Hôm 12 tháng 1, 2024, các thành viên của Liên minh ngăn chặn Formosa (The Stop Formosa Plastics,) Liên minh Giám sát Quốc tế Formosa Plastics (International Monitor Formosa Plastics Alliance) và Rise St. James (một tổ chức phi chính phủ ở Louisiana, Hoa Kỳ) đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Nhà Trắng để tố cáo công ty Formosa Plastics vi phạm nghiêm trọng “công lý môi trường”, bao gồm xả thải phá hoại môi trường, gây ra những tổn hại về sức khỏe và nhân quyền tại Hà Tĩnh (Việt Nam), Texas và Louisiana (Hoa Kỳ.) Formosa Plastics là công ty có trụ sở chính tại Cao Hùng, Đài Loan và có các chi nhánh tại Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam), tại Point Comfort (bang Texas), Baton Rouge (bang Louisiana) và Livingston (bang) New Jersey của Hoa Kỳ.
Trao đổi với RFA, ông John Hòa Nguyễn, Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (Justice For Formosa Victims), cho biết:
“Ngày hôm nay chúng tôi tới từ New Orleans, và nhiều người tới từ Texas, California, Louisiana. Phái đoàn hôm nay tới trao một thỉnh nguyện thư cho Tổng thống Biden và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như gặp US Army Corps of Engineers (Công binh Lục quân Hoa Kỳ) yêu cầu không cho Formosa xây dựng cơ sở ở Louisiana. Có một điều mà chúng tôi muốn trình bày với quý vị nữa là sau khi gây ô nhiễm môi trường năm 2016, Formosa đã đền bù cho nhà nước Việt Nam 500 triệu USD. Nhưng bờ biển của chúng ta thì sao? Formosa chưa bao giờ ngưng xả thải. Nếu họ tiếp tục xả thải như trước đây, biển Việt Nam sẽ tiếp tục bị ô nhiễm, sẽ từ từ chết. Ô nhiễm biển sẽ từ miền Trung lan ra các vùng biển khác của Việt Nam. Người dân Việt Nam sẽ tiếp tục ăn cá bị ô nhiễm. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì sau mười năm nữa Việt Nam sẽ ra sao? Đó cũng là điều chúng tôi muốn lên tiếng.”
Bà Nancy Bùi, Phó Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa, cho RFA biết trong sự kiện này, các nhà tổ chức biểu tình đã gửi một bản kiến nghị tới Nhà Trắng. Hai vị đại diện của Tổng thống Biden là ông Christopher Jackson làm việc tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ (The US Office of Science and Technology Policy) và bà Ryand Howard (Bộ Ngoại giao) đã tiếp đoàn. Hai vị Christopher Jackson và Ryand Howard hứa sẽ nghiên cứu vấn đề và tiếp tục liên lạc, trao đổi với các nhà hoạt động môi trường gửi thỉnh nguyện thư hôm nay, nhằm đưa ra chính sách đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Bản kiến nghị này kêu gọi Tổng thống Biden gây áp lực ngoại giao lên Chính phủ Việt Nam, kêu gọi Việt Nam “chấm dứt trả thù các nạn nhân đang tìm kiếm công lý bằng các kênh pháp lý, để cho các nhân nhân có thể tự do hoàn tất các tài liệu cần thiết. Đây là các tài liệu cần được nộp cho tòa án Đài Loan và Hoa Kỳ.” Ngoài ra, ban tổ chức cũng thỉnh cầu sự can thiệp của người đứng đầu nhánh hành pháp Hoa Kỳ nhằm giúp “trả tự do cho tất cả các tù nhân bị giam giữ chỉ vì vận động thay mặt cho các nạn nhân” của Formosa.
Tại Việt Nam, ba nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ phản đối Formosa, sau đó bị bắt và đang bị cầm tù là Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng và Lê Đình Lượng.
Theo tổ chức Công lý cho nạn nhân Formosa (Justice for Formosa Victims-JFFV), vụ xả thải của Formosa Hà Tĩnh, một công ty chi nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa, hồi năm 2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống biển cả và làm hủy hoại cuộc sống của hơn 179.000 cư dân. Cho đến nay, hàng ngàn nạn nhân không được bồi thường mặc dù Formosa đã trả trực tiếp 500 triệu đô la cho Chính phủ Việt Nam.