định giá, chứ không phải ai muốn bán bao nhiêu là bán. Ông Dũng nói tiếp:
“Ông Đại biểu Quốc hội nói như thế thì đã quên rằng, nhà nước ban hành chính sách đặc biệt đối với sách giáo khoa, tôi nói riêng về chuyện tiền bạc. Chưa kể ông ấy cứ tưởng Bộ Giáo dục phải có một bộ sách giáo khoa do nhà nước làm, thì mới thể hiện trách nhiệm nhà nước. Cái đó không đúng, trách nhiệm của nhà nước là kiến tạo ra một chính sách sao cho hoạt động kinh tế xã hội đưa đến lợi ích cao nhất cho người dân. Chứ không phải cứ bắt tay vào làm mới được. Để cho nhiều người làm sách giáo khoa nhưng nhà nước đâu có thả lỏng, trong khi nhiều nước người ta còn thả lòng. Vì sách giáo khoa phải qua hội đồng thẩm định quốc gia để bảo đảm chất lượng.”
Dù bất cứ Hội đồng Thẩm định Quốc gia nào cũng có thể có nhầm lẫn, nhưng theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, không thể vì vậy mà bác bỏ chuyện xã hội hóa sách giáo khoa.
Nghị quyết 88 – ban hành năm 2014 được truyền thông loan, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Đến năm 2020, Quốc hội ra Nghị quyết 122, có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.
Phải có sự cạnh tranh
Cũng tại phiên họp Quốc hội hôm 1/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, các ý kiến phải có một bộ sách khoa chuẩn, hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Bà Thúy nói: ‘Theo nghị quyết này, dù Bộ GD&ĐT có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.’
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi trao đổi với RFA hôm 3/11 cho rằng, sách giáo khoa trong hoàn cảnh ở Việt Nam là một loại sản phẩm đặc thù. Thứ nhất, theo thuật ngữ của kinh tế học thì nó không có tính đàn hồi nhiều so với các loại hàng hoá khác. Ông Vũ nêu ví dụ như với các loại hàng hoá thông thường thì khi giá rẻ người mua sẽ dùng nhiều hơn và khi giá đắt hơn, người mua sẽ có thể dùng ít lại.
Còn với sách giáo khoa thì theo Tiến sĩ Vũ, dù giá có tăng hay giảm thì phụ huynh vẫn phải mua sách mới để con đi học vì trong cơ chế hiện tại, sách cũ hầu như không thể tái sử dụng được vì cập nhật liên tục. Cơ chế này do đó theo ông Nguyễn Huy Vũ, cho phép các nhà xuất bản, dù nhà nước hay tư nhân, được thoải mái nâng giá sách mà hầu như không gặp phải sự sụt giảm về nhu cầu mua nào. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:
“Thứ hai, sách giáo khoa hiện nay cũng không phải là một mặt hàng có tính thay thế. Ở các loại hàng hoá thông thường, nếu một mặt hàng quá đắt thì người dùng có thể chọn mua một sản phẩm khác thay thế; điều này làm áp lực khiến giá của sản phẩm này khó tăng một cách phi lý. Sách giáo khoa hiện nay không có tính thay thế như vậy và dù giá tăng hay giảm thì người dùng vẫn phải mua bộ sách đó bởi vì hầu như không có lựa chọn nào.”
Phải làm cho sách giáo khoa có tính tái sử dụng lâu dài. Sau khi sử dụng, sách giáo khoa cũ sẽ được bán với giá rẻ, sách giáo khoa cũ tự nó sẽ cạnh tranh với sách giáo khoa mới.
–Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Nếu xã hội hoá sách giáo khoa mà không giải quyết được các đặc tính đặc thù trên của sách giáo khoa thì giá sách giáo khoa vẫn sẽ tiếp tục tăng. Vậy thì phải giải quyết nó như thế nào? Ông Vũ giải thích:
“Thứ nhất, phải làm cho sách giáo khoa có tính tái sử dụng lâu dài. Sau khi sử dụng, sách giáo khoa cũ sẽ được bán với giá rẻ, sách giáo khoa cũ tự nó sẽ cạnh tranh với sách giáo khoa mới.
Thứ hai, với cùng một chủ đề khuyến khích sự xuất hiện của nhiều bộ sách giáo khoa tham khảo. Khi có nhiều sự lựa chọn, các sách giáo khoa tự nó sẽ phải giảm giá và được bán với giá hợp lý.”
Để khuyến khích sự xuất hiện của nhiều bộ sách giáo khoa theo ông Vũ, chính quyền nên làm một bộ giáo trình khung rất cơ bản và với tiêu chí giữ nguyên giáo trình khung này trong ít nhất là 10 năm chẳng hạn. Giáo trình này nên được đăng công khai trên trang mạng của Bộ Giáo dục. Chi phí để làm giáo trình này từ ngân sách và nên tiết kiệm tối đa.
Theo ông Vũ, những nhà giáo có thể dựa vào giáo trình khung này và tuỳ vào chuyên môn của mình, tự soạn ra một chương trình giảng dạy theo chuyên môn của mình dưới dạng một giáo trình riêng hay một quyển sách và đem xuất bản để thương mại hoá. Tương tự ông Vũ cho rằng, các công ty giáo dục cũng có thể dựa vào giáo trình khung đó để tạo ra cho mình một bộ sách riêng và thương mại hoá. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, như vậy sự cạnh tranh sẽ đem lại những quyển sách giáo khoa chất lượng với chi phí hợp lý.