Lý giải việc nhập gạo của Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được truyền thông Nhà nước đăng tải mới đây, trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu khoảng tám triệu tấn gạo, giá trị đạt 4,78 tỷ USD… Nhưng cũng trong năm 2023, Việt Nam đã chi ra 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia, chủ yếu là Campuchia và Ấn Độ…

Vì sao là một nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới mà Việt Nam phải nhập khẩu gạo? Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, khi trả lời RFA hôm 31/1, nhận định:

“Các nước khác, kể cả các nước xuất khẩu gạo thì vẫn tiến hành nhập gạo. Việt Nam nhập một số lượng khá lớn gạo từ Campuchia, Ấn Độ và các nước khác, một phần để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến thực phẩm, một phần là để đấu trộn vào gạo xuất khẩu và một phần gạo có chất lượng hợp khẩu vị người ta cũng mua về để ăn. Trong khi đó Việt Nam cũng xuất khẩu rất lớn kể cả gạo trắng và gạo chất lượng cao đến các nước tùy theo nhu cầu thị trường.”

Việt Nam nhập một số lượng khá lớn gạo từ Campuchia, Ấn Độ và các nước khác, một phần để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến thực phẩm, một phần là để đấu trộn vào gạo xuất khẩu và một phần gạo có chất lượng hợp khẩu vị người ta cũng mua về để ăn.
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Truyền thông Nhà nước dẫn ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Hai Lúa, một người trồng lúa và chăn nuôi ở Hậu Giang hôm 31/1 cho RFA biết ý kiến:

“Sản xuất gạo cũng bình thường, nhưng bây giờ nói chung người ta lên vườn quá nhiều, thành thử ra diện tích đất sản xuất gạo mấy năm vừa qua ở chỗ tôi bị thu hẹp lại, không còn như ngày xưa nữa. Ví dụ ngày xưa 10, thì bây giờ còn khoảng bảy, thành thử ra mấy ông này mới bung tiền để nhập gạo trữ. Chứ còn thức ăn chăn nuôi thì người ta lấy cám, trấu làm cho heo gà ăn, chứ không lấy gạo trực tiếp mà làm thức ăn gia súc đâu.”

000_33XY3EX.jpg
Ảnh minh họa: Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia. AFP PHOTO.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang hôm 31/1 khi trả lời RFA cho rằng:

“Thường gạo chất lượng thấp khi Ấn Độ xả hàng thì Cục dự trữ Quốc gia mua hàng cũ giá rất rẻ về làm thức ăn gia súc. Ở Việt Nam thức ăn gia súc chiếm một phần lớn khoảng 70 % giá thành sản xuất gà, vịt, heo… Cho nên mình để gạo ngon xuất khẩu, còn nhập gạo xấu để sản xuất thức ăn gia súc. Gạo xấu thì ở miền Bắc trồng mấy giống lúa lai, ăn không ra gì, mà người ta cũng vẫn trồng nhưng để cho gia súc ăn.”

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, năm 2023 phải nhập khẩu nhiều gạo vì hiện nay miền Bắc không còn hăng hái trồng lúa lai như những năm trước nữa. Ông Xuân giải thích thêm:

“Bởi vì lúa miền Bắc trồng bán giá rất thấp, giờ họ bỏ trống đồng rất nhiều, hoặc trồng thứ khác có tiền nhiều hơn. Nói chung trồng lúa ở miền Bắc không đưa tới lợi tức bao nhiêu cho nông dân, nhưng giá thành sản xuất lại rất cao.”

Cho nên mình để gạo ngon xuất khẩu, còn nhập gạo xấu để sản xuất thức ăn gia súc. Gạo xấu thì ở miền Bắc trồng mấy giống lúa lai, ăn không ra gì, mà người ta cũng vẫn trồng nhưng để cho gia súc ăn.
-Giáo sư Võ Tòng Xuân

Theo Tổng cục Thống kê, diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm 2023 của Việt Nam ước đạt 2.952,5 nghìn hecta, giảm 39,8 nghìn hecta so với năm 2022. Còn diện tích gieo trồng lúa hè thu của Việt Nam năm 2023 đạt 1.912,8 nghìn hecta, giảm 2,8 nghìn hecta so với vụ hè thu năm 2022.

Đối với những vùng sản xuất khác Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng nên sản xuất lúa chất lượng cao để bán giá cao hơn lời hơn. Với ý kiến liệu có nên tăng sản xuất lúa lai, ông Xuân nói:

“Làm lúa lai ăn không ngon, mà để cho gia súc ăn thì cũng nông dân không còn màng lắm. Bởi vì Việt Nam cũng đã tốn tiền nhập bắp và đậu tương để trộn với cám và gạo làm thức ăn gia súc, chăn nuôi… Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gạo chưa tới năm tỷ USD, mà nhập bắp với đậu nành đã gần bốn tỷ USD. Giờ còn phải nhập thêm lúa nữa để có đủ thức ăn cho gia súc, nhất là nuôi cá bây giờ rất tốn vì xuất khẩu nhiều, nên nhu cầu thức ăn cho cá rất cao, nuôi gà, nuôi heo cũng thế… Việt Nam không đủ nguyên liệu để sản xuất nên phải nhập.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định thêm:

“Nhìn chung Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng chăn nuôi khá mạnh, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi khá lớn… kể cả thức ăn gia súc và thức ăn cho thuỷ sản. Việt Nam không có thế mạnh về thức ăn chăn nuôi cho nên phần lớn ngô, đậu nành phải nhập từ nước ngoài. Có một phần gạo nhập cho thức ăn chăn nuôi, cái đó cũng là nhu cầu.”

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, trong cơ chế thị trường, mặt hàng nào có lợi thế thì xuất khẩu, không có lợi thế thì nhập khẩu, vấn đề theo ông Sơn là phải chế biến ra sao để tăng thêm giá trị gia tăng.

Related posts