Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực trong một cuộc họp diễn ra hồi trung tuần tháng 10/2023 cho biết, số tiền thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế trên 20 nghìn tỷ, cao nhất kể từ năm 2013.
Vì sao tham nhũng ngày càng tràn lan
Riêng trong các vụ đại án đang nổi đình nổi đám mấy tháng qua như Việt Á, Chuyến bay giải cứu … số tiền tham nhũng được Bộ Tư pháp báo cáo cho thấy ngày càng nhiều và chức vụ của những quan chức đảng cộng sản Việt Nam tham nhũng ngày càng cao.
Bà Lê Hiền Đức, người được tạp chí “Carnets Du Viet Nam” phỏng vấn vào năm 2013 và được đánh giá là nhân vật có đầy đủ phẩm chất để nói về tình hình tham nhũng ở Việt Nam, từng nhận định sở dĩ tham nhũng ngày càng nhiều trong 10 năm qua, bởi chính nhà nước Việt Nam chỉ hô hào suông chứ không thực tâm chống tham nhũng (RFA xin trích nguyên văn):
“Tôi cho rằng Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam chỉ hô hào suông chứ không thực tâm chống tham nhũng, thậm chí còn bao che, dung túng tham nhũng, sống dựa vào tham nhũng. Việc cách đây mấy năm, khi trả lời chất vấn của Quốc hội trên cương vị Phó thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) nói nếu kỷ luật hết cán bộ sai phạm thì lấy ai làm việc cho thấy rõ tham nhũng, sai phạm là thuộc tính, là bản chất của đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay.”
Tham nhũng ở Việt Nam tràn lan thể hiện qua công cuộc đốt lò của ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với hàng loạt quan chức vào tù. Ông Trọng cũng từng nói: “Cán bộ, đảng viên phải trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”. Cũng theo ông Trọng, phải “biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật để triệt tiêu tham nhũng vì quyền lực sinh ra tham nhũng”.
Lâu nay chúng ta nghe bàn về nạn tham nhũng đang rất trầm trọng, nhưng theo quan điểm của tôi, đấy chỉ là cành, nhánh, hoa, quả của cây tham nhũng thôi. Gốc rễ của cây này là tham nhũng về mặt chính trị, tham nhũng về mặt quyền lực nhà nước. – cựu trung tá Vũ Minh Trí
Nói về vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 4/1/2024:
“Lâu nay chúng ta nghe bàn về nạn tham nhũng đang rất trầm trọng, nhưng theo quan điểm của tôi, đấy chỉ là cành, nhánh, hoa, quả của cây tham nhũng thôi. Gốc rễ của cây này là tham nhũng về mặt chính trị, tham nhũng về mặt quyền lực nhà nước. Có nghĩa là một nhóm người không do ai bầu lên; không do ai cử ra mà tự mình chiếm đoạt quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Từ đó nó đẻ ra tất cả các loại tham nhũng khác. Cho nên, chừng nào cái gốc cái rễ đấy còn thì cành nhánh vẫn mọc ra tua tủa. Và đó là cách giải thích dễ hiểu nhất cho tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngày càng trầm trọng.”
Giải pháp chống tham nhũng
Nhiều người cho rằng, để diệt trừ tham nhũng thì không thể chỉ “nhốt quyền lực vào lồng” như ông Trọng, mà cần có sự giám sát từ người dân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập.
Trong cuốn “Tội phạm tài chính trong hội nhập” của TS. Hà Hoàng Hợp và Phạm Bá Khiêm xuất bản năm 2005, tác giả viết rằng (xin trích): “Cần có sự tham gia của xã hội dân sự vào hoạt động đánh giá vấn đề tham nhũng, thiết kế và cài đặt các bước cải cách hỗ trợ chống tham nhũng. Các biện pháp và cam kết chống tham nhũng cần được dựa trên cơ sở của việc đánh giá đầy đủ về tham nhũng và tác hại của nó. Sự tham gia của xã hội dân sự có vai trò tiên quyết đối với việc đánh giá tham nhũng. Các biện pháp chính sách và thực hành chỉ có thể thành công khi xã hội dân sự tham gia đầy đủ và phát triển đúng đắn với tư cách là xã hội dân sự thực thụ. Xã hội dân sự với ý thức cao có khả năng giám sát các hoạt động chống tham nhũng, trực tiếp tham gia phòng, chống tham nhũng và xác định những định chế nào là minh bạch.”
Là một người làm việc trong ngành tư pháp, Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu một số giải pháp được cho là có thể “diệt trừ” tham nhũng trong một bài viết trên danh khoản facebook cá nhân của ông mà RFA đã được phép trích đăng:
“Cần có chế độ bầu cử một cách minh bạch, công khai, công bằng; các ứng viên phải có cam kết rõ ràng và được giám sát, đánh giá sau mỗi một quá trình thục hiện cam kết của mình thay vì chạy chọt để xin phiếu; Khuyến khích giới tri thức, người giàu tham gia bộ máy quản lý nhà nước, khuyến khích họ làm quan chức để lấy danh thay vì làm quan chức để giàu; Khuyến khích sự phản biện chính sách của nhiều thành phần trong xã hội để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp; có như thế mới đánh giá được tính hiệu quả của các cơ quan thẩm quyền lẫn của những người ban hành, vận hành các chính sách ấy nhằm giảm thiểu các rủi ro và hệ luỵ có thể phát sinh…”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng đưa ra vài giải pháp liên quan đến luật pháp như sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành cả về phần chung và phần các tội danh, trong đó có phần tội phạm liên quan tới tham nhũng, cụ thể: có thể thêm hình thức xử phạt theo dạng chung thân không ân xá hoặc bỏ việc tổng hợp hình phạt tù giam tối đa hoặc kết hợp cả hai hình thức trên… Cần bổ sung hình phạt bổ sung bằng tiền theo hướng tăng lên, mức phạt bổ sung ít nhất phải bằng với số tiền mà họ đã tham nhũng hoặc làm thiệt hại cho nhà nước do lỗi cố ý…
Được coi là người chống tham nhũng quyết liệt, ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các bài phát biểu của ông được truyền thông loan, luôn nhắc nhở những người trực tiếp làm công việc phòng, chống tham nhũng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của kẻ phạm tội.
Vào tháng 11 năm ngoái, nhân chuyến thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, hai nước cam kết cùng hợp tác trong công cuộc chống tham nhũng và quan hệ truyền thống giữa hai nước. Cũng trong cuộc gặp này, trưởng Ban Nội chính Trung ương – Phan Đình Trạc đã đưa ra đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ chuyên ngành nội chính, pháp luật, phòng, chống tham nhũng…
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy từng nhận định trong bài viết của RFA về đề xuất trên của Việt Nam rằng: “Việc đưa ra một lời kêu gọi như vậy đồng nghĩa với việc Việt Nam gửi đi một thông điệp về phía Trung Quốc rằng chúng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ và học hỏi mô hình của các anh, và chúng tôi sẽ tiếp tục ở trong quỹ đạo của các anh”.