Bình luận mới đây của một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đổ lỗi cho xã hội trước tình trạng học sinh xúc phạm giáo viên gây chú ý trong dư luận và nhận được một số phản đối.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn mới đây nói với báo chí rằng toàn xã hội phải chịu trách nhiệm và chung tay giải quyết trong vụ học sinh một trường THCS ở huyện Hương Sơn, tỉnh Tuyên Quang xúc phạm cô giáo ngay trong lớp học.
Hồi đầu tháng này, mạng xã hội tại Việt Nam lan truyền các đoạn video cho thấy một nhóm học sinh tại trường THCS Văn Phú ở huyện Hương Sơn, tỉnh Tuyên Quang bao vây và xúc phạm, ném dép vào mặt một cô giáo ngay trong lớp học. Đoạn video đã gây bất bình trong dư luận và cho rằng nhà trường phải có trách nhiệm khi học sinh hư.
Trách nhiệm của nhà trường
Sau bình luận mới đây của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số bình luận trên báo chí viết rằng: “Một nền giáo dục yếu kém từ thượng tầng về tư duy, đường lối và không theo kịp với sự phát triển của xã hội sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Những học sinh này cũng sinh ra trong một gia đình có những phụ huynh được giáo dục bởi nền giáo dục nhồi nhét, thụ động cộng với sự hiện đại của nền văn hóa không có bản sắc, không có sự đồng nhất mà ra”’; “Gia đình của những học sinh mất dạy đó phải chịu trách nhiệm với xã hội, còn xã hội phải lên án phản đối những hành vi mất dạy đó chứ sao tôi phải chịu trách nhiệm?”
Ông Hoàng Minh Sơn nói như thế là sai, bởi nhà trường bây giờ vì yếu tố thi đua, sợ phụ huynh không ủng hộ tiền để xây dựng trường, để chi cho đời sống giáo viên nên không dám mạnh tay với học trò. Lãnh đạo Bộ giáo dục thì ngồi trong phòng lạnh ra chỉ thị. Như thế trách nhiệm chính là từ nhà trường, tức là từ giáo dục chứ không thể từ toàn xã hội được. – Một nhà giáo ở Hà Nội
Một nhà giáo ở Hà Nội yêu cầu ẩn danh vì lý do an toàn nói với RFA sáng 11 tháng 12 rằng, cả cô lẫn trò đều là nạn nhân của một nền giáo dục lạc đường. Nhân phẩm và danh dự của cô giáo bị chà đạp. Nhân cách của học trò bị phơi bày tệ hại. Ông nói thêm:
“Ông Hoàng Minh Sơn nói như thế là sai, bởi nhà trường bây giờ vì yếu tố thi đua, sợ phụ huynh không ủng hộ tiền để xây dựng trường, để chi cho đời sống giáo viên nên không dám mạnh tay với học trò. Lãnh đạo Bộ giáo dục thì ngồi trong phòng lạnh ra chỉ thị. Như thế trách nhiệm chính là từ nhà trường, tức là từ giáo dục chứ không thể từ toàn xã hội được.”
Sau khi sự việc cô giáo ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được mạng xã hội lan truyền và báo chí Nhà nước đưa tin, ông Bùi Xuân Lượng Chủ tịch xã Văn Phú nói với báo chí nhà nước rằng, phải xem xét phần sai của cả học sinh và giáo viên một cách rõ ràng. Ông không tin họ sinh dám hành xử với cô giáo như thế nếu cô giáo không có lỗi gì.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Sơn Dương đã làm việc, yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc trên. Tại buổi làm việc có 14 ý kiến tham gia, trong đó đều thống nhất nhận xét, cô giáo P.T. H. và các học sinh xuất hiện trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 5 tháng 12 đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, xác định ành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Bộ yêu cầu UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Một người dân ở TP. HCM có tên gọi là Quang (không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn) cũng phản đối ý kiến này của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
“Ổng nói vậy nó rất chung chung và rũ bỏ trách nhiệm của ngành mình phụ trách, đó là ngành giáo dục. Nói vậy là vô trách nhiệm. Trước hết, đó là trách nhiệm của ngành giáo dục. Ngành giáo dục đào tạo ra con người có tri thức, có văn hóa. Không thể đổ lỗi cho toàn xã hội được. Xã hội là chung chung không ai chịu trách nhiệm cụ thể cả. Tôi xin nhấn mạnh, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục!”
Ngành giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội
Nhận xét về vụ việc ở Tuyên Quang, giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA vào sáng ngày 11 tháng 12:
“Tôi cho rằng, suy luận và tư duy một cách đơn giản thì có thể thấy, đây chính là trách nhiệm của nhà trường và gia đình trong việc trực tiếp tạo ra một sự giáo dục kết hợp đối với thế hệ trẻ.”
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là vấn đề của ngành giáo dục Việt Nam. Ông nói rõ hơn:
“Sự thực thì các chính sách lớn về giáo dục ở Việt Nam vẫn có cái gì đó chưa trúng với yêu cầu của cuộc sống. Tôi muốn nói tới giáo dục quốc gia. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một nhược điểm của Việt Nam hiện nay, mặc dù Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có tới hai nghị quyết về vấn đề đổi mới giáo dục.”
Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết của Đảng từ năm 1993. Điều này cũng được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 61 Hiến pháp 2013.
Sự thực thì các chính sách lớn về giáo dục ở Việt Nam vẫn có cái gì đó chưa trúng với yêu cầu của cuộc sống. Tôi muốn nói tới giáo dục quốc gia. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một nhược điểm của Việt Nam hiện nay, mặc dù Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có tới hai nghị quyết về vấn đề đổi mới giáo dục. – Ông Đặng Hùng Võ
Ngày 04 tháng 11 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mười năm sau, trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành giáo dục vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu “lỗi của chúng ta là chưa làm cho xã hội hiểu được chúng ta”.