Hôm 23 tháng Một năm 2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC tổ chức “Hội thảo Việt Mỹ 2024”. Diễn giả tại hội thảo là các quan chức ngoại giao, an ninh cấp cao, các học giả nghiên cứu quan hệ Việt Mỹ hàng đầu ở hai nước. Các diễn giả đã thảo luận về các vấn đề hợp tác an ninh, thương mại, công nghệ và giáo dục giữa hai nước.
Hợp tác giáo dục: chưa đúng mức
Một diễn giả chính tại hội thảo, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, điểm lại quan hệ văn hóa giáo dục Việt Nam Hoa Kỳ và đề xuất một loạt chính sách để trợ giúp phát triển giáo dục Việt Nam. Ông nói Hoa Kỳ nên cung cấp tài chính để giúp các trường đại học và tổ chức học thuật Mỹ cấp học bổng trực tiếp cho học viên sau đại học của Việt Nam du học Mỹ các ngành Hoa Kỳ học, khoa học xã hội và nhân văn. Bên lề hội thảo, ông giải thích với RFA về đề xuất này:
“Lý do là các chương trình trợ giúp giáo dục của Hoa Kỳ cho Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành STEM, tức là khoa học kỹ thuật, nhưng chưa ngó ngàng tới khoa học xã hội và các ngành nhân văn. Trong khi đây là những ngành rất cần thiết để xây dựng nền tảng tri thức cho bất kỳ quốc gia nào.”
Ngoài ra, theo Giáo sư Vũ Tường, Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam phát triển thư viện và đào tạo nghề cho công nhân để nâng cao năng suất lao động.
Bảo vệ an ninh Biển Đông: Mỹ có thực sự nghiêm túc?
Bà Lindsey W. Ford, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á, phát biểu tại hội thảo rằng tình hình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở nên đầy thách thức. Hoa Kỳ đã nỗ lực rất nhiều và muốn tiếp tục giúp Việt Nam phát triển năng lực hàng hải nhằm chống lại những “hành vi quấy rối” trên Biển Đông.”
RFA đặt vấn đề với bà Lindsey W. Ford về một số dư luận ở Đông Nam Á cho rằng Hoa Kỳ không thực sự coi an ninh ở Biển Đông là vấn đề nghiêm trọng để tập trung nguồn lực giải quyết. Bởi vì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ hiện được tập trung bố trí ở khu vực Đông Bắc Á để bảo vệ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản chứ không phải Biển Đông. Ở Biển Đông, Trung Quốc là nước chiếm ưu thế mạnh nhất về quân sự.
Bà Lindsey W. Ford trả lời rằng bà không ngạc nhiên với nhận định đó nhưng không đồng ý. Theo bà Ford, Hoa Kỳ quan tâm đến Biển Đông vì không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia khác cũng phụ thuộc vào các tuyến đường biển quốc tế trên vùng biển này. Bà lấy ví dụ về những gì vừa xảy ra gần đây ở Biển Đỏ, khi phiến quân Houthi bắn các tàu thương mại chạy qua khu vực đó. Bà nhấn mạnh rằng sự bất ổn của các tuyến hàng hải quốc tế có ảnh hưởng vô cùng lớn đến tất cả mọi người. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ tiếp tục hành động tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bà cho biết không chỉ Hoa Kỳ mà rất nhiều đối tác khác của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã lên tiếng khẳng định rằng một Biển Đông tự do và mở là lợi ích của tất cả các quốc gia khắp thế giới.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á nhấn mạnh đó Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục hợp tác với những đối tác như Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Một số vùng trên Biển Đông không thuộc các tuyến đường biển quốc tế mà thuộc về lãnh thổ riêng hoặc là vùng đặc quyền kinh tế của một số nước. Theo bà Ford, đó là những nơi Hoa Kỳ có thể giúp các nước này theo dõi và giám sát những gì đang xảy ra trên Biển Đông.
Nhớ lại những sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ năm 2023, bà Lindsey W. Ford phát biểu rằng năm vừa qua rất đặc biệt vì không giống bất kỳ điều gì mình từng thấy. Nhìn từ quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bà cho rằng năm 2023 đã đem lại một cơ hội thú vị để phát triển những hợp tác có rất nhiều hứa hẹn mà hai nước đã nỗ lực theo đuổi qua nhiều thập kỷ.
Từ kẻ thù trở thành bạn bè
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết Việt Nam rất quyết tâm thực hiện đầy đủ và thúc đẩy mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Hoa Kỳ một cách thực chất. Ông nói Việt Nam muốn biến các định hướng chung của lãnh đạo cấp cao thành những hành động và biện pháp cụ thể để có thể triển khai trên thực tế.
RFA đặt câu hỏi với ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, vì sao chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm nhưng cho đến tận năm 2023 Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, trong khi đã nâng cấp quan hệ đó với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ trước. Ông Đại sứ đã làm khán thính giả cười sảng khoái với câu trả lời thẳng thắn rằng “đơn giản vì chúng ta từng là kẻ thù. Chúng ta cần có thời gian. Năm mươi năm không phải là quá dài.” Ông nói thêm “không có gì là không thể (vượt qua)”.
Việt Nam: “quốc gia cùng chí hướng” với Hoa Kỳ?
Nhà phân tích tình báo và cựu quan chức ngoại giao Peter Humphrey hỏi Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng về trường hợp những người Bắc Triều Tiên băng qua Trung Quốc, Việt Nam để chạy tị nạn đến Thái Lan. Khi chạy qua lãnh thổ Việt Nam, nếu bị bắt, họ có thể bị trả về Bình Nhưỡng và nhận kết cục đáng buồn. Chính sách này ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Hoa Kỳ với những quốc gia có cùng chí hướng (like-minded nations). Liệu Việt Nam có thể xem xét chính sách cho phép họ đi qua cửa khẩu sân bay Nội Bài? Hoa Kỳ và các nước phương Tây nói chung sẽ coi đây là một món quà lớn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng nói rất hiểu quan điểm của ông Hmphrey và sẽ xem xét chính sách đó. Ông cho biết khoảng 15 năm trước, khi ông còn là Thư ký Bộ trưởng Ngoại giao, Việt Nam đã đưa hàng trăm người Bắc Triều Tiên tới Nam Triều Tiên.
Ông John Goyer, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, hỏi Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng rằng Phòng Thương mại Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nhóm một trong những nước có nền kinh tế phi thị trường sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ song phương.
Ông Đại sứ cho rằng điều đó là không thể chấp nhận được. Danh sách đó chỉ có 12 nước, và Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN bị xếp vào trong nhóm này. Ông nói ông không muốn nêu tên nước nào, nhưng có rất nhiều nước khác “đáng ra nên nằm trong danh sách đó thay vì Việt Nam.”
“Hội thảo Việt Mỹ 2024” của CSIS cũng là sự kiện để trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới này công bố một chương trình mới là “Sáng kiến Việt Nam – Hoa Kỳ” (the U.S.-Vietnam Initiative), nhân kỷ niệm 10 năm Hoa Kỳ Việt Nam thiếp lập quan hệ Đối tác chiến lược và vừa nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Quan hệ Việt Mỹ hứa hẹn sẽ có nhiều sự kiện sôi động trong những năm tiếp theo, nói như bà Lindsey W. Ford, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á, phát biểu tại hội thảo, là mối quan hệ này “sẽ ngày càng phát triển và trưởng thành hơn.”