Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Anh Hùng đề nghị xem xét lại bản án của ông theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời lên tiếng tố cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tội “phản quốc”và cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải tội “hoạt động gián điệp.”
Ông Lê Anh Hùng mãn hạn tù hồi tháng 7 năm nay sau bản án tù năm (05) năm về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian thi hành án ở Trại giam Nam Hà (hay còn gọi là Trại giam Ba Sao ở tỉnh Hà Nam), ông đã viết đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sau khi được trả tự do, ông đã đến Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội để hỏi về lá đơn nói trên. Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân ở đây cho ông biết là họ không nhận được lá đơn của ông.
Ngày 25/9/2023, ông đã trực tiếp đến Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nộp đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông đưa ra lý lẽ cho lời đề nghị của mình:
“Trong quá trình điều tra các cơ quan tố tụng, cụ thể là công an Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng cũng như là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc điều tra hình sự
Họ đã vi phạm quy trình tố tụng ở chỗ, khi tôi giăng biểu ngữ tố cáo hai nhân vật kia thì lẽ ra họ phải mời tôi đến để tôi cung cấp đầy đủ các bằng chứng, lý lẽ để bảo vệ lời tố cáo của mình nhưng mà họ đã không làm điều đó.”
Theo ông, phát hiện ông treo biểu ngữ tố cáo hai quan chức cao cấp của chế độ, nhà chức trách Hà Nội cần mời ông đến làm việc để xác minh lời tố cáo, nếu thấy đúng thì cần khởi tố những người bị ông tố cáo, còn nếu thấy không đúng thì có thể khởi tố ông về tội “vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, như Công an Quảng Trị đã làm năm 2009 (sau đó vụ án bị đình chỉ vì cho rằng ông Hùng mất khả năng nhận thức).
Cựu tù nhân lương tâm khẳng định, việc ông bị bắt và khởi tố theo Điều 331 mơ hồ là không phản ánh bản chất của việc ông tố cáo.
Mặc dù đã hơn một tháng kể từ khi gửi đơn nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Ông cũng đã gửi các văn bản trên đến nhiều cơ quan trung ương của Việt Nam cũng như nhiều cơ quan báo chí trong nước.
Từ năm 2008, ông tố cáo Hoàng Trung Hải khai man lý lịch (không khai bố là người Việt gốc Hoa) và cầm đầu đường dây ma tuý cũng như phạm nhiều tội ác khác… với nhân chứng duy nhất là vợ của ông.
Trong kết luận điều tra thể hiện, bà này sau đó tại cơ quan An ninh điều tra đã phủ nhận có liên quan đến nội dung tố cáo và việc từng ký tên vào “Bản cam đoan” và ký vào “Đơn tố cáo” gửi Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là làm theo chỉ đạo của ông Hùng…
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Hùng cũng tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã phê chuẩn chức vụ Phó thủ tướng của ông Hoàng Trung Hải vào năm 2007, và trên cương vị là người đứng đầu đảng từ năm 2011 đã phớt lờ các tố cáo của ông cũng như của nhiều cựu cán bộ cao cấp đối với ông Hải.
Phóng viên RFA không thể kiểm chứng độc lập các tố cáo và thông tin mà ông Lê Anh Hùng đưa ra.
Ông Lê Anh Hùng cho biết ông đã làm việc với Cơ quan An ninh của Công an thành phố Hà Nội vào ngày 04/11/2023. Trong buổi làm việc, ông đã thông báo về việc sẽ tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo hai ông Nguyễn Phú Trọng và Hoàng Trung Hải cho đến khi vụ việc được giải quyết.
“Công lý phải được thực thi, không phải là công lý cho cá nhân tôi, mà quan trọng hơn thế nhiều: công lý cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Những kẻ phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng với quốc gia, với dân tộc phải bị vạch mặt và trừng trị đích đáng,” ông nói.
Ông Lê Anh Hùng, 50 tuổi, là cử nhân kinh tế và là một dịch giả. Trước khi bị bắt vào năm 2018, ông viết nhiều lá đơn gửi đi khắp nơi đồng thời treo biểu ngữ ở đường phố Hà Nội với nội dung tố cáo người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và người đứng đầu đảng bộ thủ đô khi đó là Hoàng Trung Hải.
Sau khi bị bắt tạm giam gần một năm để điều tra, ông bị buộc chữa trị bệnh tâm thần ở Viện Pháp y Tâm thần Trung ương trong thời gian ba năm tiếp theo do bị kết luận “mắc bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng.”
Đến tháng 8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên ông bản án năm (05) năm tù giam.
Trong thời gian ông bị giam cầm, nhiều tổ chức quốc tế như Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.