ĐBSCL: dự báo xâm nhập mặn khốc liệt và thực tế chuẩn bị?

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào ngày 15/1/2024 đưa ra dự báo mùa khô năm 2023 – 2024, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước ngọt.

Cụ thể theo dự báo, trong khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024, có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.

Trả lời RFA hôm 17/1 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, nhận định:

“Tôi cho rằng dự báo này có cơ sở khoa học. Bởi vì theo các dữ liệu có được cho thấy mùa mưa vừa rồi năm 2023 lượng nước đến ĐBSCL rất ít. Rồi lượng nước giữ lại sông Mekong cũng không nhiều, và nhiệt độ trên toàn khu vực cao kỷ lục. Chúng tôi cũng có dự đoán tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra giống như năm 2016 và 2020. Tức là gần như 4 năm mới có chu kỳ khô hạn, nó tương ứng với hiện tượng El-nino xảy ra. Bây giờ bắt đầu vào mùa khô, mà lượng nước đến ĐBSCL đang có nguy cơ giảm đi, và lượng nước ngầm một số vùng cũng đang tụt giảm rất nhanh chóng.”

Một nông dân ở Tiền Giang không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA về tình hình thực tế tại địa phương:

“Hầu như có cống từ xưa đến giờ, mình đã có biện pháp phòng hờ rồi, nguyên khu vực này cũng có đê bao, bài báo nói vậy thôi… chứ chưa tới đây đâu… Tôi nghĩ chắc một hai tháng nữa mới thấy, chứ giờ thấy cũng vậy à… tới giờ nước mặn cũng chưa nhiễm… mới cảnh báo thôi.”

Theo truyền thông nhà nước ngày 15/1, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ký ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chính quyền địa phương cũng phải thấy là vùng của mình thường bị mặn, thì phải tiến tới ví dụ như ven biển thì nuôi tôm, chứ không ráng trồng lúa.
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang hôm 17/1 khi nhận định với RFA cho rằng, rất khó để đối phó khi hạn mặn đã cận kề:

“Những chỗ nào họ không áp dụng Nghị quyết 120 của Chính phủ, mà họ vẫn còn coi vùng mặn như vùng ngọt rồi bị thiệt hại thì đành phải chịu thôi, chứ còn đâu có nước chỗ nào để đưa về đó. Từ năm 2019 Chính phủ có Nghị quyết 120 là làm gì cũng phải thuận thiên, thuận với thiên nhiên, mình đã cố gắng cưỡng lại thiên nhiên thành ra bây giờ phải ráng chịu, chứ không có cách nào để nước ngọt về.”

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Việt Nam làm kinh tế phải thuận với vùng sinh thái đó, tìm lối đi sản xuất theo vùng sinh thái… Có như vậy thì theo ông Xuân là hay hơn là cố gắng cưỡng lại thiên nhiên. Ông Xuân nói tiếp:

“Khi đã có nghị quyết 120 rồi thì bổn phận của chính quyền địa phương cũng phải thấy là vùng của mình thường bị mặn, thì phải tiến tới ví dụ như ven biển thì nuôi tôm, chứ không ráng trồng lúa. Thành ra vai trò thủy lợi bây giờ là phải thiết kế thế nào để có thể đưa nước mặn vô canh tác thủy sản rất tốt. Cũng đường nước đó, mình có thể tháo ra trong mùa mưa, rồi tích trữ nước mưa để có thể canh tác như lúa tôm trong mùa mưa.”

000_33A86TT.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Cần Thơ năm 2023. AFP.

Còn theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, đợt hạn mặn năm 2020 dựa vào kinh nghiệm đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 nên thiệt hại ít hơn, mặc dù khô hạn không thua gì năm 2016. Ông Tuấn cho rằng, bây giờ nên rút kinh nghiệm trong việc đối phó hạn mặn trước đây:

“Nên trữ nước nhiều hơn, giảm bớt diện tích canh tác trong mùa khô. Để đối phó mùa khô năm 2024 sắp tới, tức là từ nay cho đến tháng 5, hạn mặn đang xảy ra càng ngày càng khốc liệt, thì ĐBSCL cũng đã chủ động xuống giống vụ Đông Xuân sớm hơn. Tức là chọn giống lúa ngắn ngày, hết mùa mưa xuống giống liền để kịp thu hoạch trước tết, để né hạn mặn bắt đầu từ sau Tết. Các địa phương cũng đã đào thêm ao trữ nước. Tôi cũng khuyến cáo người nông dân từ đây cho đến mùa mưa sắp tới hạn chế việc trồng lúa, bởi vì lúa sử dụng nhiều nước.”

Theo ông Tuấn, cần ưu tiên dùng nước cho các vấn đề quan trọng hơn. Thứ nhất là nước uống cho con người, sau đó tới gia súc, rồi đến cây trồng có giá trị cao như cây ăn trái, rồi mới đến nước cho cây lúa… Ông Tuấn cho rằng cần phải đưa ra thứ tự ưu tiên sử dụng nước, để đối phó khô hạn sắp tới, cũng sẽ không dễ dàng gì hơn so với năm 2016 – 2020 và có thể nặng nề hơn.

Bộ Nông nghiệp cũng đã có khuyến cáo và cũng yêu cầu các tỉnh xuống giống và sử dụng cây trồng ít sử dụng nước nhiều hơn. Tuy nhiên việc triển khai không hẳn là đồng loạt tại các vùng ĐBSCL.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Đối với những chính sách của nhà nước, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định:

“Bộ Nông nghiệp cũng đã có khuyến cáo và cũng yêu cầu các tỉnh xuống giống và sử dụng cây trồng ít sử dụng nước nhiều hơn. Tuy nhiên việc triển khai không hẳn là đồng loạt tại các vùng ĐBSCL. Tại vì có nơi chứa được nước, còn có nơi không có diện tích để đào ao trữ nước.”

Đối với những địa phương không còn đất để đào ao trữ nước ngọt Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khuyến cáo đừng cố gắng canh tác trong mùa khô, mà để dành nước cho các mục tiêu sinh hoạt khác quan trọng hơn.

Ngoài ra Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, vai trò của thuỷ lợi hiện nay rất quan trọng trong việc xây dựng lại hệ thống thuỷ lợi cho các vùng mặn, để họ có thể áp dụng Nghị quyết 120 một cách thành công hơn. Ông lý giải:

“Còn nếu chúng ta cứ tiếp tục làm mà không can thiệp, chúng ta lại tiếp tục ngăn mặn, cố gắng nạo vét kênh mương để đưa nước ngọt về đó thì thế nào cũng thiếu nước ngọt. Nếu chúng ta theo quy hoạch mới để mà sống chung với biến đổi khí hậu thì mình sẽ luôn luôn có kết quả tốt hơn. Thay vì mình cứ làm theo kiểu mấy ông thuỷ lợi lúc trước, tỉnh nào cũng muốn có công trình ngăn mặn, rồi đưa nước ngọt về… Cái đó mấy ổng làm để có tiền, nhưng thật sự ra là mấy ổng phá môi trường của mình quá nhiều.”

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phải giảm bớt diện tích canh tác lúa, chọn các loại cây ít sử dụng nước hơn. Đây là điều phải chấp nhận trong lúc khó khăn này.

Related posts