Liên tiếp từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 10, điện thoại tôi nhận được cả thảy 5 tin nhắn xin tiền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung nói nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Mặt trận kêu gọi ủng hộ làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên bằng cách chuyển khoản tới Quỹ Vì người nghèo Trung ương, số tài khoản XXX.
Gớm chửa! Nhà cháu chả dại, nhá!
Mới hôm nọ đây, chính các bác khoe đang còn đến ngót 1.000 tỷ đồng trong Quỹ phòng chống dịch COVID. Tiền này cũng là xin dân và doanh nghiệp mà có. Giờ dịch hết rồi, mà tiền còn nhiều thế cơ chứ áy náy ghê. Yêu cầu Trung ương cho ý kiến xem nên làm gì với đống tiền.
(Hỏi ý kiến Trung ương giả vờ thế thôi chứ các bác đã có chủ định sẵn: để đấy chờ bao giờ có dịch mới thì… lấy ra tiêu!)
Các bác giỏi thật! Cũng với mấy cái tin nhắn thế thôi mà trong dịch các bác xin được gần 18.000 tỷ. 18 ngàn tỷ đấy. Trung ương xin được khoảng 2.900 tỷ, địa phương trên 15.000 tỷ, tính chung cả tiền mặt lẫn hiện vật.
Xài bét nhè, cuối cùng vẫn dư những 1.000 tỷ.
Ăn tranh của lợn
Nhà cháu nhớ, trong mấy tháng cao điểm dịch ở TP HCM ấy, chúng cháu chưa bao giờ phải khổ sở cùng cực, khổ sở một cách vô lý đến thế.
Để hạn chế người dân ra đường tiếp xúc nhiều, các bác cho tổ dân phố đến tận nhà phát phiếu đi chợ tuần 2-3 lần. Nhưng dân chỉ được đến mua tại những siêu thị cụ thể được chỉ định.
Nhà cháu già yếu, hàng ngày chỉ lọ mọ ra chợ hay mấy cái siêu thị thực phẩm be bé gần nhà, còn đi đâu xa cứ phải xe ôm với taxi trực chỉ. Các bác bắt mua thực phẩm ở siêu thị cách nhà cháu đến tận 5 cây số, trong khi xe ôm đã bị cấm không cho chạy. Cháu đi bằng cách nào với hai cái chân viêm khớp? Đi bộ thì làm sao vác về gạo, dầu ăn, nước tương nước mắm, toàn thứ nặng? Đặt hàng siêu thị giao tận nhà thì ngồi đến khi chủ nghĩa xã hội thành công cũng chỉ thấy cái nút tròn quay quay báo hiệu mạng nghẽn không thể vào được.
Nhưng cái khó ló cái khôn, dân ta vốn xoay trở rất tài. Ngay lập tức có rất nhiều điểm bán thực phẩm tự phát mọc ra khắp các chung cư, hẻm hóc, ngã tư ngã năm. Cái gì cũng có, từ trứng đến tôm tươi, thịt heo, thịt gà, thịt bò, cá đồng… nhưng bán chạy nhất là rau xanh.
Trời ơi chấp hành chủ trương của Nhà nước núp kín trong nhà trốn dịch thì ăn cơm với nước mắm cũng được, nhưng thiếu rau xanh thì gay lắm. Nhà đông người cũng thường chỉ có một cái tủ lạnh, giờ tuần đi chợ 2 lần không thể trữ đủ rau xanh. Hỏi người quen người biết, ai cũng lúng túng cười cái sự ông Táo (bón) mặt dày ở lì với mọi người cả tháng.
Nên, thiếu thịt cá vài ngày cũng được, nhưng phải mua bằng được rau xanh. Vậy là gần như lần đầu tiên sau thời kỳ bao cấp khốn khổ, dân thành phố lại được nếm mùi những mớ rau muống kỳ thú. Nó là loại rau muống ruộng hoặc rau muống bè trôi nổi trên những mặt nước đáng nghi ngờ về vệ sinh, cọng nhỏ téo, dài ngoằng ngoẵng đến cả hơn nửa thước và dai ngoanh ngoách. Ngày thường, nó là rau để băm ra cho lợn gà ăn. Nay người phải ăn tranh của lợn mà còn chẳng có.
Su su, xúp lơ, bắp cải, cà rốt, bí bầu… những thứ có thể để dành vài ngày được thì đèo đẹt, héo quắt, vàng úa, sâu sia…
Nhưng trong dịch thì tất cả đều thành nhân sâm, giá đội lên mấy chục ngàn đồng một ký, mà phải canh me, giành giật nhau mới mua được một ít.
Có bữa ông chú hàng xóm hớn hở gõ cửa nhà tôi, dúi cho một bó rau cải thìa con đã hơi úa vàng: “Nhà ở bên kia người ta mua làm từ thiện, phát mỗi nhà một miếng. Ăn đỡ đi ha, có còn hơn không”.
Chúng tôi nhìn nhau nửa cười nửa mếu. Mếu vì tình cảnh của mình, nhưng còn vì chỉ cách trung tâm thành phố có mười mấy cây số thôi, hàng cánh đồng rau xanh của nông dân bị bỏ cho chết khô. Cách xa hơn nữa thì rau quả Đà Lạt chết rục. Vườn cây ăn trái miền Tây trái rụng đầy gốc, quăng bỏ ngập mương. Cá tôm, heo, gà vịt lớn hết cỡ, chết già trong chuồng, trong ao. Hàng hóa không thể chở đi bán, nông dân, thương lái khóc rũ.
Mà tất cả thảm cảnh đó đều do chính sách mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch, nội bất xuất ngoại bất nhập, nên mạng lưới hàng hóa bị thắt nghẹt, trở lại đêm trường bao cấp kinh hoàng.
Nói cho rạch ròi, rất nhiều phường trong thành phố cũng chạy đôn đáo lo được gạo, thực phẩm, rau xanh cứu trợ cho dân đói. Nhưng không phải từ nguồn quỹ do dân góp chống dịch, mà do phường nào tranh thủ xin được nhiều doanh nghiệp hay các mạnh thường quân thì có cho dân thế thôi.
Doanh nghiệp càng khóc thét. Họ phải bỏ ra cả núi tiền để lo sinh hoạt, mua lều, chăn gối cho công nhân ngủ (cách ly) ngay tại nhà máy, tiền test COVID mấy ngày một lần… Hàng hóa ứ tắc, nhưng vẫn phải sản xuất cầm chừng vì không biết tình hình dịch thế nào.
Nhưng, dân ta còn tốt lắm. Nói cách khác, là còn ngây thơ lắm.
Hăng hái góp quỹ Phòng chống COVID này đã đủ đâu. Còn phấn khởi nhiệt tình góp cả Quỹ vắc xin nữa cơ.
“Tiền trong dân còn nhiều lắm”
Quả thật như quan bác nào đã dạy thật chí lý: Tiền trong dân còn nhiều lắm (cứ xin đi các bác).
Quỹ phòng chống COVID dư gần ngàn tỷ. Quỹ vắc xin, tính đến 17h ngày 08/6/2023 thì xin được gần 11.000 tỷ, đến nay còn dư hơn 3.000 tỷ.
Úi chà lúc ấy dân ta góp tiền cho các quỹ mới hăng chứ! Báo chí liên tiếp đưa tin cụ già trút hết tiền tiết kiệm và mua quan tài đến góp cho quỹ. Em bé đập ống heo. Công chức viên chức (bị buộc) góp một ngày lương. Cộng đồng người Việt hải ngoại sống ở khắp các nước đều gởi tiền về. Trên các mạng xã hội xuất hiện một trend mới: bà con post màn hình chụp tài khoản đã góp quỹ COVID lên. Việc làm (vốn cao thượng) ấy lan tỏa nhanh dễ sợ. Rất nhiều người trông thấy bạn bè đã góp quỹ thì trong lòng cũng rạo rực, lập tức cũng trích tiền góp quỹ. Góp xong cũng thấy nhẹ lòng, ấm áp trong tim, vì đã làm một việc tốt.
Tiền về ào ạt như nước sông Đà. Các bác cảm động quá. Như truyền thống, các bác nghĩ ngay ra cho nó một cái tên rưng rưng: “Quỹ của lòng dân”.
Chẳng phải của lòng em
Vầng, đúng thế. Em có kinh nghiệm và quan sát cách xài các quỹ xin tiền dân rồi, nên mặc cho con lũ yêu nước trào lên khắp mọi hướng, em cương quyết không góp vào đấy đồng nào.
Mà em góp trực tiếp cho các bác sĩ đang điều trị COVID ở bệnh viện dã chiến những nơi khó khăn. Họ thiếu khẩu trang y tế, thiếu găng tay, thiếu đồ bảo hộ đạt chuẩn. Góp như thế yên tâm hơn hẳn về việc đồng tiền công sức của mình được sử dụng đúng chỗ, thật sự có giá trị giúp người.
Nhưng số tiền người dân góp trực tiếp cho các bệnh viện vẫn không thể đủ. Trong dịch, vẫn có những bệnh viện thậm chí các khoản tiền nhỏ xíu như mua sổ sách, bút bi để ghi chép cũng bị cắt giảm. Bác sĩ phải tự bỏ tiền mua khẩu trang, thậm chí phải hấp lại để dùng tiếp.
Không thể tính được nhưng rất nhiều người dân mắc bệnh hoặc chết trong đại dịch cũng phải nhờ các tổ chức thiện nguyện cung cấp thuốc, bình ô xy, chi phí mua quan tài và mai táng.
Cho đến cách đây mấy tháng, nhân viên y tế TP HCM mới được nhận tiền hỗ trợ chống dịch từ tận gần hai năm trước.
Tại sao trong những thời điểm khó khăn tận cùng như vậy, Quỹ phòng chống dịch COVID của nhà nước không lấy tiền (đi xin của dân) ra để mua gạo, rau, thực phẩm, khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, quan tài… cho nhân viên y tế và những người dân mắc bệnh, ốm chết? Mà cứ để cho đến nay dư cả ngàn tỷ, rồi bà Phó chủ tịch Mặt trận thỏ thẻ nói thôi mang về, chờ bao giờ dịch tiếp thì lấy ra xài?
Khôn như thế, quê em đầy!
Quay lại việc Mặt trận lại đi xin tiền dân để làm nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên.
Năm 2004, vụ án rút ruột tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ gây rúng động cả nước.
Chỉ vài tuần sau lễ khánh thành, tường bao khuôn viên tượng đài bị đổ sập, mặt sân nứt chi chít. Hai tháng sau lễ khánh thành, rỉ bắt đầu xuất hiện khắp nơi trên thân tượng, biến màu đồng đỏ (theo thiết kế) thành đồng xanh, đồng xám, rồi đồng đen thui.
Gây rúng động là vì những kẻ phạm tội dám ăn chặn một công trình không những là biểu tượng thiêng liêng của tỉnh Điện Biên mà còn của cả nước. Rúng động còn vì dính chàm nguyên một dàn cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm của tỉnh Điện Biên và liên quan, gồm Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin kiêm Trưởng Ban quản lý dự án + nguyên giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương, dính đến cả Phó chủ tịch tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ký duyệt các văn bản. 98 tấn đồng bị rút ruột khỏi tượng đài Chiến thắng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 6 tỷ đồng. Số tiền đưa hối lộ là khoảng 500 triệu đồng.
(Mở ngoặc một chút chỗ này. Nhìn lại những con số trên, so sánh với con số đưa hối lộ gần 226 tỷ đồng trong đại án giải cứu người Việt ở nước ngoài trong dịch COVID vừa qua mới càng thấy rõ sự nghiệp tham nhũng ở Việt Nam đã tiến những bước rất dài, chỉ số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Năm sau đều cao hơn năm trước!)
Thời điểm các quan chức Điện Biên và một số thuộc Trung ương gặm nhấm tượng đài Chiến thắng, trong cả nước chỉ còn bốn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%. Điện Biên là một trong bốn tỉnh ấy.
Trong hai năm 2003-2004, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của cả nước khoảng 484.000 đồng. Nhưng vùng Tây Bắc (nơi có tỉnh Điện Biên) chỉ đạt gần 266.000 đồng, thấp nhất toàn quốc (Báo cáo tình hình kinh tế xã hội từ năm 2002 đến 2010 của Tổng cục Thống kê).
Số tiền trung bình do Trung ương hỗ trợ để xây nhà Đoàn kết tặng các hộ nghèo vào thời điểm đó khoảng năm triệu đồng/căn. Như vậy tính riêng số tiền các quan chức Điện Biên rút ruột của Nhà nước trong vụ tượng đài Chiến thắng thì đã có thể xây 1.200 căn nhà đoàn kết cho hộ nghèo. Nói cách khác, nếu buộc được bọn họ phải trả lại toàn bộ số tiền đã tham nhũng thì ngân sách không bị thiệt hại khoản đó. Bù qua sớt lại là có thêm một khoản để dùng cho những việc khác, ví dụ hỗ trợ xây nhà cho người nghèo chẳng hạn.
Xin đừng lôi những lý do như tiền ngân sách khoản nào ra khoản đó nên không thể lấy khoản nọ bù khoản kia! Túi tiền của Trung ương dù chia ra bao nhiêu khoản mục đi nữa thì tổng cộng vẫn chỉ là một túi. Nếu nó hụt, Trung ương hoặc phải kiếm thêm bù vào, hoặc phải cắt giảm một số khoản đã dự tính. Quyền điều phối nằm trong tay Trung ương cả.
Kiếm thêm thì dễ nhất là tăng thuế, phí và đặt thêm các khoản thuế, phí mới.
Nhà nước đã tính đến việc tăng hàng loạt sắc thuế đến năm 2030 và bổ sung thu thuế với nhà ở.
Nói cách khác, dân đen Việt Nam vốn đã một đời quần quật cày cuốc mới hy vọng đủ ăn, ước mơ và tầm nhìn không điều gì khác ngoài được no bụng mỗi ngày thì sắp tới, nhờ ơn các tấm gương tham nhũng sáng chói, sẽ phải lao động hăng say hơn nữa để vẫn đạt được (mấp mé) mục tiêu ấy.
Tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi
Nó chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác.
Trong 10 năm từ 2013 đến 2023, tổng số tài sản tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước được tính vào khoảng 176.000 tỷ đồng. Mới thu hồi được 61.000 tỷ (34,7%). Số còn lại hơn 100.000 tỷ có thể vĩnh viễn mất trắng vào bụng bọn quan tham (Báo cáo chống tham nhũng lãng phí 10 năm 2012-2022).
Nếu các bác chống tham nhũng thật sự chứ không phải chống bằng khẩu hiệu hô hào, nếu không bị tham nhũng làm mất đi chừng ấy tiền thì túi tiền Trung ương vẫn rủng rỉnh lắm. Tha hồ chi cho tất cả những khoản quan trọng như xây nhà cho người nghèo chẳng hạn. Mà chẳng phải nhờ đến Mặt trận suốt ngày này đến tháng nọ đi xin tiền dân.
Nên thôi, cháu xin. Cái túi của chúng cháu vốn yếu đuối mong manh lắm rồi, không thể để những lời đường mật khiến vài đồng trong đấy lại chạy việt dã sang túi các bác nữa được.
___________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/tuong-dai-dien-bien-phu-tat-ca-cung-au-thanh-ra-noi-nay-43573.htm
https://vnexpress.net/5-nguoi-bi-bat-trong-vu-xay-dung-tuong-dai-dien-bien-phu-2085783.html
https://nhandan.vn/bat-chu-tich-uy-ban-mat-tran-to-quoc-viet-nam-thanh-pho-bien-hoa-post687913.html
https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/Muc05_thunhap-1.pdf
https://tuoitre.vn/xet-xu-vu-rut-ruot-tuong-dai-chien-thang-dien-bien-phu-370808.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.