Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận kết quả 53,19% số phiếu ‘tín nhiệm thấp’.
Trả lời báo chí nhà nước vào ngày 17/12/2023, ông Lê Duy Thành cho rằng số phiếu ‘tín nhiệm thấp’ quá bán mà ông nhận được là ‘bất thường’.
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí khi trao đổi với RFA hôm 19/12, nhận định:
“Tôi thấy cứ theo quy định, theo luật mà làm, chứ còn mọi biện minh thì nếu là người thật sự có lòng tự trọng thì người ta không phải nhiều lời. Bản thân việc đưa ra mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp thì rất là nực cười. Bởi vì thường đã gọi là bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ nên có hai mức, là tín nhiệm hoặc là không tín nhiệm. Nhưng có được cái này còn hơn là không bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy đặt ra ba mức rất nực cười, thế nhưng việc thực hiện còn hơn là không thực hiện gì.”
Theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ có tác dụng cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nằm trong diện bỏ phiếu tín nhiệm thì phải chú ý hơn trong lời nói và việc làm của mình, nếu không sẽ bị mất tín nhiệm như Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa rồi.
Đúng là bất thường cho việc Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận kết quả tín nhiệm thấp quá bán.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Nhiều tờ báo nhà nước hôm 19/12/2023 lại cho rằng, cần làm rõ là bất thường hay bình thường trong việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận hơn 50% phiếu ‘tín nhiệm thấp’. Liên quan vấn đề này, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nói:
“Tôi nghĩ thế này, chỉ có thể làm rõ một điểm là việc bỏ phiếu và kiểm phiếu có nghiêm túc hay không? Bởi vì có những cuộc bầu cử ở Việt Nam đã xảy ra tình trạng gian lận, các nước khác cũng từng có chuyện như vậy. Tôi nghĩ đây là điểm duy nhất cần phải làm rõ, còn nếu cuộc bỏ phiếu đấy xảy ra hoàn toàn bình thường, những người bỏ phiếu không bị sức ép hay bị đe dọa trong việc bỏ phiếu, kết quả kiểm phiếu đúng như đã bầu và hoàn toàn hợp lệ… Thì có lẽ không cần phải làm rõ gì thêm.”
Tuy nhiên Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, việc Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc bị tín nhiệm thấp có thể không oan và bản thân vị Chủ tịch ấy nếu là người có lòng tự trọng, thì nên nghỉ và không nên có ý kiến gì khác.
Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2023 đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Theo Nghị quyết này, người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả tín nhiệm đạt thấp có thể phải xin từ chức hoặc Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện sẽ tổ chức bỏ phiếu miễn nhiệm.
Tuy nhiên Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi nhận định với RFA hôm 19/12 với một góc nhìn khác cho rằng, có bất thường trong việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận kết quả 53,19% số phiếu ‘tín nhiệm thấp’:
“Đúng là bất thường cho việc Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận kết quả tín nhiệm thấp quá bán. Bởi vì nguyên tắc bất di bất dịch xuyên suốt hàng chục năm qua của đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên tắc ‘tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’. Theo đó ông Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc bị tín nhiệm thấp quá bán, tức là các ông Phó Chủ tịch, cũng như Bí thư tỉnh là bà hoàng Thị Thư Lan và các Phó bí thư tỉnh… cũng phải bị tín nhiệm thấp thì mới đúng nguyên tắc ‘tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách’.”
Tôi nghĩ thế này, chỉ có thể làm rõ một điểm là việc bỏ phiếu và kiểm phiếu có nghiêm túc hay không?
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Trong khi ông Chủ tịch Vĩnh Phúc bị tín nhiệm thấp mà các quan chức khác đều cao như vậy thì theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già là quá bất thường. Ông giải thích thêm:
“Bởi vì nguyên tắc nữa của đảng Cộng sản Việt Nam mà ai cũng biết, tức là cấp dưới phục tùng cấp trên. Như vậy đứng ở cấp dưới, ông chủ tịch tỉnh phải phục tùng bà Bí thư, thì kết quả đó là điều quá bất thường. Thêm nữa các ông cấp phó là cấp dưới mà lại tín nhiệm cao, là phản bội lại nguyên tắc căn bản của đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ý kiến thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già là trong tiếng Việt chỉ có tín nhiệm và bất tín nhiệm, không có tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp gì cả. Ông nói tiếp:
“Chính vì Bộ chính trị chia ra ba mức cao, trung bình, thấp như vậy là đã đẩy ông Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc vào tình thế trớ trêu và nghịch lý. Chính ông Chủ tịch cũng bất ngờ khi nhận kết quả như vậy.”
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đây là một kết quả bất thường mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên vào cuộc làm rõ, lý do tại sao ông Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc bị đẩy vào tình trạng như vậy.
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013. Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XI vào năm 2015, Đảng CSVN cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm được lặp lại tại các Hội nghị Trung ương và tại Quốc hội.
Trong một cơ chế như Việt Nam hiện nay, theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, không thể trông chờ có những cán bộ tốt, có những người có năng lực thực sự vì dân vì nước. Cho nên, vẫn theo ông Trí, nếu vẫn thể chế này, vẫn Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo… thì không bao giờ nhân dân có được những người đại diện tiêu biểu thật sự, đại diện cho lợi ích của nhân dân, cho dẫu lá phiếu tín nhiệm có cao chót vót…