Hôm 2 tháng 12 năm 2023, Nhà thơ Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm “Chân dung các văn nghệ sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Trong 184 tấm tranh do ông thực hiện từ các lá đồng, có 31 tấm bị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cấm treo. Trong 31 bức chân dung bị cấm treo này có cả những người từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật…
Nhà thơ Hoàng Hưng, một người từng bị tù ba năm vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”, chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ này cũng là một người có tên trong danh sách chân dung bị cấm treo. Ông nói với RFA suy nghĩ của mình hôm 3 tháng 12 năm 2023:
“Thứ nhất, tôi không biết lệnh cấm này cụ thể là ai ở Sở Văn hóa Hà Nội. Tôi chỉ có thể nói là quá kém, không tưởng tượng được. Một người làm công tác văn hóa bậc thấp cũng không thể kém cỏi đến như thế. Trong danh sách những chân dung bị cấm treo lại có cả những nhân vật từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh như ông Trần Đức Thảo. Ông Trần Đức Thảo có tuyển tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật của Đảng cộng sản in một cách trân trọng. Ngoài ra, một số nhà văn đã được giải thưởng nhà nước như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Duy mà cũng bị cấm treo thì quả thực là không hiểu nổi.
Thứ hai, việc cấm những ai thì nằm trong tay một người nào đó ký quyết định. Nhưng nó nằm trong chủ trương của cả hệ thống là luôn luôn kỳ thị và không muốn cho xuất hiện trước công chúng những người đã từng làm Đảng không vừa lòng. Đây là một chủ trương từ thời Nhân Văn Giai Phẩm kéo dài đến nay chứ không mới mẻ gì.
Có thời kỳ đổi mới thì có cởi mở hơn, nhưng mấy năm gần đây tôi thấy có chiều hướng muốn trở lại thời kỳ khắt khe ngày xưa.”
Nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định, đây là chủ trương của cả một hệ thống chứ không phải một việc có tính chất ngẫu nhiên hay đơn lẻ của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.
Thứ hai, việc cấm những ai thì nằm trong tay một người nào đó ký quyết định. Nhưng nó nằm trong chủ trương của cả hệ thống là luôn luôn kỳ thị và không muốn cho xuất hiện trước công chúng những người đã từng làm Đảng không vừa lòng. Đây là một chủ trương từ thời Nhân Văn Giai Phẩm kéo dài đến nay chứ không mới mẻ gì. – Nhà thơ Hoàng Hưng
Nhà văn Phạm Viết Đào, người có tên trong danh sách chân dung bị cấm treo, bày tỏ cảm xúc của ông với RFA:
“Đây là một sự tùy tiện cửa quyền quan phương, cảm tính và bất chấp luật pháp trong quản lý nghệ thuật. Không thích thì cấm ghét thì cấm chẳng căn cứ một quy định luật pháp nào cả… Họ chẳng suy nghĩ gì cả họ chỉ thấy họ có quyền ra lệnh vì họ là quan chức bắt người khác phải phục tùng cái quyền của họ một thứ quyền không do luật pháp quy định mà tự họ cho họ cái quyền bắt nạt người khác. Xin lưu ý đây là bộ máy quản lý văn hóa của thủ đô một nước 100 triệu dân.”
Nhà thơ Phạm Xuân Trường là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông tổ chức triển lãm tranh gò đồng của mình. Hồi tháng 11 năm 2018, ông đã tổ chức triển lãm 108 bức tranh gò đồng ở Hải Phòng và bị Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng cấm treo 8 tác phẩm trong số 108 bức ông đem đến.
Nhà thơ Liêu Thái nhận định với RFA về lệnh cấm của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội hôm 2 tháng 12 vừa qua:
“Hành vi cấm treo 31 bức tranh gò đồng này cho thấy, các ông kêu gọi, vận động nhà văn Việt Nam vươn đến giải Nobel Văn học, nhưng thực tế việc các ông làm rất nghịch lý và mâu thuẫn. Mặc dù các ông đang cố gắng theo đuổi một cái gì đó ở thế kỷ 21 nhưng cách làm việc của các ông rõ ràng đang ở thập niên 50. Nhưng ngay cả thập niên 50, ví dụ như thời Chủ nghĩa Tượng trưng hình thành, họ cấm vì nó khác chủ đề, nó xa lạ với sinh quyển nghệ thuật lúc đó, chứ không phải đối tượng nó khác. Còn bây giờ, chủ thể trong những bức tranh đó là những đối tượng các ông không ưng ý nên các ông cấm. Hành vi này đi ngược với cái gọi là văn hóa. Rất tiếc nó là hành vi, là hành xử của một cơ quan quản lý văn hóa.
Ở các nước tiến bộ thì sẽ thấy việc đó quá ghê gớm, nhưng ở Việt Nam thì nó xảy ra nhiều lần rồi. Nó là bầu khí quyển chung của nghệ thuật Việt Nam rồi.”
Việc cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh cấm, hủy những sự kiện văn hóa hay xử phạt những người tổ chức đã từng xảy ra.
Hồi tháng 8 năm 2022, Chính quyền TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh đối với hoạ sĩ Bùi Quang Viễn (Bùi Chát) với lý do tổ chức triển lãm tranh trước đó mà không xin phép. Quyết định xử phạt được ký bởi ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ, nếu vị hoạ sĩ không chấp hành việc tiêu hủy thì sẽ bị cưỡng chế, ngoài ra còn phải đóng tiền lời nếu chậm trễ nộp phạt hành chính.
Chủ tịch UBND TP.HCM sau đó đã bỏ yêu cầu bắt buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh của mình với lý do được đưa ra là: “Qua thẩm định 29 bức tranh triển lãm không có biểu hiện nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, không có biểu hiện nội dung đi ngược lại với đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước và ông Bùi Quang Viễn đã nhận thức hành vi vi phạm, có nguyện vọng không tiêu hủy 29 bức tranh”.
Tháng 11 năm 2021, buổi giới thiệu cuốn sách của cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam- Ted Osius cũng bị hủy đột ngột mà lý do hủy không được thông báo. Trong sách, tác giả nhắc đến một số lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam mà ông từng có dịp tiếp xúc trong thời gian làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2014- 2017.
Với một số văn nghệ sĩ, hành động của một số cơ quan mang danh ‘văn hóa’ là không phù hợp với cái tên của mình, cụ thể trong vụ mới nhất liên quan đến cuộc triển lãm tranh của nhà thơ Phạm Xuân Trường tại hà Nội. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với RFA quan điểm của ông:
“Xã hội có pháp luật, nhưng người kiểm soát xã hội thích hành động bằng những ghi chú rừng rú trong sổ tay cá nhân của mình, và tệ hơn những ghi chú đó nó bộc lộ luôn sự thiếu hiểu biết và những định kiến cá nhân thấp kém, dẫn đến một thế giới sống đầy hoang mang vì không biết cái gì đúng, cái gì sai. Đến giờ, người ta vẫn không thể biết rằng sở Văn hóa Thông tin đó đã dựa vào tiêu chí nào và quy chuẩn nào để loại bỏ 31 người ra khỏi bộ sáng tác chân dung gò đồng. Và tôi tin rằng nếu như ngay cả 31 người đó cùng làm đơn yêu cầu sở văn hóa giải thích, các quan chức cũng không đủ khả năng để nói là tại sao!”
Nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc nhận định:
“Là một người viết văn, làm thơ, tôi thấy việc này nó phảng phất như một cuộc đấu tố ở thế kỷ 21 này. Như hồng vệ binh thời cách mạng văn hóa vô sản mà Mao Trạch Đông phát động ở Trung Quốc từ thập niên 60.
Tôi bức xúc và ngạc nhiên khi thấy đến bây giờ mà họ (sở Văn hóa Hà Nội – NV) còn hành xử như vậy. Có thể người ra lệnh cấm họ rất cảm tính. Ở Việt Nam bây giờ như thập nhị sứ quân, mỗi địa phương họ làm việc theo ngẫu hứng của họ. Tôi không nghĩ cấp cao nhất họ ra chỉ thị như vậy đâu mà đó là một sự ngẫu hứng vô văn hóa của cấp thấp.”
Nhà văn này nói vui, có lẽ sau sự việc này, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội sẽ xin kinh phí chấn hưng văn hóa cho chính họ.
Tôi bức xúc và ngạc nhiên khi thấy đến bây giờ mà họ (sở Văn hóa Hà Nội – NV) còn hành xử như vậy. Có thể người ra lệnh cấm họ rất cảm tính. Ở Việt Nam bây giờ như thập nhị sứ quân, mỗi địa phương họ làm việc theo ngẫu hứng của họ. Tôi không nghĩ cấp cao nhất họ ra chỉ thị như vậy đâu mà đó là một sự ngẫu hứng vô văn hóa của cấp thấp. – Nhà văn Trần Ngọc Tuấn
Cách đây ba tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ Hà Nội chi 350.000 tỷ đồng cho mục tiêu gọi là “chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn 2025-2035”. Theo đề xuất này, đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.
Đến năm 2035, 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc đơn vị công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, có năm trường đại học trọng điểm và hai viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.