Nhiều nhà hoạt động và thân nhân của tù nhân lương tâm (TNLT) ở nhiều tỉnh và thành phố bị cơ quan an ninh theo dõi trong nhiều ngày gần đây khi Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ) Surya Deva đang thăm Việt Nam.
Trong chuyến thăm kéo dài mười ngày từ ngày 06/11 đến 15/11, ông Surya Deva gặp gỡ một số quan chức cao cấp của Việt Nam, và thăm Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh.
Không rõ trong chương trình làm việc của mình ông có kế hoạch gặp gỡ với người hoạt động hay thân nhân của họ hay không nhưng một số người bất đồng chính kiến và thân nhân của TNLT nói họ bị lực lượng an ninh địa phương cho người bám sát trong tuần qua.
Từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ cựu TNLT Ngô Văn Dũng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết từ ngày 09/11, công an thành phố đã đưa người tới canh gác ở gần nhà cho tới hết ngày 12/11.
Bà nhận ra những người canh gần nhà bà là công an thành phố, chính họ từng theo dõi bà trong giai đoạn ông Ngô Văn Dũng còn đang ở trong tù và cả thời gian gần đây sau khi ông trở về nhà từ giữa tháng 9 vừa qua.
Ông Ngô Văn Dũng cho biết trong sáng chủ nhật vừa qua, ông có hẹn đi uống cafe với bạn ở trong thành phố. Một nhân viên công an nài nỉ đưa ông đi bằng xe máy và được ông Dũng đồng ý. Người này ngồi gần để nghe cuộc nói chuyện của ông với bạn bè, và đưa ông về nhà khi cuộc gặp kết thúc.
Ông Dũng cho biết bản thân có ý muốn đi gặp ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển để trình bày thực tế quyền con người ở Việt Nam, tuy nhiên ông không biết được lịch trình của ông Surya.
Bà Lê Thị Hà, vợ của TNLT Đặng Đăng Phước cũng ở thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết bà bị an ninh thành phố theo dõi nhất cử nhất động trong liên tiếp mấy ngày trước.
Bà nói trong tin nhắn gửi RFA chiều ngày 14/11:
“Tôi phát hiện mình bị theo dõi từ 6 giờ sáng ngày thứ bảy (11/11), khi tôi đi đổ rác. Tôi thấy một người phụ nữ đeo khẩu trang, đi xe máy màu đỏ đậu xe trong hẻm nhà tôi và quan sát. Đến 7 giờ 30 sáng cùng ngày, hai vợ chồng cựu TNLT Ngô Văn Dũng ghé nhà tôi, lúc đó người phụ nữ này chạy qua nhà tôi nhìn vào nhà quan sát. Khi thấy chúng tôi cùng đi uống cafe, khi ra thì không thấy người phụ nữ đó nữa.
Trong sáng chủ nhật, tôi đi viếng mộ mẹ mình ở nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột cách nhà độ 3 km. Tôi ra khỏi nhà lúc hơn 6 giờ sáng, sáng sớm chủ nhật nghĩa trang rất vắng, chỉ có mình tôi và một người phụ nữ đã đi theo tôi từ nhà. Sau khi đi viếng mộ về thì tôi đi dự đám cưới cùng một người bạn, lúc này phía bên kia cũng tăng cường nhân lực thêm một người phụ nữ nữa. Hai người họ đi hai xe. Chúng tôi đi, họ đi, chúng tôi dừng họ dừng, dù tôi và người bạn bị lạc đường và nơi tổ chức đám cưới cách nhà tôi hơn 10 km.”
Cho đến ngày 14/11 những người theo dõi bà đã không còn xuất hiện nữa.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi cho biết trong hai ngày nay, nhân viên an ninh đã theo dõi và chạy xe máy theo sát bà mỗi khi bà có việc phải ra đường.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của TNLT Lê Trọng Hùng, từ Hà Nội cho RFA biết gia đình bà cũng bị công an canh gác. Tuy nhiên, bà vẫn không bị ngăn cản khi đi làm và đưa con đi học. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA chiều ngày 14/11:
“Tôi bị an ninh canh nhà từ hôm qua. Hiện tại họ vẫn còn canh và tôi không rõ đến khi nào thì họ dừng lại.
Khi mẹ con tôi ở trong nhà thì họ canh ở đầu ngách. Khi tôi đi ra ngoài để đi làm hoặc đưa con đi học thì họ đi theo.”
Những người bị canh nói trên không biết lý do tại sao trong khi lực lượng canh giữ chỉ nói “làm theo chỉ đạo của cấp trên” mỗi khi bị tra hỏi.
Phản ứng về việc bị an ninh canh giữ nhiều lần kể từ khi ông mãn hạn năm năm tù giam, cựu TNLT Ngô Văn Dũng thể hiện sự bực bội. Vợ ông kể lại:
“Chú mới về, tụi cháu mà cho người mà canh như vậy thì làm sao mà chú làm ăn được. Thứ hai nữa chú mới về mà tụi cháu cho người canh vậy ai dám tới nhà chú, ai dám mà tiếp xúc giao lưu với gia đình chú? Chú không có đồng ý đâu.”
Sau khi bị phản ứng, phía công an cũng tự động rút đi hoặc vẫn canh giữ nhưng ở khoảng cách xa hơn, bà Nga cho biết.
Việc canh giữ tư gia và hạn chế việc đi lại của người hoạt động hoặc thân nhân của TNLT đã xảy ra từ nhiều năm qua, và thông qua nhiều hình thức.
Trong thông cáo của Liên Hiệp quốc trước chuyến đi, chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt có mục đích hỗ trợ Hà Nội củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, ông Surya Deva sẽ đánh giá các nỗ lực của quốc gia này trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.
Ông cũng sẽ tìm hiểu việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.
Chuyên gia sẽ trình bày báo cáo của ông lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc vào tháng 09 năm 2024.