Những nỗ lực của Chính phủ trong việc hạn chế không gian dân sự, đặc biệt là ở môi trường không gian mạng, đe doạ quyền phát triển ở Việt Nam, tổ chức Hiến chương 19 (Article 19) khẳng định trước chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ) tới quốc gia Đông Nam Á này.
Trong tuyên bố ngày 2/11, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Vương quốc Anh cho rằng, chuyến thăm mười ngày (từ ngày 06/11) của ông Surya Deva là cơ hội để gây sức ép với Hà Nội về mối quan hệ giữa tự do Internet và quyền phát triển, là cơ hội tốt nhất để giải quyết các rào cản đối với việc thúc đẩy quyền phát triển ở Việt Nam, xem xét những thách thức đáng kể đặt ra đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và việc phủ nhận quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.
“Quyền phát triển ở Việt Nam hiện đang bị đe dọa bởi những nỗ lực của Chính phủ nhằm hạn chế không gian dân sự, đặc biệt là trực tuyến. Trong khi Internet và phương tiện truyền thông xã hội từng tạo điều kiện cho không gian dân sự rộng lớn hơn, thì những phát triển về pháp lý và công nghệ gần đây đã cho phép Chính phủ đàn áp mạnh mẽ hơn,” tổ chức Hiến chương 19 nói.
Dẫn Báo cáo Biểu đạt Toàn cầu năm 2023 của mình, tổ chức nhân quyền chỉ ra rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về quyền tự do ngôn luận, với gần 200 người bảo vệ nhân quyền hiện đang bị cầm tù, nhiều người trong số đó bị tù đày là do các hoạt động trực tuyến của họ.
Theo tổ chức này, việc các cơ quan chức năng lạm dụng Luật An ninh mạng và các quy định về tin giả, gây tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận và thông tin, gây hại trực tiếp đến quyền phát triển vì nó làm hạn chế những thảo luận công khai về nhu cầu và giải pháp phát triển, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thông tin quan trọng của người dân.
“Chính phủ Việt Nam sử dụng các công cụ theo dõi kỹ thuật số để giám sát và đe dọa công dân của mình, nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi trên nền tảng xã hội. Hơn nữa, các nhà hoạt động và nhân viên tổ chức phi chính phủ phải đối mặt với sự quấy rối liên tục, trong đó nhiều tổ chức bị đe dọa đóng cửa hoặc cáo buộc nguỵ tạo về trốn thuế.”
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng từ trước tới nay, các cơ quan của LHQ thường hời hợt trong việc tìm hiểu thực tế ở Việt Nam.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 07/11:
“Điều đáng trách của tất cả những hệ thống kiểm tra tìm hiểu của LHQ ở Việt Nam thường chỉ dừng ở các cấp quan chức, các cơ quan của chính quyền chứ không phải trực tiếp với những người dân hay những người thực sự đang cất tiếng nói.”
Nói về chuyến thăm của ông Surya Deva, nhạc sỹ này cho rằng:
“Nếu chỉ có những trao đổi ở ngoại giao cấp cao, xem xét các văn bản với nhau, thì điều đó không cần thực hiện ở Việt Nam làm gì.”
Cho rằng quyền phát triển con người mang một nội hàm rất rộng lớn, là chính sách và cũng là số phận của từng công dân cụ thể, ông đề nghị:
“Tôi nghĩ nếu ông Surya Deva chỉ cần công khai mời vài gia đình của những tử tù đang chờ thi hành án như gia đình Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, thậm chí cả gia đình của tử tù Lê Văn Mạnh … để tìm hiểu tuyên bố Việt Nam rằng không có án oan của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, thì may ra mới có một giá trị thực tế, và thuyết phục được người dân Việt Nam là chuyến đi này không tốn kém vô ích và hình thức.”
Hiến chương 19 kêu gọi ông Surya Deva phát huy vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ để truyền đạt tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bảo vệ quyền tự do Internet và tạo điều kiện phát triển kỹ thuật số ở Việt Nam theo cách hoàn toàn tôn trọng và đề cao nhân quyền.
Tổ chức có tên gọi lấy cảm hứng từ Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thúc giục ông Surya Deva kêu gọi nhà nước độc đảng ở Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận như là điều kiện tiên quyết của quyền phát triển cho người dân Việt Nam.
Tổ chức nhân quyền này nói Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ toàn bộ Luật An ninh mạng và các Điều 117, 318, 331 của Bộ luật Hình sự cũng như các quy định khác vốn được sử dụng để hạn chế một cách tùy tiện quyền tự do ngôn luận và thông tin hoặc bắt giữ và bỏ tù công dân Việt Nam chỉ vì thực hiện các quyền này.
Tổ chức này nói Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cần thúc giục chính quyền trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người đã bị cầm tù tùy tiện vì vận động nhân quyền, nhiều người trong số họ đã bị cầm tù chỉ vì nghiên cứu và cung cấp tài liệu về các dự án phát triển và môi trường ở Việt Nam, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và luật sư Đặng Đình Bách.
Báo cáo viên Đặc biệt cần tiếp xúc thực tế ở Việt Nam
Theo thông cáo báo chí của Thủ tục đặc biệt thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 6/11, trong thời gian ở Việt Nam, ông Surya Deva sẽ đánh giá các nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.
Ông cũng sẽ tìm hiểu việc Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.
Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm trợ giúp Chính phủ Việt Nam củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 5/2023, Báo cáo viên đặc biệt này dự tính sẽ thăm ba nơi gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh.
Một tuần trước chuyến thăm Việt Nam, ông Surya Deva gặp gỡ trực tuyến với thân nhân của một số tù nhân lương tâm, trong đó có gia đình ba người đi tù của bà Cấn Thị Thêu, để nghe trình bày về việc họ bị bắt giam một cách tuỳ tiện và kết án một cách không công bằng.
Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Thủ tục đặc biệt, cơ quan lớn nhất gồm các chuyên gia độc lập trong hệ thống nhân quyền của LHQ, là tên gọi chung để chỉ các cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.