Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGOs) lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động vì môi trường bị bỏ tù và bảo đảm cho hoạt động của xã hội dân sự trước khi thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng với các nước Phương Tây được xúc tiến.
Mạng báo Mongabay chuyên về lĩnh vực môi trường- thiên nhiên loan tin ngày 8/12 về cuộc họp báo hai ngày trước đó diễn ra bên lề Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra ở Dubai.
Vấn đề chính được nêu ra tại cuộc họp báo do nhóm có tên 350.org tổ chức là làm thế nào khoản tài trợ 15,5 tỷ USD theo Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT) giữa Việt Nam và nhóm các nước tiên tiến G7 có thể thực sự “công bằng” khi mà Hà Nội trong hai năm qua đã bỏ tù sáu nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ cho nguồn năng lượng sạch, từ bỏ điện than.
Nhà hoạt động Shruti Suresh tổ chức Global Witness lên tiếng tại cuộc họp báo rằng “Chúng ta cần có chuyển đổi năng lượng công bằng để giải quyết tình trạng khủng hoảng khí hậu; tuy nhiên quý vị không thể có chuyển đổi năng lượng khi không cho giới bảo vệ môi trường và xã hội dân sự tham gia trong quá trình ra quyết định. Thật sốc khi Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ và những nhà tài trợ lớn khác… đang xúc tiến khoản đầu tư (15,5 tỷ) mà không giải quyết những mối quan tâm thiết yếu của xã hội dân sự.”
Sáu trường hợp các nhà hoạt động về môi trường- khí hậu bị Việt Nam bắt bớ, bỏ tù, kết án được nệu ra là bà Ngô Thị Tố Nhiên, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách, ông Mai Phan Lợi, ông Bạch Hùng Dương.
Mongabay tại một hội thảo tại COP28 nêu câu hỏi với ông Lương Quang Huy, một đại diện của Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam tham dự, về sáu trường hợp này thì ông chối không hề biết gì về việc bắt bớ, kết án tù, giam cầm sáu nhà hoạt động đó.