Đài Loan sẽ bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ tới vào ngày 13 tháng 11, 2024. Theo Tiến sỹ Nagao Satoru, một chuyên gia tại Hudson Insitute về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, các ứng viên đang chạy đua để giành phần thắng và ứng viên của Đảng Dân Tiến có một số lợi thế. Kết quả bầu cử ở Đài Loan sẽ không thay đổi được các tình thế an ninh hiện nay ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử có thể làm cho Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. RFA xin giới thiệu một cuộc trao đổi với TS. Nagao Satoru về những vấn đề này.
RFA. Ông Lại Thanh Đức là ứng viên tổng thống của Đảng Dân Tiến. Người ta thường nói ông sẽ duy trì lập trường của bà Thái Văn Anh. Nhưng ông Lại có gì khác với bà Thái Văn Anh hay không?
TS. Nagao Satoru
Theo khảo sát của truyền thông Đài Loan, Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) có một số lợi thế. Nhưng những khảo sát như vậy không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, không dễ để chúng ta dự đoán một cách hoàn hảo.
Chính sách đối với Trung Quốc của Lại Thanh Đức cũng giống với tổng thống đương nhiệm Thái Văn Anh. Nhưng ở những lĩnh vực khác, hình ảnh của ông Lại Thanh Đức lại bảo thủ hơn.
Vì vậy, để được giới trẻ yêu thích, ông Lại Thanh Đức và Đảng Dân Tiến cần phải cải thiện hình ảnh bảo thủ của mình. Ông ấy đã có nhiều nỗ lực như vậy. Ví dụ, Tổng thống Thái Văn Anh (Tsai Ing-wen) đã chọn Audrey Tang làm một quan chức điều hành chính của chính phủ. Audrey Tang là một lập trình viên, một tài năng, và là một người chuyển giới từ nam sang nữ. Sự lựa chọn như vậy còn khá mới mẻ và được thế hệ trẻ ưa chuộng.
Quyết định của ông Lại Thanh Đức chọn cô Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) làm ứng viên Phó Tổng thống đã tạo ra một hình ảnh mới.
Đó là nỗ lực của ông Lại nhằm cải thiện hình ảnh bảo thủ của mình vì cô Tiêu Mỹ Cầm là một tiểu thư và là một người ủng hộ có tài của bà Thái Văn Anh.
RFA. Kết quả bầu cử Đài Loan có thể thay đổi gì và không thể thay đổi được gì tình hình an ninh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam?
TS. Nagao Satoru
Nếu Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực thì dù thế nào Trung Quốc cũng sẽ chiếm lấy, ngay cả khi chính sách của Đài Loan thân thiện hơn với Trung Quốc.
Căng thẳng xung quanh Đài Loan đang gia tăng do sự thay đổi cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù Mỹ chi tiêu quân sự nhiều hơn gấp đôi nhưng Trung Quốc lại tăng chi tiêu quân sự nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Giai đoạn 2013-2022, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự 63% trong khi Mỹ chỉ tăng 2,7%.
Kết quả bầu cử Đài Loan sắp tới sẽ không ảnh hưởng đến một cán cân quân sự như vậy.
Ngoài ra, kinh tế là bộ phận chính trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Mỹ đang tập trung vào an ninh kinh tế để đối phó với Trung Quốc.
Trung Quốc có đủ ngân sách nên họ có thể hiện đại hóa chi tiêu quân sự. Dự án cơ sở hạ tầng như Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tạo ra khoản nợ khổng lồ cho những quốc gia nhận tiền của Trung Quốc và phụ thuộc nguồn ngân sách đó.
Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt vì các nước khác phụ thuộc vào thị trường hoặc chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Mỹ hiện đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam cần giảm thiểu rủi ro cho tình hình bằng cách tìm kiếm thị trường, chuỗi cung ứng mới, v.v.
Sắp tới, ai là tổng thống Đài Loan thì tình hình chiến lược nói trên trong khu vực cũng không thay đổi.
RFA. Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những vùng biển này có mối liên hệ với nhau như thế nào?
TS. Nagao Satoru
Kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, nhiều quốc gia đã đánh giá thấp năng lực của Mỹ. Nga xâm lược Ukraine năm 2022 sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Các lệnh trừng phạt đối với Iran và Triều Tiên đang trở nên vô nghĩa vì sự hợp tác Nga – Trung – Triều Tiên – Iran.
Ở Trung Đông, Trung Quốc làm trung gian cho Iran và Ả Rập Saudi bắt tay nhau vào năm 2023. Và vào tháng 10 năm 2023, Trung Quốc chỉ trích Israel, và do đó được lòng người Ả Rập. Triều Tiên hiện đang thử nhiều tên lửa vì có trục Nga – Trung Quốc – Triều Tiên – Iran.
Các nước này hiện đánh giá thấp năng lực của Mỹ. Nếu các nước này còn tiếp tục đánh giá thấp năng lực của Mỹ thì có khả năng họ muốn giành được nhiều hơn, trước khi nước Mỹ có lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử cuối năm 2024.
Trong số đó, đặc biệt tôi chú ý tới Trung Quốc. Đối với Trung Quốc thì Đài Loan hoặc Biển Đông có thể là mục tiêu.
Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể giành chiến thắng, họ sẽ tấn công Đài Loan bằng một chiến dịch toàn diện.
Nhưng nếu không thể tin vào chiến thắng, họ vẫn có thể lên kế hoạch hành động ở quy mô nhỏ hơn. Ví dụ, hòn đảo của Đài Loan gần lục địa Trung Quốc có thể là mục tiêu.
Nhưng Trung Quốc cũng có các mục tiêu khác, ví dụ như các đảo ở Biển Đông có thể được họ chọn.
Ví dụ, ở Biển Đông, các đảo Đông Sa (Pratas) và đảo Ba Bình (Itu Aba) do Đài Loan quản lý có thể trở thành là mục tiêu của Trung Quốc.
Để thấy mối quan hệ giữa các vùng biển này, bạn có thể hình dung ra một tình huống như sau.
Giả sử Trung Quốc xâm lược Đài Loan và Mỹ gây chiến với Trung Quốc, Nhật Bản không muốn tham gia. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra?
Đầu tiên, máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ bay tới tham chiến ở Đài Loan từ căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Nếu Trung Quốc không tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, máy bay chiến đấu của Mỹ có thể trú ẩn an toàn trên đất Nhật Bản và bay tới Đài Loan để tiêu diệt lực lượng xâm lược của Trung Quốc. Trung Quốc không thể thắng trong tình trạng này.
Như vậy, khả năng cao là Trung Quốc sẽ tấn công căn cứ Mỹ ở Nhật Bản. Nếu vậy thì tình trạng khẩn cấp của Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản.
Ngoài ra, khi xảy ra xung đột như vậy, nếu Nhật Bản không tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc của Mỹ thì Mỹ sẽ không coi Nhật Bản là đồng minh. Vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh thì Nhật Bản sẽ chiến đấu cùng với Mỹ.
Do đó đương nhiên tình trạng khẩn cấp của Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, Mỹ có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình ở Biển Đông để gây áp lực lên các thành phố ven biển của Trung Quốc.
Như vậy, tình hình ba vùng biển (Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông) có mối liên hệ với nhau.
RFA. Có ý kiến cho rằng nếu Đảng Dân tiến (DPP) thắng cử thì căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục sẽ gia tăng, còn nếu Quốc dân đảng (KMT) thắng cử thì căng thẳng giữa Đài Loan và Mỹ sẽ gia tăng. Như vậy có phải bên nào thắng cử thì tình hình khu vực cũng đều căng thẳng cả?
TS. Nagao Satoru
Cũng đúng là chính sách của tân Tổng thống Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến tình hình Mỹ – Đài Loan và Trung Quốc – Đài Loan về mặt chiến thuật.
Đảng Dân Tiến muốn độc lập hơn và Mỹ thích chính sách này. Đảng Dân Tiến nếu tiếp tục cầm quyền sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Đài Loan nếu đồng thời Đảng Cộng hòa ở Mỹ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ.
Đảng Cộng hòa thích lập trường chống Trung Quốc rõ ràng như vậy. Đồng thời, chính sách tương tự cũng khiến Trung Quốc thất vọng.
Chính sách của Quốc Dân Đảng thân thiện hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trong thương mại với Trung Quốc. Thái độ như vậy không được Mỹ ưa chuộng. Mỹ sẽ bực bội nếu tân tổng thống Đài Loan không hợp tác với Mỹ.
Tuy nhiên, Đài Loan bị nhiều hạn chế trong lựa chọn. An ninh của Đài Loan phụ thuộc vào Mỹ. Và Đài Loan cần giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế của mình.
Đài Loan đã độc lập trong thực tế rồi. Như vậy, Đài Loan không cần phải tuyên bố “độc lập” rõ ràng để đẩy Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan.
Nhưng gần đây, cùng với sức mạnh ngày càng tăng, Trung Quốc bắt đầu buộc các nước khác phải tuân theo ý chí của họ. Các nước khác phải chống lại thái độ như vậy của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình.
Việc Đài Loan trở thành một phần của nhiều tổ chức quốc tế với tư cách là một “quốc gia độc lập” cũng là một nước cờ hiệu quả.
RFA xin cảm ơn TS. Nagao Satoru đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.