Quy định công chức lãnh đạo không háo danh có khả thi?

Bộ Nội vụ trong ngày đầu năm mới 2024 có đề xuất quy định Thứ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở… phải đáp ứng tiểu chuẩn không háo danh, không tham vọng quyền lực, không để người thân trục lợi…

Tiêu chuẩn mù mờ

Đề xuất trên khiến nhiều người “hoài nghi” cho rằng sáo rỗng, chỉ mang tính chất khẩu hiệu.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 3/1/2024 nói với RFA về đề xuất trên:

“Một tiêu chuẩn đưa ra thì nó phải có những cơ sở rõ ràng để xét duyệt. Háo danh là một tiêu chuẩn mù mờ. Như thế nào gọi là háo danh và như thế nào gọi là không háo danh. Nó hoàn toàn không có một cơ sở khoa học rõ ràng nào để xét duyệt cả. Một tiêu chuẩn như vậy đưa ra nó chỉ tạo thêm quyền lực cho cấp trên, nhất là những người làm tổ chức, họ sẽ dựa vào những tiêu chuẩn mù mờ này để vòi tiền hay trấn áp cấp dưới mà cấp dưới không có một cơ sở nào để kháng cự lại.”

Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, những tiêu chuẩn như thế này nó chỉ giúp tăng cường quyền kiểm soát bộ máy của đảng, giúp những người cầm đầu đảng có thêm quyền hành để cai trị và sẵn sàng trấn áp các cán bộ trong bộ máy của đảng.

Háo danh là một tiêu chuẩn mù mờ. Như thế nào gọi là háo danh và như thế nào gọi là không háo danh. Nó hoàn toàn không có một cơ sở khoa học rõ ràng nào để xét duyệt cả.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Bộ Nội vụ trong đề xuất của mình có nhấn mạnh công chức lãnh đạo phải đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân…; phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị…

Với “khẩu hiệu” trên, nhìn nhận lại thực tế những ngày qua, nhất là khi đại án Việt Á với hàng loạt quan chức được coi là “mẫu mực”, “trong sáng” của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ hầu tòa vì “hưởng lợi bất chính” từ COVID-19, mới thấy đề xuất của Bộ Nội vụ không những sáo rỗng mà còn không có tác dụng thực tế như lời của Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 3/1:

“Tôi nghĩ chỉ có thể thực hiện kiểm tra, giám sát được đối với những tiêu chuẩn có tính chất lượng. Ví dụ như tài sản có bao nhiêu tiền, rồi ngân hàng có bao nhiêu, rồi bằng cấp như thế nào, trình độ thâm niên công tác… Chứ còn những tư tưởng có tính chất định tính như không háo danh, không ham muốn quyền lực… thì tôi nghĩ nó hoàn toàn không khả thi, họ chỉ vẽ ra thôi chứ không có tác dụng thực tế”.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí cho biết ông đã làm cho nhà nước 30 năm và  thấy rằng nếu không nói 100 % thì phải là 99,99% cán bộ đảng viên đều háo danh, cấp càng cao càng háo danh:

“Tôi đã chứng kiến những vị không còn thiếu gì cả, từ chức vụ tiền bạc… nhưng vẫn tranh của cấp dưới từng cái giấy khen bình xét thi đua hằng năm.”

626dd041-0e60-44f6-af1f-1ee7c7d94c9a.jpeg
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh trao quyết định bổ nhiệm chức danh GS cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Photo: baochinhphu.vn

Cán bộ tham nhũng tràn lan

Đây không phải lần đầu tiên “tiêu chuẩn cán bộ” được các bộ, ngành đề xuất mang tính khẩu hiệu. Trước đó vào tháng 5 năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kêu gọi “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên” theo nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong bài kêu gọi có nêu rằng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên… Yêu cầu tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Đảng Cộng sản Việt Nam hay Quốc hội Việt Nam có đề ra bao nhiêu quy định về quy tắc đạo đức, hay những văn bản luật để kiểm soát các quan chức đều không hiệu quả.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức cho RFA biết ý kiến của ông về các vấn đề vừa nêu vào ngày 3/1/2024:

“Như chúng ta đã biết ở trong chế độ dân chủ thì có nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực của các quan chức và người thân của họ. Nhưng trong chế độ cộng sản Việt Nam thì thiếu vắng tất cả những cơ chế như đa đảng, tam quyền phân lập hay báo chí tự do. Cho nên đảng Cộng sản Việt Nam hay Quốc hội Việt Nam có đề ra bao nhiêu quy định về quy tắc đạo đức, hay những văn bản luật để kiểm soát các quan chức đều không hiệu quả. Bởi vì trong mấy thập kỷ vừa qua, tham nhũng tại Việt Nam càng ngày càng nghiêm trọng, tham nhũng đã trở thành quốc nạn…”

Theo Luật sư Đài, dù đảng đã liên tục đưa ra những quy định, đồng thời cũng thành lập rất nhiều các cơ quan phòng chống tham nhũng ở trung ương cho đến địa phương… nhưng hoàn toàn không có hiệu quả gì cả. Ông Đài nói tiếp:

“Chuyện háo danh của các công chức cộng sản nó không chỉ ở cấp Cục trưởng hay Thứ trưởng, mà ngay từ cấp địa phương như cấp xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố… thì các quan chức cộng sản đều có tính háo danh và người thân của họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi gần như trên toàn quốc… nó không có bất kỳ giới hạn nào ở trong chế độ chính trị ở Việt Nam.”

Vào ngày 21/12/2023, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Trả lời RFA khi đó, một giảng viên đại học ở Hà Nội yêu cầu ẩn danh, nhấn mạnh rằng “Do háo danh mà nhiều người mang danh giáo sư nhưng cái đầu rỗng tuếch.”

Related posts