Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng điện gió ngoài khơi theo mục tiêu đặt ra cho đến năm 2030. Reuters dẫn nhận xét này từ một lãnh đạo công ty điện lực Nhà nước cho biết như vậy hôm 9/11.
Thông tin này được đưa ra vào khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảnh báo về những cản trở trong vấn đề quy định liên quan đến lĩnh vực này.
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi vì có gió mạnh và các vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư. Ngân hàng Thế giới ước tính lĩnh vực này có thể bổ sung thêm ít nhất 50 tỷ đô la cho nền kinh thế Việt Nam.
Việt Nam đặt ra kế hoạch có được 6 GW điện gió ngoài khơi từ nay đến năm 2030. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa có điện gió ngoài khơi.
Reuters trích lời vị lãnh đạo công ty giấu tên vì lý do không được phát biểu với báo chí nói rằng sẽ rất khó để đạt được mục tiêu 6 GW này vào năm 2030.
Các chuyên gia ước tính việc xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi sẽ mất khoảng năm năm và có thể lâu hơn.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa đưa ra bình luận gì về nhận định mới này.
Hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đạt được một thỏa thuận với các nước công nghiệp phát triển G7 và đối tác mà theo đó Việt Nam sẽ nhận được một gói trợ giúp tương đương 15,5 tỷ đô la để chuyển đổi từ việc sử dụng than sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường nhằm đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trong một tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi khí hậu sắp diễn ra vào ngày 30/11 tới ại Dubai, các nước G7 đã bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam thiếu các chính sách, thủ tục hợp lý trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Reuters trích dẫn thông tin từ tài liệu này cảnh báo việc thiếu dữ liệu về tốc độ gió ngoài khơi và cấu trúc ở đáy biển ngoài khơi Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ ra khả năng tài chính giới hạn và kinh nghiệm ít ỏi về lĩnh vực này của Việt Nam.